A-6C và hệ thống TRIM
Ngay trong cuộc chiến tranh mà Mỹ gây ra ở Việt Nam, các máy bay cường kích A-6 cũng được cải tiến liên tục phù hợp hoạt động đánh phá tuyến giao thông ở miền bắc Việt Nam và đặc biệt là tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.
Theo tài liệu Mỹ, trong các phi vụ tìm diệt đoàn xe vận tải của QĐND Việt Nam di chuyển dọc tuyến đường Trường Sơn, người Mỹ nhận ra rằng hệ thống DIANE có điểm yếu nghiêm trọng – radar của nó không thể xác định vị trí của đối phương. Radar có thể phát hiện mục tiêu với tín hiệu radar dội ngược lại phải rõ ràng, như nhà máy, cầu cống, tàu bè,… Các phương tiện giao thông như xe tải ở trong một khu rừng rộng lớn thì nó không thể phát hiện và định vị được.
Để giải quyết vấn đề này, Hải quân Mỹ đã triển khai Hệ thống đa cảm biến phát hiện các tuyến đường giao thông (TRIM-Trails and Roads Interdiction Multisensor). Hệ thống này bao gồm các cảm biến quang điện để bổ sung cho radar của A-6. Sử dụng cảm biến quang điện ánh sáng yếu (LLTV) và cảm biến dò tìm hồng ngoại phía trước (FLIR) để mở rộng khả năng quan sát của A-6 khi tấn công vào ban đêm và thời tiết xấu.
|
Hệ thống đa cảm biến phát hiện các tuyến đường giao thông (TRIM-Trails and Roads Interdiction Multisensor) lắp dưới thân A-6C. |
Một chiếc A-6A (c/n 147867) được cải tiến để thử nghiệm hệ thống TRIM, được đặt tên là NA-6A. 2 nguyên mẫu hệ thống TRIM được lắp ở 2 giá treo dưới cánh chính với thiết kế vỏ ngoài để phù hợp với khí động học. Sau khi thử nghiệm, hệ thống TRIM được thu nhỏ lại để phù hợp hơn và được lắp dưới giá treo trung tâm thân.
12 chiếc A-6A (c/n 155647, 155648, 155653, 155660, 155662, 155667, 155670, 155674, 155676, 155681, 155684, 155688) được cải tiến để mang hệ thống TRIM. Những chiếc này được gọi là A-6C vào ngày 12 tháng 6 năm 1970. Những chiếc này được chuyển cho phi đội VA-165 để thực hiện nhiệm vụ trong Chiến tranh Việt Nam.
|
Máy bay thử nghiệm NA-6A (c/n 147867), để ý cảm biến hồng ngoại phía trước được lắp ngay mũi máy bay (khoanh đỏ) và nguyên mẫu hệ thống TRIM được lắp ở giá treo trên cánh chính (khoanh xanh). |
Trong những tháng đầu của năm 1972, các hệ thống TRIM trên A-6C được nâng cấp với máy chiếu laser lên mục tiêu thay cho cảm biến quang điện ánh sáng yếu và nâng cấp cảm biến dò tìm hồng ngoại phía trước. Máy chiếu laser giúp A-6C có thể trang bị những lọa bom có dẫn đường bằng laser bán chủ động Paveway I.
Một chiếc A-6C dùng radar hoặc cảm biến dò tìm hồng ngoại phía trước để dò tìm mục tiêu, sau khi phát hiện mục tiêu, máy chiếu laser sẽ chiếu laser trên mục tiêu và một chiếc A-6C khác bay sau ném bom Paveway I, đầu dò trên quả bom sẽ tìm năng lượng laser được phản xạ lại từ mục tiêu và bay về phía mục tiêu đó.
|
Hình chụp từ phía dưới chiếc A-6C (c/n 155647) với hệ thống TRIM lắp dưới thân |
Mặc dù không liên quan trực tiếp đến A-6C, nhưng có một chương trình cải tiến cho A-6A có khả năng mang bom có điều khiển Paveway và tấn công ban đêm, đó là sử dụng hệ thống chỉ thị mục tiêu có vỏ bọc AN/AVQ-10A Pave Knife. Một hợp đồng trị giá 1,777 triệu USD trao cho Ford Aeronutronic (sau này là Loral), nhà thầu chính cho hệ thống Pave Knife để cải tiến 3 chiếc A-6A của phi đội VA-145 được trang bị hệ thống này.
