Theo tạp chí IHS Jane’s Defence Weekly, Tập đoàn General Atomics Aeronautical Systems (GA-ASI) đang có những cuộc thảo luận với đối tác Raytheon về việc nâng cấp mạnh hệ thống vũ khí cho máy bay chiến đấu không người lái MQ-9 Reaper (thần chết).
Nếu được nâng cấp, MQ-9 Reaper sẽ có thêm nhiều “nanh vuốt” mới gồm: tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9X Sidewinder, tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM và tên lửa chống radar AGM-88 HARM.
|
Máy bay chiến đấu không người lái có thể trang bị radar mạng pha điện tử và cả tên lửa không đối không để thực hiện không chiến.
|
“Chúng tôi không có kế hoạch cho thử nghiệm, nhưng chúng tôi đang xét xét những phác họa đầu tiên", Chris Pehrson - Giám đốc phát triển chiến lược GA-ASI đã trả lời với IHS Jane vào ngày 15 tháng Tám.
Ông cũng tiết lộ rằng, tập đoàn đang sử dụng những nguồn tài chính nội bộ để phát triển radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) cho riêng MQ-9. Hiện nay, chỉ có những chiến đấu cơ hiện đại nhất thế giới mới được trang bị loại radar này.
Lý do chính để radar AESA có mặt trên MQ-9 là giúp nó tránh phải những va trạm đường không, đây là một vấn đề lớn với các UAV khi nhà sản xuất muốn chúng hoạt động được trong khu vực dân sự mà vẫn tuân thủ luật pháp của Mỹ và thế giới.
Không những vậy, radar AESA còn làm tăng sự nguy hiểm cho MQ-9 rất nhiều, điển hình là tăng cường khả năng tìm kiếm mục tiêu mặt đất, phát hiện các mối đe dọa trên không hay thậm chí là lần tìm hệ thống gây nhiễu của đối phương.
“Việc vũ trang cho MQ-9 bằng tên lửa không đối không và radar AESA khiến sát thủ bay này có thể cáng đáng thêm nhiệm vụ tiêu diệt các UAV”, ông Pehrson cho biết. Một tình huống giả dụ khi có UAV đối phương tiếp cận tàu Mỹ tại vịnh Péc xích thì MQ-9 với cấu hình nêu trên hoàn toàn có thể loại bỏ sự tiếp cận này.
|
Nếu điều này trở thành hiện thực, MQ-9 Reaper sẽ trở thành "tiêm kích đa năng không người lái".
|
MQ-9 Reaper có thể mang theo tải trọng 680 kg trên đôi cánh của mình. Pehrson cho rằng chừng đó là quá đủ để mang theo các loại tên lửa đối không cũng như tên lửa chống radar AGM-88 (nặng 355 kg).
Chưa dừng lại tại đó, GA-ASI đang xem xét việc cài đặt một hệ thống liên lạc Link 16 datalink trên “thần chết” của mình cho phép chúng có thể phối hợp với nhau trong việc tìm kiếm mục và thông tin vị trí tới các máy bay có người lái đang hoạt động ở gần đó.
Một ưu điểm của chiến thuật này là một chiếc máy bay tàng hình như F-22 Raptor vẫn có thể tìm kiếm được mục tiêu nhờ sự trợ giúp của những UAV như MQ-9 mà không cần phải bật radar tìm kiếm của chính nó, đồng nghĩa với hành tung của chiếc máy bay tàng hình vẫn là bí mật trước mắt đối phương.
Không quân Mỹ đã chứng minh sự khả dụng của chiến thuật này vào tháng 7, nhưng là sử dụng khinh khí cầu quân sự. Khi đó, khí cầu thực hiện thu thập dữ liệu về mục tiêu và thông qua hệ thống Link 16 chuyển thông tin đến tiêm kích F-15E Strike Eagle. Sử dụng những dữ liệu nhận được, chiến đấu cơ này đã phóng ra một tên lửa đối không AIM-120 để đánh chặn một tên lửa hành trình chống tàu của đối phương.
Những đàm phán của GA-ASI xung quanh việc tăng cường khả năng không đối không lần này là một hành động mới nhất nằm trong một loạt các nỗ lực nhằm tăng cường khả năng vũ trang cho những UAV của tập đoàn này. Những cuộc thảo luận, đàm phán như vậy có từ khi tiền thân của MQ-9 Reaper là MQ-1 Predator được Bộ Quốc phòng Mỹ chấp nhận như một hệ thống vũ khí vào giữa những năm 1990.
GA-ASI bắt đầu trang bị cho MQ-1 tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser AGM-114 Hellfire (lửa địa ngục) cách đây hơn một thập kỉ trước, khả năng đối không được bổ sung sau đó với loại AIM-92 Stinger.
|
Nước Mỹ đã từng thử cho MQ-1 Predator không chiến với máy bay có người lái nhưng thất bại.
|
Tháng 12/2002, vài tháng trước khi bắt đầu chiến dịch tấn công Iraq do Mỹ cầm đầu chính thức mở màn, MQ-1 với tên lửa AIM-92 Stinger đã được không quân gửi đến để thực hiện trinh sát trong một khu vực cấm bay của Iraq. Nó bị bắn hạ bởi một máy bay phản lực chiến đấu MiG-25, đó là trận chiến đầu tiên giữa một UAV với máy bay có người lái.
Kết quả của trận đấu phản ánh rằng, trong thời điểm hiện tại, những chiến đấu cơ vẫn có khả năng vượt trội so với những thiết bị không người lái. Tuy nhiên, nó cũng giúp các quan chức Lầu Năm Góc thấy được rằng người Iraq hiệu quả khi đối phó với Predator bằng các tên lửa không đối không. Và không còn một cuộc tấn công nào nữa từ những máy bay MiG đối với những UAV trong suốt thời gian còn lại của cuộc chiến.
“Tên lửa AIM-92 đã hoạt động đúng về mặt kỹ thuật, nó đã được phóng đi. Đơn giản là MiG đã phản công tốt hơn một chút,” Pehrson nói.
Tuy nhiên, trong các cuộc không chiến giữa những máy bay không người lái thì “Dã thú” MQ-1 và người kế nhiệm nó “Thần chết” MQ-9 rất nhiều khả năng sẽ có tỉ lệ thành công cao hơn.