7h45 phút sáng ngày 28/7, chuyến bay đặc biệt của Vietnam Airlines VN5022 chở 4 bác sĩ, điều dưỡng và 15 phi hành đoàn đã cất cánh từ sân bay Nội Bài đến sân bay Bata (Guinea Xích Đạo) đón 219 công dân Việt Nam về nước.
Đây không chỉ là chuyến bay đặc biệt mà còn là chuyến bay lịch sử bởi nơi đến là Guinea Xích Đạo - Quốc gia đang bùng phát, bị “cô lập” bởi dịch COVID-19 và một nửa trong số công dân Việt Nam sẽ đi trên chuyến bay được xác định dương tính với COVID-19.
Do đó, những bác sĩ, phi hành đoàn trên chuyến bay được ví như “những người lính” trong thời bình khi luôn sẵn sàng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao khi đến vùng dich, đón hơn trăm công dân Việt Nam nhiễm COVID-19 về nước.
Họ không chỉ thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm do Chính phủ, cơ quan họ công tác giao phó để đón những đồng bào từ vùng dịch trở về quê hương trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” mà hành động của họ còn xuất phát từ “mệnh lệnh trái tim”, từ tình cảm giữa những con người chung dòng máu Lạc Hồng.
|
Chuyến bay lần này có tổ bay được bố trí nhiều gấp đôi chuyến bay bình thường. Ảnh: VNA |
Những người bác sĩ, phi công trên chuyến bay lịch sử hôm nay lại khiến chúng ta nhớ đến những người lính trong tác phẩm “Năm 1975 họ đã sống như thế” của nhà văn Nguyễn Trí Huân. Dưới ngòi bút của nhà văn, với tư liệu và hư cấu nhuần nhuyễn đến mức khó phân biệt, những người lính hiện lên với đời sống nội tâm trong một hoàn cảnh hết sức điển hình. Đó là những sự lựa chọn và dấn thân của mỗi cá nhân trước vận mệnh lịch sử của dân tộc.
45 năm sau, vào những ngày cuối tháng 7/2020, 4 thầy thuốc và 15 thành viên phi hành đoàn VN5022 "dấn thân" đi giải cứu 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo, trong đó có 129 bệnh nhân COVID giống như các "chiến binh cảm tử" vì Tổ quốc, tái hiện lại hình ảnh những người lính trong “Năm 1975 họ đã sống như thế”.
Đây không phải là chuyến bay đầu tiên vào vùng dịch để đón các công dân Việt Nam về nước. Bởi trong đợt dịch COVID-19 trước đó, đã từng có một chuyến bay đến tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc).
Tuy nhiên, chuyến bay sang Guinea Xích Đạo lần này có đến 129 bệnh nhân nhiễm COVID-19. Do đó, đây là chuyến bay có nhiều thử thách đối với cả các bác sĩ, điều dưỡng và thành viên phi hành đoàn.
Bởi họ không chỉ trải qua một chuyến bay có thời gian dài do là chuyến bay giải cứu công dân nên phải quay đầu về ngay, mà họ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao khi số lượng người nhiễm COVID-19 cao, không gian trong máy bay lại khá chật hẹp. Ngoài việc phải đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm, họ phải đảm bảo tránh lây nhiễm cho cả những công dân không nhiễm bệnh trên cùng chuyến bay.
Đối với các phi hành đoàn đó là những thách thức không nhỏ nhưng với các bác sĩ, đặc biệt là hai điều dưỡng chăm sóc các bệnh nhân, nguy cơ lây nhiễm còn cao hơn gấp nhiều lần. Trong số các bệnh nhân, có những bệnh nhân nặng phải hỗ trợ thở tại khu vực hồi sức tích cực tại bệnh viện nước bạn.
Điều rất đáng cảm động, hình ảnh của họ là minh chứng cho tinh thần “người lính” năm xưa đang hiện hữu ở hiện tại. Dù có nhiều khó khăn, nguy hiểm như vậy, nhưng các bác sĩ, 2 điều dưỡng cùng các thành viên phi hành đoàn nhận nhiệm vụ với một tâm thế không chỉ có trách nhiệm mà đây là một chuyến đi đầy tự hào, một chuyến đi nhiều ý nghĩa khi họ đã góp phần giúp các công dân Việt Nam về với quê hương.
Như lời anh Vũ Linh, kỹ sư bảo dưỡng máy bay Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) – thành viên phi hành đoàn nói với báo chí trước thời điểm diễn ra chuyến bay: “Mình không đi thì đồng nghiệp mình đi và không thể ích kỷ trốn tránh. Đây là trách nhiệm được Nhà nước và hãng giao phó đồng thời còn là niềm tự hào khi Tổ quốc, ngành đã đặt lên vai nên bản thân không đùn đẩy, nề hà hiểm nguy lao vào vùng dịch”.