|
Một chiếc A-6A của phi đội VA-145 mang theo hệ thống chỉ thị mục tiêu có vỏ bọc AN/AVQ-10A Pave Knife ở dưới thân. |
Máy bay tiếp nhiên liệu trên không KA-6D
Trong giai đoạn đầu của kỷ nguyên động cơ phản lực, máy bay sử dụng động cơ phản lực rất tốn nhiên liệu và có tầm bay và thời gian hoạt động ngắn. Để duy trì hoạt động cho phi đội máy bay của mình trên không, Hải Quân Mỹ đã cải tiến một số máy bay A-3 mang theo vòi tiếp nhiên liệu và tăng cường thêm thùng nhiên liệu phụ để làm máy bay tiếp nhiên liệu trên không KA-3. Cùng với thiết bị tiếp nhiên liệu trên không D704 của Douglas có thể giúp các máy bay A-4, A-6 và A-7 tiếp nhiên liệu trên không cho nhau được.
Tuy nhiên Hải Quân Mỹ không thỏa mãn với các yếu cầu trên do KA-3 cần không gian rộng trên boong tàu sân bay để hạ cánh và họ không muốn hy sinh bất kỳ một máy bay tấn công nào làm máy bay tiếp nhiên liệu trên không.
|
2 chiếc KA-3 và 1 chiếc A-4 đang trình diễn khả năng tiếp nhiên liệu trên không. |
Là một giải pháp, Hải Quân Mỹ đặt mua phiên bản tiếp nhiên liệu trên không của A-6 Intruder mà Grumman đã giới thiệu trước đó vào năm 1965. Vào tháng 5/1966, chiếc A-6A (c/n 149937) được lắp vòi tiếp nhiên liệu trên không Sergeant Fletcher để thử nghiệm. Các kết quả sau thử nghiệm đã thuyết phục phía Hải Quân Mỹ rằng đây là máy bay tiếp nhiên liệu trên không mà họ đang cần, nhưng nó đã không được ưu tiên cho đến năm 1969, phiên bản máy bay tiếp nhiên liệu trên không KA-6D được đi vào sản xuất.
|
Khoang chứa vòi tiếp nhiên liệu trên không Sergeant Fletcher ở phía thân sau của KA-6D. |
KA-6D trang bị một vòi tiếp nhiên liệu trên không nối với thùng nhiên liệu bên trong thân giữa, thay thế phần lớn hệ thống DIANE trong thân giữa. Với 5 thùng nhiên liệu phụ mang ngoài 1135 lít, KA-6D có thể vận chuyển hơn 8700 lít nhiên liệu bay hơn 900km từ tàu sân bay. Hệ thống DIANE được gỡ bỏ cùng với bảng điều khiển của hoa tiêu, chỉ giữ lại vài bảng điều khiển thiết bị tiếp nhiên liệu. Tuy nhiên, KA-6D được trang bị hệ thống phóng mồi bẫy nhiễu xạ AN/ALE-29. Sau đó, bắt đầu từ giữa năm 1982 được thay thế bằng AN/ALE-39. Vào giữa năm 1983, KA-6D cũng được trang bị hệ thống dẫn đường Omega.
|
Một chiếc KA-6D (c/n 151568) của phi đội VA-196.
|
KA-6D được chia làm 4 phiên bản với một số thay đổi nhỏ gồm: KA-6D Block I (RK1-54), KA-6D Block II (2K1-8), KA-6D Block III (3K1-8), KA-6D Block IV (4K1-8). Tổng cộng 78 chiếc KA-6D này đều được cải tiến từ A-6A Intruder. Chiếc KA-6D Block I đầu tiên cải tiến từ A-6A (c/n 151582) cất cánh lần đầu tiên vào ngày 16 tháng 4 năm 1970, do phi công Chuck Sewell điều khiển. Những chiếc KA-6D Block I đầu tiên được chuyển cho phi đội VA-85 và hoạt động ở Địa Trung Hải..