Vì sao bộ binh “khiếp vía” pháo tấn công tự hành?

Google News

(Kiến Thức) - Với giáp dày, hỏa lực pháo uy lực, pháo tấn công tự hành là cỗ máy làm “khiếp vía” bộ binh trên tuyến lửa.

Trong chiến tranh hiện đại, bộ binh ẩn nấp dưới chiến hào, trong công sự, lô cốt sẽ trở thành vật cản khó vượt qua với các lực lượng tiến công. Để giải quyết vấn đề này, cần sử dụng những pháo nòng ngắn, gọi là pháo tấn công, bắn đạn trái phá với lượng nổ lớn, đánh trực tiếp công sự địch từ cự li gần, mở đường cho quân ta xung phong. Khác với các lựu pháo tầm xa, bắn gián tiếp chỉ phá được công sự kém kiên cố, cách bắn trực tiếp của pháo tấn công rất hiệu quả khi đánh công sự.
Vì pháo tấn công phải có sức cơ động cao, bám sát tốc độ hành tiến của đội hình tấn công, để yểm hộ cho các mũi xung kích, nên đã có ý tưởng đặt pháo lên các khung gầm xe bánh xích, tạo thành pháo tấn công tự hành. Đồng thời, vì hoạt động ở tiền duyên chiến trường, nên các pháo tấn công tự hành cũng được bọc giáp để tránh hỏa lực địch.
Pháo tấn công tiền duyên "nguyên thủy" Mark I.
Pháo tấn công tự hành “nguyên thủy” đầu tiên phải kể đến loại Mark I của Anh, hay chính xác hơn là loại xe tăng “đực”, trang bị 2 pháo nòng ngắn bắn đạn nổ, bọc giáp dày 6-12mm. Mặc dù được gọi là xe tăng, nhưng Mark I đã xuất trận trong chiến dịch sông Somme năm 1918 với tư cách một pháo tấn công tiền duyên. Vũ khí hạng nhẹ của lính Đức “bó tay” hoàn toàn trước xe tăng Mark I, công sự ẩn nấp bị Mark I bắn tan tành, nên quân Đức đã thất bại trước liên quân Anh – Pháp.
Sự xuất hiện của pháo tấn công tự hành đã đảo lộn Thế chiến thứ nhất. Thay cho các pháo cực lớn như Big Bertha (cỡ nòng 419mm, bắn ra những viên đạn nặng 820kg) nhưng bắn chậm và gần như vô dụng trước những chiến hào dễ đào, dễ sửa. Pháo tấn công tự hành bắn trực tiếp ở cự li gần, với uy lực khủng khiếp, tốc độ hành tiến nhanh, san bằng mọi công sự, vật cản chặn đường tiến công.
Pháo tấn công tự hành cũng là trụ cột, góp phần khai sinh ra bộ binh cơ giới hiện đại, đưa chiến tranh trận địa kiểu Thế chiến thứ nhất đi vào dĩ vãng.
Pháo tấn công tự hành của người Đức, Stug III.
Giai đoạn kể từ sau Thế chiến thứ nhất, đặc biệt là thời kì Thế chiến thứ hai là thời “hoàng kim” của pháo tấn công tự hành. Sau pháo tự hành Mark I của Anh, người Đức đáp trả với các pháo tấn công tự hành Stug III trang bị pháo nòng ngắn 75mm. Sau đó, để đối phó với lối đánh của bộ binh Liên Xô trong thành phố Stalingrad, người Đức cho ra đời pháo tấn công tự hành Brumba lắp lựu pháo 150mm.
Liên Xô cũng không kém cạnh, với các pháo tự hành SU-122, SU-152, sau này được đưa lên khung gầm xe tăng IS biến thành pháo tấn công tự hành uy lực ISU-122, ISU-152.
Trong khi đó, các nước Anh – Mỹ không coi trọng các pháo tấn công tiền duyên. Thiếu một định hướng rõ ràng trong chế tạo, họ thường chỉ sản xuất các biến thể xe tăng có gắn pháo nòng ngắn bắn đạn nổ. Những chiếc xe tăng M4 Sherman của Mỹ được gắn pháo 105mm. Xe tăng Centaur Mark IV, Churchill Mark V và Mark VIII của Anh cũng được trang bị pháo nòng ngắn 95mm.
