|
Tăng cường kiểm tra để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe nhân dân |
Hà Nội lập mô hình tương tự “tổ liên ngành 141” để kiểm tra, xử lý quyết liệt với hành vi mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP). Còn TP HCM có cơ quan độc lập chuyên nghiệp quản lý ATTP nhằm kiểm soát, đảm bảo ATTP cho người dân. Những động thái cương quyết, trách nhiệm này của hai đầu tầu kinh tế đã hé mở lời giải cho bài toán khó về ATTP khiến người dân bất an bấy lâu. Thế nhưng thực tế cho thấy không phải cứ có cơ quan chuyên trách quản ATTP thì mọi chuyện sẽ đi vào quỹ đạo.
Còn nhớ tròn 1 năm trước TP HCM xin cơ chế đặc thù để có cơ quan chuyên trách trực thuộc UBND giải quyết tận gốc vấn đề ATTP của cả thành phố. Trước khi xin cơ chế “tự quản” vấn đề ATTP của TP này, chính quyền TPHCM đã từng rất kỳ vọng. Bởi có cơ quan thống nhất các đầu mối cùng chức năng kiểm soát ATTP ở Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương. Mô hình thí điểm này đã từng được kỳ vọng kiểm soát được ATTP từ trang trại/ruộng tới bàn ăn của mọi gia đình; chấm dứt tình trạng một miếng ăn có tới 3 bộ quản lý, gây nên tình trạng tréo ngoe như bao lâu nay. Một đầu mối quản lý, rõ trách nhiệm, sẽ không còn tình trạng “cha chung không ai khóc” chắc chắn sẽ giải quyết được vấn nạn thực phẩm bẩn tung hoành khắp nơi bào mòn sức khỏe, tính mạng người dân.
|
Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Người dân kỳ vọng cũng đúng thôi bởi, trước khi có Luật ATTP hiện hành (năm 2010), Bộ Y tế chịu trách nhiệm chung về ATTP, nhưng bộ này chỉ chịu trách nhiệm khi mớ rau, con cá đã thành miếng ăn, thành “thực phẩm”, còn khi nó đang ở dạng nguyên liệu thì rau, cá đó lại do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phụ trách. Nếu đó là sản phẩm chế biến thì lại là nhiệm vụ của... ngành Công thương. Thế nên tình hình vẫn chẳng khá hơn từ sau khi có Luật ATTP hiện hành, vì luật quy định bộ chuyên ngành quản lý sản phẩm chuyên ngành, như Bộ Y tế chỉ quản lý 5 nhóm hàng, ngành Nông nghiệp quản lý thực phẩm nông sản, còn ngành Công thương quản lý sản phẩm chế biến. Nhưng, mỗi đợt thanh tra, người ta phải đợi “đoàn liên ngành” gồm nhiều thành phần đi thanh tra ATTP, kết quả là chưa kiểm nghiệm xong mẫu thì cá nhân, tổ chức nghi là vi phạm đã đủ thời gian tẩu tán sạch số thực phẩm này.
Thực tế không ít vụ việc ngành nọ “đá” ngành kia vì không hiểu lẫn nhau, như năm 2016 đã xảy ra vụ quản lý thị trường (trực thuộc ngành công thương) thu giữ xúc xích, nhưng y tế lại nói sản phẩm đó hoàn toàn đủ điều kiện lưu hành. Tất nhiên, khi thoát khỏi tình trạng “5 cha 3 mẹ”, có một đầu mối chịu trách nhiệm đến cùng có đủ điều kiện để thanh tra, giám sát, kiểm soát từ A-Z tất cả mặt hàng là thực phẩm, thay vì phải đợi sự tham gia của các ngành cùng chức năng như mô hình trước đây như Ban quản lý ATTP của TP HCM đã nhen nhóm lên những hy vọng mới. Dù đã đạt được những kết quả ban đầu nhưng sau 1 năm đi vào hoạt động của Ban ATTP thì kỳ vọng nhiều nhưng kết quả chưa được bao nhiêu.
Tại hội nghị sơ kết 1 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý ATTP TP HCM diễn ra tuần qua, Trưởng ban này- bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, dù quản lý TP đã về một mối, TPHCM có 250 cán bộ thanh tra thực phẩm, là con số “mơ ước” của các tỉnh - thành khác nhưng nếu so với Bangkok (Thái Lan) có đến 5.000 người thì còn quá ít ỏi. Lực lượng thanh tra ở Thái Lan có thể phạt tại chỗ, trong khi Việt Nam muốn phạt phải có quy trình phức tạp, đến khi phạt rồi vẫn thấy chưa thỏa đáng vì pháp luật quy định chưa sát thực tế. Nhiều quy định còn sơ hở, chồng chéo khiến người thực thi lo ngại kiện tụng mà có tâm lý cầu an. Đối với thực phẩm tươi sống vi phạm, trường hợp chủ hàng bỏ trốn thì nhà nước phải chịu chi phí xét nghiệm, tiêu hủy rất lớn, thế nên Ban này không đủ kinh phí để hoạt động…
Nhân kết quả 1 năm Ban ATTP TP HCM ra đời, chợt nhớ cách đây 2 năm, 2 TP Hà Nội và TP HCM thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP ở xã phường mà ngày “ra quân” cũng được kỳ vọng rất nhiều, nhưng hiệu thì cũng chẳng được là bao. Tăng nhân sự, có cơ chế đặc thù mà vấn đề ATTP vẫn nóng phải chăng chúng ta cứ phải chấp nhận sống chung với thực phẩm mất an toàn!
