RIR cho biết, Quân đội Nga sẽ tiếp tục chương trình phát triển các mẫu phương tiện chở quân thế hệ mới từ nay cho đến năm 2020 và việc đưa vào trang bị 30
xe thiết giáp Typhoon-K trong thời gian sắp tới là một phần trong chương trình này. Typhoon-K là mẫu xe tải thiết giáp chở quân được công ty Kamaz phát triển dựa trên đơn đặt hàng của Bộ quốc phòng Nga, nó còn được biết tới với cái tên là "Người chiến thắng Paris-Dakar Rally".
Nhưng ít ai biết rằng từ những năm 1980 trong Nội chiến Angola, các cố vấn quân sự Liên Xô lúc đó đã âm thầm tìm hiểu một mẫu xe thiết giáp của Quân đội Nam Phi mà họ tịch thu được. Không chỉ Liên Xô mà cả Quân đội Mỹ cũng đã tìm cách tiếp cận với mẫu xe bọc thép này.
|
Những chiếc xe thiết giáp chở quân Typhoon-K tham gia vào lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ nhân Ngày chiến thắng Phát xít.
|
Casspir khởi nguồn của Typhoon-K
Trong mọi cuộc chiến tranh tổng lực trước đây thì xe tải chở quân luôn là lựa chọn hoàn hảo trên chiến trường, nó khá đơn giản và có thể sử dụng với số lượng. Tuy nhiên, trong nội chiến Angola các sĩ quan Liên Xô không phải đối đầu với Quân đội Mỹ hay Phát xít Đức mà là với lính đánh thuê từ Nam Phi và được trang bị mẫu xe thiết giáp chở quân Casspir sau này còn được biết tới như là kiểu xe thiết giáp kháng mìn MRAP.
Casspir là mẫu xe thiết giáp chở quân do Nam Phi phát triển, nó có khung gầm khá cao và được thiết kế để bảo vệ binh sĩ ngồi bên trong khỏi các loại mìn bộ binh hay tên lửa chống tăng từ đối phương. Ngay trong thời giam tham chiến tại Angola, Casspir đã tỏ ra có hiệu quả hơn mẫu
xe thiết giáp chở quân BTR-70 do Liên Xô chế tạo, khi mà nó luôn bị đánh giá là yếu kém và dễ dàng bị bắn hạ.
Chính vì lý do này, các tướng lĩnh Liên Xô khi đó đã muốn sở hữu một mẫu xe bọc thép tương tự như Casspir, mặt khác Quân đội Liên Xô cũng đang đứng trước nguy cơ phải tham chiến tại các khu vực bất ổn vào thời gian đó như Angola, Ethiopia, Afghanistan và khu vực Trung Đông.
|
Mẫu xe thiết giáp Casspir của Nam Phi đã thể hiện khá tốt vai trò của mình trong Nội chiến Angola vào những năm 1980.
|
Mặc dù ngày nay một cuộc chiến tranh với qui mô tổng lực khó có thể xảy ra, tuy nhiên các cuộc xung đột vũ trang với qui mô nhỏ lại diễn ra liên tiếp từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Điển hình là Mỹ, nước tham gia vào hầu hết mọi cuộc xung đột trên thế giới và sẽ không ngạc nhiên mấy khi Quân đội Mỹ buộc phải sử dụng mẫu xe thiết giấp kháng mìn MRAP Buffalo, được phát triển dựa trên thiết kế cơ bản của Casspir tại chiến trường Iraq và Afghanistan.
Quân đội Nga trong những năm 1990 không có nhiều mấy bước tiến về mặt công nghệ quân sự, một phần là do tác động của việc Liên Xô sụp đổ và chỉ còn khả năng đảm bảo cho các cơ sở hạt nhân của mình, duy trì quân đội. Nhưng trước tổn thất nặng nề tại Chiến tranh Chechnya đã khiến Quân đội Nga phải thay đổi tư duy quân sự của mình trong các cuộc chiến tranh phi đối xứng.
Kinh nghiệm từ cuộc xung đột với Gruzia vào năm 2008 càng giúp chỉ ra các mặt hạn chế của Quân đội Nga ngày nay, điều này đã tác động không nhỏ đến chương trình phát triển phương tiện chở quân thế hệ mới của Nga trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2020. Ban đầu, thiết kế xe thiết giáp đa dụng Tiger dành được khá nhiều sự quan tâm, tuy nhiên nó lại khổng đủ khả năng đáp ứng vai trò như Casspir đã dẫn tới sự ra đời của mẫu xe thiết giáp chở quân Typhoon-K.
|
Mẫu xe thiết giáp hạng nhẹ tiêu chuẩn Tiger của Quân đội Nga.
|
Bảo vệ tối đa
Chương trình phát triển phương tiện chở quân thế hệ mới của Quân đội Nga được sự quan tâm rất lớn các công ty quốc phòng hàng đầu của nước này, với ứng viên được chọn đầu tiên là mẫu xe bọc thép Ural-63095 do công ty UVZ chế tạo. Tuy nhiên, sau đó Typhoon-K của Kamaz lại dành được hợp đồng cung cấp 30 xe bọc thép chở quân đầu tiên cho Quân đội Nga.
Những chiếc xe thiết giáp Typhoon-K đầu tiên hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ an toàn cấp cao nhất của Nga, thậm chí là vượt qua cả yêu cầu cần thiết. Theo phân loại tiêu chuẩn bảo vệ STANAG 4569 của NATO thì nó nằm ở mức giữa 3b và 4 có khả năng chống lại các vụ nổ được tạo ra từ 8kg thuốc nổ cực mạnh, hoặc lớn hơn là 10kg thuốc nổ trong điều kiện thử nghiệm nhưng vẫn bảo vệ an toàn cho kíp chiến đấu.
Hơn nữa, theo một đại diện của Kamaz cho biết, nhờ được trang bị hệ thống giáp modul kết hợp giữa thép và vật liệu gốm đã giúp Typhoon-K có khả năng chống lại đạn xuyên giáp B-32. Cấu trúc bên trong xe cũng được thiết kế đặc biệt để giảm bớt tác động từ bên ngoài, nó cũng được trang bị hệ thống điều hòa không khí HLF-100.
|
Typhoon-K cũng các biến thể của nó hứa hẹn sẽ mang một làn gió mới cho lực lượng tăng thiết giáp Nga trong tương lai.
|
Một chiếc Typhoon-K có trọng lượng khoảng 25 tấn được trang bị một động cơ 450 mã lực với hộp số tự động, có thể chở theo tối đa 16 binh sĩ cùng đầy đủ trang bị. Buồng lái của Typhoon-K cũng được lắp hai màn hình theo dõi giúp quan sát toàn bộ hoạt động diễn ra xung quanh chiếc xe với 5 máy quay giám sát. Hệ thống điều khiển trung tâm cũng giúp lái xe quản lý được tất cả mọi hệ thống trên mẫu xe bọc thép này.
Typhoon-K còn được trang bị mẫu kính chống đạn đặc biệt được phát triển bởi công ty Magistral Ltd, có khả năng chịu được cả đạn súng máy hạng nặng 14,5mm ở cự ly gần. Ngoài ra trong tương lai mẫu xe thiết giáp chở quân này có thể sẽ được trang bị thêm hệ thống vũ khí điều khiển tự động.