Bên cạnh pháo tấn công tiền duyên, trong Thế chiến thứ hai còn có các loại pháo chống tăng tự hành có nhiều đặc điểm tương tự pháo tiền duyên. Tiêu biểu là các loại SU-85, SU-100 của Liên Xô, Jadpanther, Ferdinant … của Đức, M10 Wolverin (76,2mm), M36 Jackson (90mm) và M18 Hellcat (76mm) của Mỹ.
Pháo chống tăng tự hành và pháo tấn công tiền duyên thường sử dụng các khung gầm xe tăng, nhưng vì hi sinh tính cơ động, nên mang được pháo lớn hơn xe tăng. Vì cùng hoạt động ở tiền duyên, nên khá là khó khăn trong việc phân biệt chúng. Bởi với những khẩu pháo cỡ nòng lớn 152mm, việc một pháo tấn công tiền duyên như ISU-152 bắn hạ xe tăng là khá dễ dàng. Ngược lại, các pháo chống tăng tự hành cũng có thể bắn đạn nổ để chống công sự, dù hiệu quả không cao bằng các pháo tấn công tiền duyên.
Pháo tấn công tự hành Liên Xô, ISU-122.
Sau này, tiếp nối các pháo tấn công tiền duyên như SU-152, Liên Xô có các pháo tự hành 2S1 Gvozdika 122mm và 2S3 Akatsiya 152mm. Các loại này đều có thể vừa đảm nhiệm cả hai nhiệm vụ: lựu pháo tầm xa, bắn gián tiếp sát thương diện tích và pháo tấn công tiền duyên, bắn trực tiếp chống công sự kiên cố ở cự li gần.
Quân đội Nhân dân Việt Nam có một số lượng nhỏ hai loại pháo 2S1 và 2S3 biên chế trong các lữ đoàn thuộc Binh chủng Pháo binh. Mỹ cũng có pháo tấn công tiền duyên M109 155mm, tham chiến trong chiến tranh Việt Nam.
Tuy nhiên, một bước ngoặt xảy ra, khi các tên lửa chống tăng có điều khiển ra đời và ngày càng phát triển mạnh. Ưu thế của pháo tấn công tiền duyên bị đe dọa nghiêm trọng.
Nếu như trước đây, bộ binh nằm chịu trận trong công sự, phải sử dụng xe tăng để chống lại pháo tấn công tiền duyên thì nay, với những tên lửa có điều khiển bắn xa lên đến 5km, bộ binh cũng có thể “nướng chín” các pháo tấn công tiền duyên cổ điển.
Pháo tấn công tự hành 2S3 Akatsiya 152mm của Lữ đoàn 45, Binh chủng Pháo binh Việt Nam.
Chiến thuật cũ gặp khó khăn, pháo tấn công tự hành chỉ còn đắc dụng trong những cuộc chiến tranh chống du kích, khi đối phương không có hỏa lực mạnh với tầm bắn xa. Đặc biệt là trong những cuộc chiến tranh đường phố, như chiến tranh Chechnya, pháo tấn công tiền duyên đã góp công rất lớn, bắn nát vụn các vị trí nghi có phiến quân ẩn nấp. Điều đó khiến cho đối phương rất khó có thể chọn vị trí, bất ngờ tấn công quân Nga.
Và dù có thể khai hỏa được, thì các phiến quân Chechnya mang súng chống tăng RPG cũng khó thoát khỏi những phát trọng pháo bắn thẳng từ cự li gần, giáng ngay vào những ô cửa sổ mà họ vừa thụt vào.
Tuy khó còn có thể đắc dụng trong các cuộc chiến qui mô lớn hiện đại, nhưng pháo tấn công tiền duyên vẫn rất hiệu quả trong các cuộc chiến tranh chống du kích, đang ngày càng phổ biến hiện nay. Đây vẫn sẽ là những trụ cột của bộ binh cơ giới hiện đại.
Lương Minh

Bình luận(0)