4 ca nhiễm khi rời khu cách ly Hải Dương: Cần "thuốc" trị bệnh chủ quan!

Google News

(Kiến Thức) - Để khống chế, ngăn chặn dịch bệnh, trước tiên phải có "thuốc" đặc trị bệnh chủ quan, lơ là ở ngay các đơn vị thuộc “tuyến đầu” chống dịch, không thể để xảy ra trường hợp vừa rời khu cách ly tập trung đã dương tính với SARS-CoV-2.

"Đề nghị Bộ Y tế xem xét trách nhiệm phòng dịch của Hải Dương và chỉ đạo các nơi phải đảm bảo đúng quy trình trong việc cách ly, phòng chống dịch bệnh" – ý kiến của ông Đinh Hồng Phong, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm ( Hà Nội) tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội chiều 29/8 nhận được sự đồng tình từ dư luận.
Sở dĩ ông Đinh Hồng Phong đề xuất như trên bởi Hà Nội 10 ngày qua không có thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, 2 trường hợp hết cách ly tập trung ở Hải Dương trở về Hà Nội thì dương tính với SARS-CoV-2 (gồm ca bệnh 1032 và ca bệnh 1038) khiến các cơ quan chức năng Hà Nội tốn thêm nguồn lực để truy vết dịch tễ của các bệnh nhân.
4 ca nhiem khi roi khu cach ly Hai Duong: Can
Cán bộ CDC Hải Dương đang xét nghiệm COVID-19. 
Không chỉ 2 ca ở Hà Nội, theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh tỉnh Hải Dương cho thấy, có hai ca khác cũng được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 khi vừa hết cách ly tập trung tại trung đoàn 125 (phường Cộng Hòa, TP Chí Linh, Hải Dương). Đó là ca nhiễm BN 1033 Đoàn Thị C (SN 1962, trú tại TP Đồng Hới, Quảng Bình) và ca nhiễm BN 1034 Trần Văn Th. (SN 1986, khu dân cư Thanh Bình, TP Hải Dương.
Báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh tỉnh Hải Dương, các bệnh nhân trên đều trong số 150 người Việt Nam trở về từ LB Nga, được cách ly tại trung đoàn 125 (phường Cộng Hòa, TP Chí Linh) từ ngày 11/8 đến ngày 25/8. Nguyên nhân dẫn đến việc cơ sở cách ly tại Hải Dương cho người cách ly về nhà khi chưa có kết quả xét nghiệm lần 2 là do thiếu sót trong trao đổi thông tin giữa cơ quan y tế và Trung đoàn 125.
Theo quy định, việc xét nghiệm của các trường hợp ở các khu cách ly tập trung bao giờ cũng phải làm xét nghiệm hai lần. Đó là xét nghiệm lần đầu khi các trường hợp đến khu cách ly và lần 2 xét nghiệm trước khi họ kết thúc 14 ngày cách ly và đều phải có kết quả âm tính thì mới kết thúc cách ly với đối tượng phải cách ly.
Rất đáng tiếc đó lại là một thiếu sót nghiêm trọng. Bởi việc để người rời khỏi khu cách ly khi chưa có kết quả xét nghiệm lần 2 là rất đáng trách. Chỉ vì một thiếu sót trong trao đổi thông tin giữa cơ quan y tế và khu cách ly, 4 bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã về với cộng đồng, kéo theo nguy cơ lây lan dịch bệnh không chỉ tại Hải Dương mà còn nguy cơ xâm nhập vào các địa phương nơi các bệnh nhân đi qua. Không chỉ vậy, các địa phương cũng phải rất vất vả truy vết dịch tễ, truy các trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh này.
Trong công tác phòng chống dịch bệnh, một vài người dân chủ quan thiếu ý thức trách nhiệm đã là đáng lên án, việc các cơ quan đơn vị như y tế, khu cách ly phối hợp chưa chặt chẽ, bộc lộ nhiều thiếu sót còn đáng trách hơn nhiều lần. Để ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh là công sức sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ y tế, lực lượng công an, quân đội và toàn thể nhân dân. Tuy nhiên, chỉ vì sự chủ quan của một số cá nhân, đơn vị, có thể khiến tất cả công sức của các lực lượng chức năng trên đổ xuống sông, xuống biển, thậm chí phải trả bằng giá rất đắt, đó chính là tính mạng con người nếu lây lan dịch bệnh.
Do đó, bất kỳ sự chủ quan nào dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh đều không thể chấp nhận được. Đáng tiếc cả đơn vị y tế và khu cách ly trung đoàn 125 đều là “nơi tuyến đầu” phòng chống dịch bệnh.
Để khống chế, ngăn chặn dịch bệnh, trước tiên phải có thuốc đặc trị bệnh chủ quan lơ là ở ngay các đơn vị thuộc “tuyến đầu” chống dịch. Do đó, cần phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị cá nhân có liên quan, xử lý các vi phạm trong công tác phòng chống dịch bệnh.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cựu cầu thủ CLB Nam Định dùng tên giả nhập cảnh trái phép, trốn cách ly Covid-19

Nguồn: Thanh Niên.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)