Chiều 29/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch trên địa bàn.
Đại diện các sở, ngành đã chia sẻ về nhiều nội dung người dân quan tâm như việc đối phó với biến chủng COVID-19 mới, tiêm vắc xin cho trẻ em, tình hình phạm pháp hình sự...
Đeo khẩu trang thường xuyên hơn, giảm tụ tập, la cà
Tại họp báo, Zing đặt câu hỏi cho Sở Y tế TP.HCM về việc sở đã tham mưu thế nào cho UBND TP.HCM để chuẩn bị ứng phó với biến chủng Omicron.
Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết việc thực hiện phòng chống dịch sẽ thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Ban Chỉ đạo liên ngành đã chỉ đạo vẫn theo nguyên tắc vắc xin và 5K.
“Thời gian tới, nếu có sự chỉ đạo của Trung ương, TP sẽ tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên. Báo chí nên tuyên truyền người dân thực hiện 5K. Mong rằng dịch sẽ được đẩy lùi”, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM kêu gọi.
Nói thêm về vấn đề này, ông Phạm Đức Hải (Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM) đề cập 4 nội dung được TP.HCM chuẩn bị để đối phó với biến chủng Omicron.
Ông Hải cho biết dù là biến chủng gì cũng lây qua đường hô hấp nên một trong những điều phải thực hiện nghiêm là đeo khẩu trang. “Bất tiện nhưng phải thay đổi thói quen, thường xuyên đeo hơn nữa. Mở rộng ra là 5K, trong đó, giảm tối đa tụ tập, la cà. Đây là khuyến cáo, sự chuẩn bị rất lớn của TP”, ông Hải nói.
|
Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Thứ hai là Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã giao Sở Y tế thường xuyên theo dõi việc thực hiện chỉ đạo về biến chủng này của Bộ Y tế. Có vấn đề gì, ngành y tế phải báo ngay. “Thực ra đến nay, chúng ta cũng chưa biết nó là như thế nào, chưa có tài liệu nào chính thức của WHO”, vị này nhận định.
Thứ ba là cần chuẩn bị các kịch bản. Cụ thể như chăm sóc F0, xây dựng trạm y tế lưu động, củng cố trạm y tế phường, xã; tăng cường vắc xin. “Đó cũng là ứng phó với Omicron”, ông Hải nói.
Cuối cùng là tăng sự phối hợp chặt chẽ, bài bản hơn trên 3 khía cạnh: Y tế công và tư; đông y và tây y; quân y và dân y.
“4 điều đó chính là những việc để TP chuẩn bị ứng phó với biến chủng mới”, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM thông tin.
Không hoang mang trước biến chủng Omicron
Ông Phạm Đức Hải cũng cho biết số ca nhiễm, số ca tử vong trên địa bàn TP vẫn cao. Số ca nhập viện luôn cao hơn số ca xuất viện. Bên cạnh đó, biến chủng Omicron cũng gây tâm lý lo lắng.
Tuy nhiên, TP.HCM khẳng định vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh. Trong nhiều tuần liên tiếp, cấp độ dịch vẫn ở mức 2. TP đã chuẩn bị đầy đủ kịch bản để xử lý tình huống khi ca mắc mới tăng cao.
|
Biến chủng Omicron được cho là có khả năng lây nhiễm nhanh chóng. Ảnh: Reuters. |
“TP đề nghị người dân không hoang mang nhưng không chủ quan, lơ là và phải thực hiện tốt nhất quy định của ngành y tế, đặc biệt là 5K. Cố gắng thay đổi nhiều nhất, nhanh nhất về những thói quen, sở thích của mình; đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên hơn, giảm thói quen tụ tập, la cà; hạn chế ngồi với khoảng cách gần bởi đây là những yếu tố dẫn đến nguy cơ ca mắc mới cao, khiến nguy cơ tử vong cao", ông Hải kêu gọi.
Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24/11 và có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2. Biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta.