Cũng theo lời anh Linh: “Đây không phải là một chuyến bay gian khổ mà là một hành trình nhiều thử thách nhưng đầy tự hào. Được bay tới Guinea Xích Đạo là một trong những kỷ niệm đẹp nhất, ý nghĩa nhất đối với kỹ sư bảo dưỡng máy bay”.
Không chỉ anh Linh và tất cả những người đã xung phong tham gia chuyến bay trên đều có chung suy nghĩ như vậy. “Đó là những sự lựa chọn và dấn thân của mỗi cá nhân trước vận mệnh lịch sử của dân tộc” như những người lính trong “Năm 1975 họ đã sống như thế”.
Nhà thơ Trần Ninh Hồ nói rằng, những người lính trong “Năm 1975 họ đã sống như thế” của nhà văn Nguyễn Trí Huân và những bác sĩ, điều dưỡng, các thành viên phi hành đoàn trong chuyến bay đến đón các bệnh nhân COVID-19 tại Guinea Xích Đạo đều giống nhau ở chỗ, họ vượt qua mọi nguy hiểm, vượt qua sự sống chết để bảo vệ sự sống của người dân Việt Nam.
“Xưa những người lính xuyên qua bom đạn để giải cứu đồng đội, nay các bác sĩ, phi hành đoàn xuyên qua nguy cơ nhiễm dịch bệnh để giải cứu công dân Việt Nam ở nước ngoài trước dịch bệnh. Những người anh hùng của mọi thời điểm trong lịch sử đều phải làm được những điều phi thường như thế để bảo vệ sự sống của nhân dân. Chất anh hùng ca trong văn chương cũng như chất anh hùng trong mỗi con người giống nhau ở chỗ khi ai đó nguy nan nhất sẽ có người dám xuyên qua hiểm nguy để giúp đỡ.
Trước là hiểm nguy do bom đạn, nay hiểm nguy do bệnh tật nhưng đó không phải là rào cản nếu con người có tính nhân văn, có tinh thần dân tộc” – nhà thơ Trần Ninh Hồ nêu ý kiến.
|
Các bác sĩ, điều dưỡng trước giờ lên đường nhận nhiệm vụ.
|
Nhà thơ Trần Ninh Hồ cho rằng, trong chiến tranh xưa và trong dịch bệnh nay, con người thường hết mình hỗ trợ, giúp đỡ, cưu mang bảo vệ nhau và bảo vệ sự sống và “những người anh hùng” cũng sinh ra từ tinh thần và hành động như thế.
Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đánh giá, các thầy thuốc Việt Nam trong giai đoạn chống dịch COVID -19 như chống giặc, họ ở tuyến đầu chống dịch, giống như những người lính năm xưa ở tuyến đầu chống giặc. Những người thầy thuốc Việt Nam, những thành viên phi hành đoàn sang Guinea Xích Đạo khiến bản thân ông phải ngưỡng mộ, ngả mũ kính phục và luôn cầu mong họ thắng lợi trở về khi giải cứu, đưa các công dân Việt Nam về nước an toàn.
“Những công dân Việt Nam trên chuyến bay trở về đất nước có nhiều người dương tính với COVID-19. Do đó không chỉ vất vả mà các bác sĩ, điều dưỡng, thành viên phi hành đoàn còn có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Nhưng họ luôn đồng cam cộng khổ với đồng bào mình không chỉ trong chuyến bay mà cả khi cách ly, chữa trị sau này. Những bác sĩ, điều dưỡng, thành viên đoàn hôm nay sẽ được đưa vào những tác phẩm văn học nay mai. Cả thế giới đang chống dịch và họ xứng đáng là “những người lính” trên mặt trận chống dịch, xứng đáng được biểu dương, thậm chí có thể coi họ là những “người hùng thời hiện đại” – Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn nêu ý kiến.
Dự kiến chuyến bay từ Guinea Xích Đạo sẽ đáp xuống Sân bay Nội Bài vào 11h20 ngày 29/7, các công dân sẽ về đến quê hương trong niềm vui tột cùng sau những ngày tháng nơi xứ người và những bác sĩ, điều dưỡng, phi hành đoàn sẽ không chỉ hoàn thành nhiệm vụ, trách nhiệm được giao mà còn viết lên tinh thần dân tộc anh hùng, nhân văn, luôn đề cao sự tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu.
Họ xứng đáng là những “anh hùng thời hiện đại”.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hà Nội ra công điện khẩn ứng phó với Covid-19