Với việc sử dụng các robot chiến trường thế hệ mới trong các nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, trinh sát hay thực hiện nhiệm vụ tấn công tiêu diệt các mục tiêu cố định và di động, Quân đội Nga đang gần tiến tới việc hiện thực hóa quá trình tái vũ trang theo hướng hiện đại và tinh nhuệ.
Gần đây, Quân đội Nga lần đầu tiên tiến hành tập trận có sự tham gia của các robot chiến đấu Platform-M mới. Cuộc tập trận trên được Hạm đội Baltic tổ chức vào giữa tháng 6 tại Kaliningrad (có đường biên giới giáp với nước thành viên NATO), phiên bản Platform-M tham gia cuộc tập trận được trang bị vũ khí gồm súng máy tự động và súng phóng lựu. Mẫu robot chiến đấu này thực hiện các nhiệm vụ song song với các binh lính là con người trên chiến trường mô phỏng.
Sự kiện này diễn ra đồng thời và gần với địa điểm diễn ra các cuộc tập trận đa quốc gia Saber Strike 2014 và Baltops 2014 do NATO tổ chức.
|
Mẫu robot chiến đấu Platform-M được triển khai tại cuộc tập trận của Hạm đội Baltic.
|
Hệ thống vũ khí quen thuộc
Theo kế hoạch tập trận của Hạm đội Baltic, thì lực lượng đổ bộ đường không và đường biển sẽ tiến hành chiếm lĩnh các khu vực trọng điểm trên thao trường, dưới sự hỗ trợ của máy bay cường kích Su-34, Su-24 và các trực thăng tấn công Mi-24.
Lực lượng mặt đất có sự hỗ trợ của các xe chiến đấu bộ binh như BPM-3, thiết giáp chở quân BTR-80 và một số xe tăng chiến đấu chủ lực có trong biên chế Hạm đội Baltic. Song song với đó việc triển khai các robot chiến đấu Platform-M cũng là một điểm nổi bật trong cuộc tập này, robot chiến đấu Platform-M chỉ mới được giới thiệu tại triễn lãm quốc phòng trong thời gian gần đây và vẫn chưa có bất kỳ thông tin chính thức về mẫu robot này trong Quân đội Nga.
|
Động thái tiến hành tập trận song song với NATO được xem như là hành động đáp trả của Nga với khối liên minh quân sự này.
|
Theo văn phòng đại diện của Quân đội Nga ở Kaliningrad, loại robot chiến đấu này có thể thực hiện các nhiệm vụ trong môi trường tác chiến đô thị, tuần tra và trinh sát, có thể tiêu diệt các mục tiêu di động và cố định với vũ khí trang bị đi kèm. Ngoài ra, nó còn được kết nối với UAV trinh sát cá nhân Grusha để thu thập và chia sẻ các thông tin tình báo trên không.
Dựa trên nhân vật hoạt hình Wall-E
Theo tờ Indrus, Platform-M là mẫu robot chiến đấu được điều khiển từ xa và thu thập thông tin tình báo trên chiến trường, nó được so sánh với nhân vật chính trong bộ phim hoạt hình Wall-E của Pixar được công chiếu vào năm 2008.
Việc so sánh trên một phần cũng có cơ sở khi nguyên bản ban đầu của Platform-M xuất hiện trên các trang mạng của Nga. Nhưng thay vì nhảy múa và ca hát như Wall-E, Platform-M lại được trang bị vũ khí để có thể tiêu diệt kẻ thù.
|
Quân đội Nga ngoài Platform-M còn triển khai thêm nhiều dự án robot chiến đấu mới.
|
Theo một số thông tin được Quân đội Nga tiết lộ thì Platform-M được trang bị hệ thống phòng thủ đặc biệt và có thể chiến đấu cả ngày lẫn đêm mà không cần trang bị thêm bất cứ phụ kiện đi kèm nào. Và với việc trang bị súng máy hạng nặng cùng súng phóng lựu, các thiết bị quan sát hiện đại và thiết bị liên lạc vô tuyến, Platform-M sẽ là “kẻ hủy diệt” thật sự trên chiến trường.
Tại Viện nghiên cứu khoa học công nghệ Izhevsk, nơi Platform-M phát triển các kỹ sư của viện này đã đánh giá nó có khả năng thực hiện các nhiệm vụ trinh sát do thám, tiêu diệt cố định và di động cũng như các công trình kiến cố. Nó sẽ là phương tiện hỗ trợ hỏa lực, tuần tra và bảo vệ cho lực lượng bộ binh Nga.
Kế thừa từ chương trình thăm dò Mặt trăng
Platform-M không phải là chương trình phát triển nền tảng robot tự động đầu tiên của Nga, mà chương trình này đã tồn tại từ thời Liên Xô với các dự án thăm dì mặt trăng từ những năm 1960.
Vào năm 1964 Không quân Liên Xô đã chế tạo một thiết bị bay do thám không người lái là DBP-1, với nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo và trinh sát ở các khu vực biên giới phía tây nước Nga và miền trung và Tây Âu.
|
Trong ảnh là mẫu robot chiến đấu MRK-27 do Nga phát triển, với trang bị hỏa lực cực mạnh.
|
Đến năm 1973, Liên Xô bắt đầu các chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước đầu tiên dành cho việc chế tạo các robot phục vụ trong công nghiệp. Chính vì vậy mà đến năm 1985 Liên Xô là nước sở hữu 40% robot công nghiệp trên toàn thế giới, vượt qua cả Mỹ trong việc phát triển trí tuệ thông minh nhân tạo dùng trong lĩnh vực dân sự lẫn quân sự.
Mặc dù là một trong những nước đi tiên phong trong công nghệ tự động hóa nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, khoa học kỹ thuật Nga bị tụt hậu mất 20 năm. Tuy nhiên nhờ dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực khoa học và có nền tảng phát triển tốt nên sau khi nước Nga phục hồi, việc tìm lại vị thế như trước kia chỉ còn là vấn đề thời gian.