Án phạt nào cho kế toán BV Cần Thơ chiếm đoạt gần 650 triệu tạm ứng?

Google News

(Kiến Thức) - Nhân viên kế toán Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ (Cần Thơ) chiếm đoạt gần 650 triệu đồng tiền tạm ứng khám chữa bệnh của bệnh nhân trong thời gian dài mà không bị phát hiện. 

Liên quan tới vụ kế toán BV Cần Thơ chiếm đoạt gần 650 triệu tạm ứng, Thanh tra TP Cần Thơ vừa ký văn bản chuyển hồ sơ có dấu hiệu tham nhũng sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ thụ lý theo thẩm quyền. Vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Người được xác định có hành vi chiếm đoạt tiền tạm ứng khám chữa bệnh của bệnh nhân là Dư Quốc Đạt - nhân viên phòng tài chính kế toán của bệnh viện này.
Đạt được giao nhiệm vụ thu và giữ tiền tạm ứng khám chữa bệnh của bệnh nhân và phát hiện ra sơ hở của phần mềm kế toán nên nảy sinh lòng tham nên đã chiếm đoạt gần 650 triệu tiền tạm ứng.
Trao đổi với PV Kiến Thức về án phạt nào cho kế toán BV Cần Thơ chiếm đoạt gần 650 triệu tạm ứng?
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo thông tin ban đầu vụ việc nêu trên thì hành vi của kế toán bệnh viện này có dấu hiệu của tội tham ô tài sản và vi phạm về kế toán cần phải được làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.
An phat nao cho ke toan BV Can Tho chiem doat gan 650 trieu tam ung?
Ảnh minh họa. 
Về nguyên tắc thì khi có dấu hiệu cán bộ, công chức nhà nước vi phạm pháp luật thì cơ quan thanh tra sẽ vào cuộc để xác minh làm rõ sai phạm. Trường hợp xác định có sai phạm thì sẽ kết luận nội dung sai phạm, mức độ sai phạm, đối tượng sai phạm để có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.
Với những sai phạm đến mức phải xử lý kỷ luật đảng, kỷ luật công chức, viên chức thì sẽ tiến hành các hình thức kỷ luật theo quy định. Trường hợp hành vi sai phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ những sai phạm do cơ quan thanh tra chuyển đến thì cơ quan điều tra (cảnh sát kinh tế) sẽ tiến hành xác minh làm rõ thêm thông tin từ phía cơ quan thanh tra cung cấp để chứng minh hành vi có dấu hiệu tội phạm hay không.
Trong trường hợp quá trình xác minh thông tin, tài liệu mà cơ quan thanh tra cung cấp, cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy kế toán bệnh viện này đã được giao quản lý tài sản, lợi dụng việc giao quản lý tài sản đó đã có những thủ đoạn gian dối, lấp liếm để chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ số tiền đã được giao quản lý thì hành vi này là hành vi tham ô tài sản sẽ bị xử lý về tội tham ô tài sản theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
An phat nao cho ke toan BV Can Tho chiem doat gan 650 trieu tam ung?-Hinh-2
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội. 
Điều 353. Tội tham ô tài sản
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Như vậy trong trường hợp có căn cứ để buộc tội kế toán bệnh viện này về tội tham ô tài sản thì người này sẽ phải đối mặt với hình phạt quy định tại khoản 3, điều 353 Bộ luật hình sự là phạt tù từ 15 năm đến 20 năm tù. Số tiền đã bồi thường khắc phục hậu quả được xem xét là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra đối với hành vi vi phạm quy định về kế toán thì sẽ tiếp tục được xem xét để xử lý. Trong trường hợp hành vi còn cấu thành tội danh khác với chức vụ thì sẽ bị xử lý với tội danh tương ứng.
Những vụ việc như thế này được phát hiện xử lý sẽ làm cơ sở để khắc phục những lỗ hổng trong công tác quản lý và đánh giá đạo đức cán bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ. Đây sẽ là bài học để bệnh viện này thực hiện công việc quản lý tài chính tốt hơn và thực hiện việc rèn luyện đạo đức, ý thức trách nhiệm của cán bộ đối với công việc được giao, tránh những bộ việc tương tự xảy ra là mất uy tín của cơ quan, đơn vị, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của người bệnh.
>>> Xem thêm video: Tham nhũng thoát án tử nếu nộp lại tiền

Nguồn: VTC 14.

Trung Vương

>> xem thêm

Bình luận(0)