12 dự án thua lỗ, yếu kém ở Việt Nam: “Hồi kết” như nào?

Google News

(Kiến Thức) - Dù các dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành công thương đã có những chuyển biến nhưng thời hạn để hoàn thành việc xử lý 12 dự án, DN không nhiều. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa đề nghị Công ty Mua bán nợ Việt Nam nghiên cứu, tham gia quá trình tái cơ cấu các dự án.

Ngày 3/4, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo xử lý các yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành công thương.
Có dự án giảm lỗ và dự án có lãi
12 dự án thua lỗ ngành Công Thương được Chính phủ "điểm danh" và đưa vào danh sách các dự án thua lỗ nghìn tỷ từ cuối năm 2016. Trong số này có 5 dự án thuộc quản lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), 4 dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)...
Cụ thể, 12 dự án gồm: Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai; Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất Đạm Hà Bắc; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất; Dự án nhà máy thép Việt Trung; Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam.
12 du an thua lo, yeu kem o Viet Nam: “Hoi ket” nhu nao?
 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
Đến thời điểm này dư luận quan tâm, sau 3 năm triển khai đề án xử lý các dự án, doanh nghiệp hiện tình hình các dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành Công Thương ra sao?
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xử lý các yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành Công Thương sáng 3/4, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, đại diện các bộ, ngành và một số doanh nghiệp có dự án yếu kém thuộc diện của Ban Chỉ đạo cho biết, sau 3 năm triển khai Đề án, với sự nỗ lực quyết tâm cao của Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành và các tập đoàn, tổng công ty, tình hình các dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành công thương đã có những chuyển biến nhất định.
Cụ thể, trong số 6 dự án có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ trước đây thì có nhà máy DAP-1 Hải Phòng và Thép Việt Trung đã có lãi. Bốn dự án Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP-2 Lào Cai, Công nghiệp tàu thủy Dung Quất DQS đã từng bước khắc phục khó khăn, giảm lỗ.
Ba dự án bị dừng sản xuất kinh doanh trước đây, đến nay đã có dự án Sơ sợi Polyester Đình Vũ PVTex vận hành trở lại, hai dự án Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Bình Phước đủ điều kiện vận hành trở lại, nhưng chưa khởi động do điều kiện thị trường khó khăn.
Quá trình xử lý các dự án, doanh nghiệp cơ bản vẫn bảo đảm quyền lợi cho người lao động, bảo đảm an ninh trật tự xã hội và ổn định môi trường kinh doanh.
Về công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, đến nay toàn bộ 12 dự án, doanh nghiệp đều đã được tiến hành thanh tra các cấp, kiểm toán với 7/12 dự án, điều tra và khởi tố 4/12 dự án để làm rõ rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Nhanh chóng xử lý dứt điểm các dự án
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, theo yêu cầu của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, thời hạn để hoàn thành việc xử lý 12 dự án, doanh nghiệp còn lại không nhiều. Trong khi đó, khối lượng nhiệm vụ năm 2020 còn lại đều là những nhiệm vụ khó khăn và chưa xử lý được từ các năm trước.
Chủ yếu là các vướng mắc mấu chốt còn lại như vướng mắc pháp lý trong quyết toán các hợp đồng EPC các dự án, doanh nghiệp; các giải pháp hỗ trợ tài chính, tín dụng và phương án xử lý dứt điểm đối với một số dự án, doanh nghiệp theo tình hình hiện nay bảo đảm tính khả thi.
Về xử lý vướng mắc pháp lý quyết toán các hợp đồng EPC, quyết toán và xử lý tài sản các dự án, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo, đôn đốc và giám sát các tập đoàn, tổng công ty thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 86/TB-VPCP ngày 20/5/2019 của Văn phòng Chính phủ, cần xác định rõ trách nhiệm thuộc về tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp chủ đầu tư dự án để tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc này trong năm 2020.
12 du an thua lo, yeu kem o Viet Nam: “Hoi ket” nhu nao?-Hinh-2
 Dự án Nhà máy xơ sợi Polyeste Đình Vũ (PVTex).
Đồng thời, các tập đoàn, tổng công ty khẩn trương thực hiện theo hướng dẫn cùa Bộ Tài chính về xử lý các vướng mắc thực hiện quyết toán theo Thông tư 09/2016/TT-BTC và xác định giá trị thanh toán theo hợp đồng EPC; báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để báo cáo Ban Chỉ đạo về kết quả thực hiện trong tháng 4/2020.
Phó Thủ tướng nêu rõ hướng xử lý cụ thể. Theo đó, đối với 5 dự án không có vốn góp trực tiếp của các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước gồm 2 dự án cùa Tổng công ty Thép-CTCP (thuộc SCIC), 3 dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước, Phú Thọ, Quảng Ngãi thuộc đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN quyết định việc xử lý vốn nhà nước tại các dự án này theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo tại Thông báo 132/TB-VPCP ngày 8/4/2019; chỉ đạo SCIC xử lý việc thoái vốn cùa Tổng công ty Thép tại 2 dự án: Thép Việt Trung và Dự án mở rộng giai đoạn 2-Công ty Gang thép Thái nguyên (TISCO-2) theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với 4 dự án thuộc Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Vinachem trình cấp thẩm quyền xử lý thoái vốn của Vinachem tại dự án DAP-1 Hải phòng theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
Đối với 3 dự án còn lại, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu ý kiến các cơ quan dự họp, chỉ đạo Vinachem hoàn thiện phương án xử lý đối với dự án này, phân tích kỹ ưu nhược điểm, đánh giá tính khả thi từng giải pháp trong mỗi phương án, báo cáo Ban Chỉ đạo trước ngày 15/4/2020 để họp chuyên đề Ban Chỉ đạo về phương án xử lý 3 dự án này.
Công ty Mua bán nợ Việt Nam tham gia quá trình tái cơ cấu dự án, Doanh nghiệp
Phó Thủ tướng yêu cầu, trong quá trình xử lý thoái vốn nhà nước tại các dự án nêu trên, đề nghị Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) nghiên cứu, tham gia quá trình tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp này theo đúng vai trò, chức năng của DATC.
Bộ Tài chính chỉ đạo và tạo điều kiện để DATC tham gia tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, cố gắng giảm thiểu thiệt hại tối đa cho Nhà nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các bộ ngành, đơn vị liên quan chỉ đạo định hướng cơ quan báo chí vê công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình, kết quả xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, tránh gây hoang mang trong dư luận.
>>> Mời độc giả xem video Không để nhà nước gánh nợ từ 12 dự án yếu kém

