Vì sao ngày càng nhiều nước mê mẩn súng bullpup?

Google News

(Kiến Thức) - Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã cho ra đời các súng trường kiểu “bullpup”, vậy nó có ưu điểm gì so với thiết kế truyền thống.

Súng trường thiết kế kiểu bullpup, tức toàn bộ khối khóa nòng, băng đạn đều nằm sau cò súng đang trở thành một xu hướng mới trong phát triển súng trường tiến công trên toàn thế giới. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đang phát triển súng trường tiến công kiểu bullpup thay cho thiết kế truyền thống.

Dẫn đầu trong các thiết kế súng trường bullpup là các quốc gia Tây Âu, tiếp đến là Israel, Trung Quốc cũng đã chọn súng trường QBZ-95 - thiết kế bullpup làm súng trường tiến công tiêu chuẩn thay thế cho Type-81 sao chép từ AK-47 của Nga.

Gần đây một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Croatia cũng đã cho ra đời những súng trường thiết kế bullpup trong đó khẩu VHS-2 của công ty HS Produkt, Croatia được xem là khẩu súng trường tiến công mới nhất theo phong cách bullpup.

Steyr AUG của Áo - mẫu súng trường bullpup thành công nhất từ trước đến nay trong kiểu thiết kế này.

Nguồn gốc của cụm từ “bullpup” là không thực sự rõ ràng, nó được cho là xuất hiện vào khoảng năm 1957 tại Mỹ. Trong khi đó, nguồn gốc của súng có băng đạn nằm sau có súng được cho là vào khoảng những năm 1930. Tuy nhiên ở thời điểm đó, kiểu thiết kế này không nhận được sự quan tâm của giới chức quân đội các nước.

Mẫu thiết kế bullpup hoàn chỉnh đầu tiên trên thế giới là khẩu EM-2 của Anh được chế tạo vào năm 1951. Tuy nhiên, khẩu súng này đã không được thông qua. Mẫu thiết kế bullpup thành công đầu tiên trên thế giới là khẩu súng trường tiến công Steyr AUG của Áo, nó được đưa vào sản xuất loạt từ năm 1978 và xuất khẩu cho hơn 30 quốc gia trên thế giới.

Vậy súng trường bullpup có ưu điểm gì, so với súng trường tiến công thiết kế truyền thống nó mang lại những ưu thế nào và hiệu quả tác chiến của nó có cao hơn không?

Ưu điểm đầu tiên của súng trường bullpup là do toàn bộ khối khóa nòng, băng đạn nằm phía sau nên tiết kiệm được rất nhiều không gian. Súng trường bullpup chỉ cần một báng súng rất ngắn, báng súng chính là nơi đặt bộ phận khóa nòng. Trong khi súng trường thiết kế truyền thống phải cần có một báng súng khá dài phía sau dẫn đến tăng chiều dài của súng.

 Hải quân đánh bộ Việt Nam cũng được ưu tiên trang bị súng trường bullpup Tar-21 của Israel. Trong ảnh là biến thể dùng cho lực lượng đặc biệt CTar-21.

Do tiết kiệm được không gian của báng súng nên súng trường bullpup có chiều dài tổng thể khá ngắn trong khi vẫn đảm bảo được chiều dài của nòng súng để đạt tầm bắn theo yêu cầu. Đây chính là ưu điểm lớn nhất của súng trường bullpup. Ví dụ như khẩu SA80 của Anh có chiều dài tổng thể chỉ 780mm nhưng nòng súng có chiều dài đến 518mm. Trong khi đó khẩu M16A2 của Mỹ có chiều dài tới 1.006mm nhưng nòng súng chỉ dài có 508mm còn ngắn hơn cả khẩu SA80.

Ngay cả với biến thể carbine ngắn nhất của khẩu Steyr AUG  cũng có nòng súng dài đến 350mm. Do chiều dài ngắn hơn nên súng trường bullpup trở nên linh hoạt hơn trong sử dụng, trọng lượng cũng nhẹ hơn nhờ tiết kiệm được phần báng súng.

Một ưu điểm khác của súng trường bullpup là tay cầm cò súng nằm ở vị trí trung tâm của súng, do đó xạ thủ không phải với tay quá xa như súng trường truyền thống nên giảm được tình trạng mỏi tay khi bắn. Khối chuyển động của khối khóa nòng nằm ngay ở báng súng phần tỳ vào vai người bắn nên hạn chế được phần nào độ giật khi bắn giúp bắn chính xác hơn.
Bên cạnh đó, thiết kế  bullpup cho phép súng có hình dáng bên ngoài rất hầm hố, đơn cử như khẩu FN F2000 của Bỉ, hay Tar-21 của Israel và FAMAS của Pháp.
FN F2000 của Bỉ một trong những mẫu súng bullpup mới ra lò cách đây không lâu với thiết kế rất hầm hố.

Tuy nhiên, thiết kế bullpup cũng tồn tại khá nhiều nhược điểm. Nhược điểm lớn nhất của nó là vị trị tống vỏ đạn ra ngoài nằm gần sát mắt xạ thủ nên người thuận tay trái không bắn được. Bên cạnh đó, hơi thuốc từ vỏ đạn bay ra ngoài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng ngắm bắn của xạ thủ.

Một số khẩu súng bullpup như FAMAS của Pháp, Steyr AUG của Áo, Tar-21 của Israel đã khắc phục hạn chế này bằng cách thiết kế thêm một cửa sập cùng khóa nòng đặc biệt cho phép chuyển đổi tống vỏ đạn ra cả hai bên tùy vào lựa chọn của người bắn.

Một số mẫu súng bullpup khác như FN-2000, Kel-Tec RFB, FN P90 lại có vị trí tống vỏ đạn ở gần phía trước nòng súng thông qua một rãnh nên không ảnh hưởng đến người bắn thuận tay trái hay tay phải.
Ngoài ra, hạn chế khác của súng trường bullpup là việc lấy đường ngắm bằng thước ngắm cơ khí khá khó khăn nên phần lớn đều được trang bị tích hợp kính ngắm quang học.

Như vậy, có thể thấy rằng, ưu điểm lớn nhất của súng trường bullpup là giảm chiều dài tổng thể trong khi vẫn đảm bảo được chiều dài nòng súng, trọng lượng nhẹ hơn qua đó tăng tính linh hoạt trong chiến đấu. Đó chính là lý do kiểu thiết kế này đang trở nên hấp dẫn với các quốc gia đang tìm một lối đi riêng trong phong cách thiết kế súng trường tiến công.

Tất nhiên, mỗi kiểu thiết kế đều mang trong mình những ưu và nhược điểm riêng, kiểu thiết kế bullpup hay truyền thống có nhiều lợi thế hơn vẫn là một chủ đề gây tranh cãi trong giới quân sự. Mỗi kiểu thiết kế phát huy lợi thế của nó theo mỗi cách riêng, tuy vậy kiểu thiết kế này vẫn đang hot trong các thiết kế súng trường tiến công mới.

Quốc Minh

Bình luận(0)