Đến ngày 29/11, Việt Nam chưa ghi nhận biến thể này. Để chủ động ứng phó, ngày 28/11, Bộ Y tế đã đề xuất xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.
TP.HCM cơ bản hoàn thành tiêm vắc xin mũi 2 cho học sinh 12-17 tuổi
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết sở đã hướng dẫn các cơ sở chuẩn bị cơ sở vật chất, đặc biệt là cơ sở giáo dục được trưng dụng làm cơ sở phòng chống dịch. Các cơ sở đã xây dựng phương án phòng chống dịch để tổ chức đón học sinh trở lại trường.
Các nhà trường cũng đã chuẩn bị phương án cụ thể và diễn tập xử lý nếu xuất hiện F0, F1. Mỗi trường phải phân công cán bộ phụ trách phòng chống dịch từ khi đón học sinh đầu giờ đến cuối giờ.
Tiêm vắc xin cũng là một trong những biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh. Thống kê cho thấy theo khảo sát ban đầu, 93% phụ huynh đồng thuận tiêm, nhưng khi tổ chức tiêm mũi 1 thì tỷ lệ đồng thuận lên tới 98%. Đến 29/11, các quận, huyện, TP đã cơ bản hoàn thành tiêm mũi 2 cho học sinh và tiêm mũi 1 bổ sung cho một số trường hợp chưa tiêm.
“Trước khi đi học trở lại, các cơ sở giáo dục sẽ tập huấn các biện pháp phòng chống dịch cho cả thầy cô và học sinh, phụ huynh để tất cả cùng chung tay thực hiện tốt công tác phòng chống dịch”, ông Trọng cho hay.
Tính đến 26/11, TP.HCM còn 124 cơ sở giáo dục đang được trưng dụng phục vụ công tác phòng chống dịch. Trong đó, 3 cơ sở là bệnh viện dã chiến; 57 nơi làm khu cách ly tập trung; 15 khu lưu trú và 43 cơ sở được sử dụng làm điểm tiêm và trạm y tế lưu động…
988 nhân viên y tế nghỉ việc trong 10 tháng qua
Trả lời câu hỏi của Zing về kế hoạch tiêm vắc xin mũi 3, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết đơn vị đã có công văn gửi Bộ Y tế về việc này. Bà Mai thông tin Trung ương rất quan tâm việc tiêm vắc xin mũi 3 nhưng thời điểm hiện tại sẽ tập trung tiêm hết cho nhóm chưa được tiêm mũi 2, cụ thể là các em từ 12 đến 17 tuổi. Theo chỉ đạo của chính quyền TP.HCM, ngành y tế phải đi từng ngõ gõ từng nhà để hỗ trợ, thuyết phục vận động người dân chưa tiêm vắc xin sao cho có độ phủ tốt nhất.
“Chúng tôi nghĩ trong thời gian sớm nhất sẽ có hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm mũi 3”, bà Mai nói.
Trước câu hỏi bệnh viện TP hiện có đang quá tải hay không, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết số nhập viện ở tầng 2, 3 đang thấp hơn tổng số giường hiện có. TP.HCM đang cố gắng không để tình trạng quá tải xảy ra. Thời gian qua, TP đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, can thiệp sao cho chăm sóc F0 tốt, giảm tỷ lệ tử vong.
Thông tin về tình hình nghỉ việc của nhân viên y tế, bà Mai cho biết năm 2020 có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Riêng 10 tháng đầu năm 2021, số nghỉ việc là 988 trường hợp.
Sở Y tế TP.HCM nhận thấy số nhân việc nghỉ việc có sự tăng nhẹ ở khu vực điều dưỡng, bác sĩ và một số ở trạm y tế. Dựa trên đơn thư, các trường hợp nghỉ do hoàn cảnh gia đình hoặc yếu tố cá nhân.
“Với ngành y tế, thực sự các bác sĩ nếu không nằm trong hệ thống công lập thì sẽ hoạt động tư nhân vì công hay tư đều có thể chăm sóc sức khỏe người dân”, bà Mai cho hay.
