Việt Nam có nên chọn Pantsir-M cho tàu Gepard 3.9?

Google News

(Kiến Thức) - Việc Nga phát triển tổ hợp pháo-tên lửa Pantsir-M cho tàu chiến đem lại giải pháp mới nâng cấp khả năng phòng không trên tàu chiến Việt Nam.

Tại triển lãm quốc phòng hàng hải IMDS 2015 diễn ra ở St Petersburg, Cục thiết kế KBP đã cho ra mắt biến thể trên hạm của tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1 mang tên Pantsir-M.
Trước đó vào năm ngoái, Dmitry Konoplev - Giám đốc điều hành của KBP từng cho biết, Bộ quốc phòng Nga rất quan tâm tới việc phát triển một tổ hợp phòng không mới trên hạm từ tổ hợp tên lửa-pháo phòng không Pantsir-S1. Và biến thể trên hạm này sẽ được tích hợp sẵn trên một số tàu khu vực và tàu chiến thế hệ mới của Hải quân Nga trong tương lai gần.
Tổ hợp pháo-tên lửa Pantsir-M được phát triển dựa tổ hợp phòng không mặt đất Pantsir-S1, tuy nhiên nó lại được trang bị hai pháo tự động 6 nòng GSh-6-30K 30mm hoặc AO-18KD 30mm tương tự như trên tổ hợp phòng không trên hạm Kasthtan CIWS. Trong khi đó, hệ thống vũ khí chính của tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1 lại là hai pháo tự động 2A38M 30mm (một nòng).
Viet Nam co the chon Pantsir-M cho tau Gepard 3.9
Pantsir-M biến thể hạm của tổ hợp tên lửa-pháo phòng không Pantsir-S1.
Về tên lửa, khả năng cao tổ hợp Pantsir-M vẫn sử dụng các đạn 57E6 vốn đang trang bị trên Pantsir-S1. Đạn 57E6 đạt tầm bắn 20km, độ cao hạ mục tiêu 15km, dẫn đường bằng lệnh vô tuyến. 
Qua hình ảnh được công bố thì Pantsir-M tích hợp radar và tổ hợp trinh sát quang - điện tử ngay trên tháp pháo. Số tên lửa có thể rút xuống chỉ còn 8 (4 mỗi bên) thay vì 12 như trên biến thể mặt đất. 
Việc Nga phát triển tổ hợp phòng không Pantsir-M cho tàu chiến đem lại cho Việt Nam thêm những phương án trang bị hệ thống phòng không cho các loại tàu tên lửa, tàu hộ vệ của hải quân ta. 
Hiện nay, các tàu hộ vệ Gepard 3.9 của Việt Nam đang sử dụng tổ hợp pháo - tên lửa Palma-SU tuy cũng được đánh giá cao, nhưng phạm vi hỏa lực lại chỉ đạt tới 10km. Trong khi đó, Pantsir-M đạt tới 20km với đạn tên lửa 57E6. 
Chính vì thế, Pantsir-M sẽ là giải pháp đáng lưu tâm nếu Việt Nam muốn nâng cấp hỏa lực phòng không trên các tàu hộ vệ Gepar 3.9 đang tiếp tục được mua từ Nga. 
Viet Nam co the chon Pantsir-M cho tau Gepard 3.9-Hinh-2
Trong ảnh là thiết kế mô phỏng của tổ hợp phòng không trên hạm được phát triển từ tổ hợp phòng không mặt đất Tor-M2/M2E.
Ngoài tổ hợp pháo - tên lửa Pantsir-M, Việt Nam cũng có thể tham khảo tổ hợp phòng không Tor-M2/M2E biến thể trên hạm được giới thiệu tại IMDS 2013. Đây là biến thể của tổ hợp phòng không lục quân Tor-M2/M2E.
Tor-M2/M2E được thiết kế để có thể tiêu diệt các loại mục tiêu bay tầm thấp như trực thăng, thiết bị bay không người lái, tên lửa hành trình hoặc các mục tiêu bay dẫn đường. Điểm đặc biệt của Tor-M2/M2E là có thể tiêu diệt cả các mục tiêu bay ở trần bay cực thấp và ngay cả khi đối phương sử dụng các biện pháp đối phó điện tử.
Trà Khánh

Bình luận(0)