Tăng chế tài xử phạt mới đủ sức răn đe
|
Bà Phạm Khánh Phong Lan. |
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, sau 1 năm hoạt động, Ban ATTP TP HCM đã xây dựng được mô hình cơ chế phối hợp của Ban với liên ngành các đội quản lý ATTP của 24 quận/huyện, hình thành một mạng lưới quản lý, giám sát khá chặt chẽ. Mặt khác, qua sự phối hợp kí kết liên tịch với các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Sở GDĐT TP HCM, Ban đã hình thành mô hình quản lý ATTP hiệu quả hơn ở những khu vực “nhạy cảm” này, vốn có nhiều công nhân, học sinh, nơi thường xảy ra ngộ độc thực phẩm; Củng cố được mô hình xây dựng “chuỗi thực phẩm an toàn”, để tìm nguồn thực phẩm sạch hằng ngày cho người dân thành phố.
Tuy nhiên, qua việc trực tiếp xử lý nhiều vụ việc vi phạm của cá nhân, của tổ chức về ATTP, cho thấy, hầu như hiện nay tất cả các vụ vi phạm ATTP đều được xử lý hành chính. Do hiện nay theo Bộ luật Hình sự mới nhất 2015, còn nhiều cái rất khó khi làm căn cứ xử lý vi phạm sản xuất thực phẩm bẩn. Trong nỗ lực thực hiện tiêu chí “chống thực phẩm bẩn”, Ban gặp rất nhiều vướng mắc trong xử lý công việc bởi những qui định pháp luật hiện hành trong xử lý những vi phạm về ATTP. Luật còn hở quá nhiều là nguyên nhân khiến những kẻ kinh doanh thực phẩm theo kiểu trục lợi, ăn xổi ở thì.
Để đạt được hiệu quả cao trong quản lý ATTP phải thay đổi nhiều điều khoản về Luật ATTP. “Luật của ta hiện nay hở quá nhiều, nhiều vụ việc phát hiện có hành vi đưa phụ gia hóa chất công nghiệp vào thực phẩm mà không đưa vào xử lý hình sự được. Như vụ heo bị tiêm thuốc an thần phát hiện vào năm 2017, hay gần 27 tấn thực phẩm trộn hóa chất bị phát hiện tại Hóc Môn trước Tết Nguyên đán. Hai vụ vi phạm này qui mô rất lớn nhưng khi củng cố chứng cứ cho thấy, do lỗi của người vi phạm lại nằm “ngoài khung” của Luật Hình sự. Luật qui định, chỉ xử lý tội Hình sự với người vi phạm sử dụng phụ gia hóa chất cấm, chất ngoài danh mục. Thuốc an thần theo qui định được phép sử dụng trong chăn nuôi, vậy họ sử dụng đúng loại cho phép, nhưng sử dụng “sai mục đích”. Lọt tội phạm là ở đây! Tội danh rõ ràng nhưng không xử lý hình sự được! Hay những sản phẩm thịt gia súc gia cầm đã trong tình trạng biến chất, phải tiêu hủy nhưng nhiều tiểu thương vẫn bán cho người dân, sai phạm rất phổ biến này hiện mới bị xử lý ở mức độ vi phạm hành chính. Điều này không đủ sức răn đe”- bà Lan nói.
Cần thiết phải nhân rộng mô hình
Còn theo GS.TS Phan Thị Kim - chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật ATTP Việt Nam, hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định về ATTP có quá nhiều loại văn bản, thay đổi thường xuyên, dẫn đến cả doanh nghiệp lẫn các cơ quan quản lý không nắm bắt kịp. Các văn bản chồng chéo, vừa thừa, vừa thiếu… Chẳng hạn, hiện việc kiểm nghiệm, công bố kết quả mẫu kiểm nghiệm thực phẩm lâu nay còn phải đợi chờ quá lâu, khi có kết quả chủ vi phạm đã tẩu tán hết số hàng. Luật ATTP và các văn bản, qui phạm pháp luật liên quan hiện không cho phép xử lý việc vi phạm ATTP dựa trên kết quả test nhanh mẫu thực phẩm. Mà chỉ có tính chất sàng lọc, có kết quả dương tính mới lấy mẫu lại đi kiểm nghiệm ở nơi có phòng Labor cao cấp. Hai kết quả có khi khác nhau. Như vậy, cơ chế giám sát để định tội thực phẩm mất an toàn còn phải chạy theo diễn biến thực tế, kém hiệu quả…
|
Bà Phan Thị Kim. |
“Về hiệu quả của Ban ATTP tôi cho rằng, thống nhất một đầu mối chắc chắn xử lý vấn đề ATTP nhanh hơn, tốt hơn như TP HCM, dù chưa kiểm soát được 100% nguồn thực phẩm tại TP rộng lớn này nhưng thực phẩm bẩn không ngang nhiên hoành hành như trước. Do vậy, mô hình này cần thực hiện ở nhiều địa phương chứ chỉ một mình TP HCM thì chưa đủ. Đi kèm với việc sửa luật, tăng chế tài xử phạt cần xây dựng nhiều chuỗi thức ăn sạch đến tận tay người tiêu dùng. Đặc biệt, cần nhanh chóng dán tem mác những sản phẩm an toàn, có địa chỉ nhà sản xuất để có vấn đề gì có thể truy nguyên nguồn gốc. Đặc biệt, cán bộ thực thi công vụ trong lĩnh vực này phải tâm sáng, lòng trong, nếu cả nể, dĩ hòa vi quý hoặc vì lý do A, B, C nào đó vẫn biết thực phẩm bẩn mà vẫn xử lý kiểu “giơ cao đánh khẽ”, mặc sức để thực phẩm mất an toàn ra thị trường thì dân sẽ mất niềm tin”- bà Kim nói.