TP.HCM cần 33.000-42.000 lao động dịp cuối năm
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, trả lời câu hỏi về hỗ trợ người lao động. Tính đến nay, số lao động quay trở lại là 39.752 người, trong đó số người từ các tỉnh Tây Nam Bộ là hơn 16.500, Tây Nguyên là 478 và Đông Nam Bộ là hơn 22.700.
|
Dịp cuối năm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ở TP.HCM cần 33.000-42.000 lao động. Ảnh: Phương Lâm. |
TP.HCM có 127 trung tâm, doanh nghiệp giới thiệu việc làm. Hai đơn vị nòng cốt là Trung tâm dịch vụ việc làm TP và Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm để kết nối người lao động và người sử dụng lao động.
Từ ngày 1/10 tới nay, 2 trung tâm này đã tư vấn cho hơn 63.000 lượt người và giới thiệu 26.543 người. Các lĩnh vực thu hút lao động là dịch vụ thương mai, sản xuất chế tạo (da dày, lắp ráp thiết bị điện tử…).
Dự kiến, nhu cầu từ nay đến cuối năm gia tăng do các doanh nghiệp chuẩn bị để giao hàng cho đối tác vào cuối năm. Ông Lâm cho biết nhu cầu cần 33.000-42.000 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông. Trong đó, 70% nhu cầu liên quan các ngành như may mặc, giày da, cơ điện điện tử, chế biến và các ngành thương mại, dịch vụ khác.
Cứ 3 vụ trộm cắp có 2 vụ là trộm xe máy
Tại cuộc họp, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM, thông tin về tình hình phạm pháp hình sự, trong đó có trộm cắp tài sản xe máy.
Theo thống kê của Công an TP.HCM, từ 1/10 đến 28/11, trên địa bàn xảy ra 544 vụ phạm pháp hình sự. So với cùng kỳ giảm 283 vụ, tương ứng 34,05%; so với thời gian liền kề tăng 272 vụ tương ứng 98,55%.
Riêng án trộm cắp tài sản xảy ra 233 vụ, trong đó, trộm cắp môtô, xe gắn máy là 156 vụ, chiếm 56,75%. "Như vậy, cứ 3 vụ trộm cắp tài sản có 2 vụ trộm cắp xe gắn máy", ông Hà nói và đánh giá số vụ trộm cắp tài sản giảm so với cùng kỳ nhưng tăng so với khoảng thời gian liền kề.
Công an TP.HCM đã chỉ đạo 9 nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng này, trong đó có kiện toàn, nâng cao toàn diện chất lượng hiệu quả hoạt động của công an xã, phường, thị trận; điều chỉnh bố trí lực lượng, phối hợp với lực lượng tuần tra, kiểm soát, mật phục và triển khai giải pháp hệ thống kỹ thuật như camera giám sát.
Ngoài ra, công an TP còn phát động triển khai đợt cao điểm trấn áp tội phạm; tăng cường kiểm tra quản lý cơ sở kinh doanh có điều kiện, xử lý nghiêm đối tượng tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có; xử lý nghiêm băng nhóm trộm cắp tài sản.
|
Bản đồ đánh giá cấp độ dịch tại TP.HCM ngày 29/11. |
Trước đó, ngày 28/11, UBND TP.HCM ban hành văn bản cho biết dịch tại TP.HCM đang ở cấp độ 2. Tại 22 địa phương cấp quận/huyện, có 9 đơn vị đạt cấp độ 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới) là quận 1, 6, 7, 8, 11, Tân Bình, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ; 13 địa phương đạt cấp độ 2 (màu vàng - nguy cơ trung bình) là quận 3, 4, 5, 10, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Nhà Bè.
Theo thống kê, 3 địa phương tăng cấp độ dịch so với tuần trước là quận 4, Bình Thạnh và Tân Phú (cấp 1 lên cấp 2); một địa bàn giảm cấp độ dịch là huyện Cần Giờ (từ cấp độ 2 xuống cấp 1).