Nguồn: VTC Now.

Phó Thủ tướng đề nghị Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ kiểm toán, thanh tra, điều tra, xử lý vi phạm theo Đề án và Kế hoạch của Ban Chỉ đạo, bảo đảm đúng thời hạn theo quy định tại Đề án. Kiểm toán Nhà nước khẩn trương hoàn thành kiểm toán theo nhiệm vụ của mình.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét các giải pháp cơ cấu nợ để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp chủ đầu tư; phối hợp các tập đoàn, tổng công ty và DATC để cùng xây dựng phương án tái cơ cấu có tính khả thi, bảo đảm khả năng trả nợ các ngân hàng.
Bộ Tài chính xử lý kiến nghị của Tập đoàn Hóa chất về giãn thời gian trích khấu hao tài sản cố định một số dự án theo thẩm quyền; phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nuớc để chuẩn bị Phiên họp chuyên đề Ban Chỉ đạo về phương án xử lý 3 dự án của Tâp đoàn Hóa chất.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổng hợp đầy đủ ý kiến tại Phiên họp này, kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo để khẩn trương hoàn thiện Báo cáo về tình hình tiến độ xử lý 12 dự án, hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2020, báo cáo Chính phủ thông qua trước khi trình Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư.
Không phục hồi thì kiên quyết giải thể, phá sản
Trước đó, khi chủ trì cuộc họp xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh quan điểm “dự án nào không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể, phá sản”.
Đồng thời, đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo thẳng thắn làm rõ kết quả cụ thể, cũng như những khó khăn vướng mắc nhất hiện nay của từng dự án, doanh nghiệp và giải pháp tháo gỡ. “Tinh thần chung là phải tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm nhất quán của Bộ Chính trị, Quốc hội là kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp này.
“Dự án nào không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể, phá sản chứ không nói chung chung là đang tốt hơn nhưng thực tế là vẫn đang lỗ, có khi còn lỗ nặng, càng xử lý càng mất vốn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
 
 
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)