Gần đây, Thơ Nguyễn, YouTuber chuyên làm nội dung hướng đến trẻ em, bị phản đối vì đăng clip dùng búp bê kumanthong “xin vía học giỏi”.
Sau sự việc, nhiều người đặt câu hỏi vì sao những hiện tượng mạng làm nội dung không phù hợp, gây ảnh hưởng xấu thế này vẫn có nhiều người theo dõi, ngày càng trở nên nổi tiếng.
Được nuôi dưỡng nhờ lượt xem
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Lữ Gia, chuyên gia bảo vệ trẻ em, quản lý dự án Bảo vệ trẻ em thuộc Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam (Save the Children Vietnam), cho rằng các kênh như Thơ Nguyễn, Khá Bảnh là sản phẩm của mạng xã hội.
"Đầu tiên, nơi tạo ra những nền tảng như YouTube, TikTok. Sau đó, chính người theo dõi là lực lượng nuôi sống các chủ tài khoản này”, ông nhận định.
|
Clip dùng búp bê "xin vía học giỏi" trên kênh TikTok Thơ Nguyễn bị đánh giá là phản cảm, mê tín dị đoan, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Ảnh cắt từ clip.
|
Theo ông Gia, nội dung trên kênh Thơ Nguyễn hướng tới nhóm đối tượng xem là trẻ em. Bởi vậy, không thể tách rời trách nhiệm của cha mẹ trong việc quản lý, theo sát con em mình sử dụng Internet hoặc mạng xã hội.
Vị chuyên gia đặt câu hỏi: Các bậc phụ huynh thường dành bao nhiêu thời gian để nói chuyện với con em mình về việc sử dụng Internet? Có bao nhiêu cha mẹ ngồi lại sử dụng Internet với con em mình? Hay họ chỉ đưa điện thoại, máy tính mở YouTube, TikTok lên rồi cho con cái giải trí trong lúc tận dụng thời gian đó để làm việc riêng?
Ông Gia nói có thể thấy trong sự việc Thơ Nguyễn gây tranh cãi vừa qua, đa phần phụ huynh phẫn nộ vì nội dung “không phù hợp, gây phản cảm”. Thế nhưng, cũng chính các video khác của người này trước đây, họ lại là người khuyến khích con em mình theo dõi.
“Nếu các bậc cha mẹ cùng sử dụng Internet với con, kịp thời phát hiện những nội dung lệch lạc như thế thì rõ ràng, trẻ em đã không bị ảnh hưởng và được bảo vệ”, ông nói.
Thạc sĩ Đinh Hồng Anh, giảng viên Báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nói với Zing Thơ Nguyễn, Khá Bảnh là ví dụ cho những người muốn dùng chiêu trò nhằm tạo ra các video câu view, thu hút sự chú ý trên mạng để được nổi tiếng.
Theo bà Hồng Anh, trẻ em - nhóm đối tượng mà các kênh này hướng đến - dễ bị ảnh hưởng và chịu tác động bởi môi trường sống. Các em học cách ứng xử qua việc bắt chước người lớn, dễ học theo những gì mình nghe và nhìn thấy.
Bởi vậy, nếu phụ huynh không sát sao quan tâm, định hướng kịp thời, trẻ em dễ dàng bị “buông lỏng”, “thả nổi” trong môi trường đầy ắp sản phẩm giải trí mạng - hay có, dở có, tốt có, xấu có - mà không có sự chắt lọc thông tin.
|
Trước Thơ Nguyễn, Hưng Vlog là YouTuber làm dậy sóng dư luận và bị cơ quan chức năng xử phạt vì phát hành nội dung gây phản cảm. Ảnh cắt từ video.
|
Cần giáo dục kỹ năng cho YouTuber, TikToker
Theo ông Nguyễn Lữ Gia, thời gian qua, các ngành văn hóa thông tin, chính quyền các cấp nhiều lần lên tiếng về các kênh mạng xã hội có nội dung nhảm nhí, độc hại để đề ra biện pháp chấn chỉnh, dẹp bỏ.
Tuy nhiên, vấn đề rất quan trọng nhưng còn bị buông lỏng chính là bản thân các YouTuber, nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội chưa hình dung được sức ảnh hưởng, tác động của mình đối với người theo dõi, đặc biệt là trẻ em.
"Một YouTuber sản xuất rất nhiều sản phẩm thu hút hàng chục triệu người theo dõi nhưng khi xem xét lại, tôi giật mình vì những cá nhân này có tác động rất lớn đối với số đông như vậy, song kiến thức của họ về trách nhiệm xã hội, với cộng đồng, trẻ em thì đã có ai cung cấp, định hướng cho họ hay chưa? Hay chỉ là mảng còn bị bỏ ngỏ?", ông nhận định.
Theo vị chuyên gia bảo vệ trẻ em, việc giáo dục các nhà sáng tạo nội dung, đặc biệt là những người có lượng follow lớn như Thơ Nguyễn, là rất cần thiết vì nhóm này tác động đến rất nhiều người trẻ. Những người có đối tượng theo dõi nhỏ tuổi thì càng cần hiểu về trách nhiệm xã hội, thực hiện quyền trẻ em.
"Chính quyền cần có chương trình, biện pháp để nâng cao nhận thức cho nhóm đối tượng này, vì rõ ràng không thể cấm mãi. Nếu kịp thời cung cấp kiến thức cho họ về trách nhiệm của bản thân với số đông đang theo dõi mình, tôi tin rằng việc các nội dung, sản phẩm phi giáo dục, ảnh hưởng xấu đến giới trẻ sẽ ngày càng hạn chế", ông Gia nói.
|
Video thả 100 con dao từ trên cao xuống của NTN Vlogs bị chỉ trích dữ dội. Theo chuyên gia, các nhà sáng tạo nội dung như này nên được giáo dục, nâng cao kỹ năng về trách nhiệm xã hội. Ảnh chụp màn hình.
|
Thạc sĩ Đinh Hồng Anh cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong việc bảo vệ con em mình trong môi trường mạng.
Theo bà, công nghệ hiện nay len lỏi vào cuộc sống thường nhật của mỗi gia đình, giúp con người tiếp cận với những gì tiên tiến, hiện đại và phát triển. Bởi vậy, chắc chắn không thể và cũng không nên để trẻ em tuyệt giao hoàn toàn với công nghệ.
"Phụ huynh cần giải thích cho con hiểu tại sao những nội dung đó không tốt, quy định mức thời gian sử dụng Internet hợp lý. Họ cần dành thời gian để cùng xem với con, cài sẵn chế độ trẻ em trên tivi cũng như YouTube để con em mình chỉ xem được những video đúng với lứa tuổi. Tốt hơn cả là trẻ nên được xem các video giải trí ở nơi mà người lớn có thể quan sát thấy các em đang làm gì", bà Hồng Anh bày tỏ.
Ở trường hợp Thơ Nguyễn, trao đổi với Zing hôm 11/3, ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết cơ quan chức năng đã liên hệ với chủ tài khoản Thơ Nguyễn để trao đổi về việc người này có một số clip trên TikTok có dấu hiệu vi phạm.
Trước đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã yêu cầu TikTok và YouTube gỡ những nội dung vi phạm liên quan đến tài khoản Thơ Nguyễn.
Ngày 13/3, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) có văn bản gửi Công ty TNHH công nghệ Tiktok Việt Nam đề nghị tăng cường rà soát, xử lý nội dung độc hại với trẻ em trên nền tảng TikTok.