J-12 được cho là mẫu máy bay đầu tiên của Trung Quốc không chịu ảnh hưởng của các thiết kế Liên Xô, được thiết kế bởi Công ty Hàng không Nam Xương (NAMC). Nhưng đây là một nỗ lực không thành công của Trung Quốc, họ chưa đủ tiềm lực kĩ thuật để thoát khỏi ảnh hưởng của các thiết kế Liên Xô. J-12 trở thành mẫu máy bay chiến đấu hạng nhẹ “đoản mệnh”.
Ra đời từ cuộc cách mạng văn hóa
Trong phiên họp Bộ Chính trị mở rộng của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 5/1966, và kì họp thứ 11 của Ủy ban Trung ương khóa 8 vào tháng 8/1966, đã đánh dấu sự ra đời của Đại Cách mạng Văn hóa vô sản.
Tháng 4/1967, sau khi cách mạng văn hóa bắt đầu, không quân bắt đầu thực hiện các dự án máy bay chiến đấu nhỏ chịu nhiều ảnh hưởng chính trị. Các nhà lãnh đạo khi đó nhấn mạnh rằng máy bay chiến đấu mới nên nhỏ hơn, nhẹ nhàng hơn và cơ động hơn.
|
Bản vẽ đồ họa tiêm kích J-12 với dáng dấp vẫn chưa thoát được dòng MiG của Liên xô.
|
Theo đúng tinh thần “chiến tranh du kích trên không”, các máy bay mới được thiết kế để có tốc độ cao, khả năng cất hạ cánh trên đường băng ngắn, dễ bảo trì và có giá thành thấp. Kinh nghiệm từ cuộc chiến tranh Sáu ngày năm 1967 đã khiến Trung Quốc đẩy mạnh việc tìm kiếm phương án thay thế các máy bay J-6, phiên bản sao chép của MiG-19 Farmer của Liên Xô.
Công ty Hàng không Thẩm Dương đề xuất phương án J-11, trong khi Nam Xương đề xuất phương án J-12 vào năm 1970. Nam Xương đã cụ thể hóa yêu cầu của lãnh đạo bằng thiết kế J-12 rất nhẹ, chỉ 4 tấn, cùng một động cơ tuốc bin phản lực WP-6. Thiết kế mang nhiều đặc điểm của MiG-19 và MiG-21, được xem là đối thủ cạnh tranh đáng gờm với các mẫu máy bay J-7, J-8.
Dự án J-12 chỉ mất 17 tháng để thiết kế chi tiết, kiểm tra trong đường hầm gió và chế tạo 3 mẫu thử nghiệm. Một nhóm nghiên cứu dưới sự lãnh đạo của nhà thiết kế hàng không nổi tiếng Lu Xiao-Peng đã thiết kế một máy bay chiến đấu hạng nhẹ sử dụng động cơ WP-6 (phiên bản sao chép của động cơ Tumansky RD-9BF-811) với trọng lượng 3.454kg. Chuyến bay thử đầu tiên diễn ra vào ngày 26/12/1970, nhưng cũng có nguồn nói là năm 1969.
Tiêm kích hạng nhẹ xuất sắc
Trọng lượng cất cánh của J-12 là 4.450 kg, và trọng lượng thân máy bay chỉ là 3.100 kg, giữ kỉ lục là máy bay chiến đấu nhẹ nhất trên thế giới. Do kích thước nhỏ, và có động cơ khá tốt, nên khả năng vận động của J-12 không tồi. Nhưng sự cơ động đó phải trả giá quá đắt. J-12 chỉ có một pháo 23mm và một pháo 30mm đặt trong thân, và hai tên lửa không đối không tầm ngắn dẫn đường hồng ngoại. Vì trọng lượng của máy bay bị hạn chế, các thiết bị điện tử đều bị cắt giảm, máy bay không có radar. Kích thước quá nhỏ cũng khiến J-12 mang theo quá ít nhiên liệu. Những điều này đã giết chết máy bay.
|
Để có khả năng cơ động cao, J-12 phải hi sinh radar, vũ khí.
|
Tuy nhiên, không thể phủ nhận những nỗ lực của Công ty Hàng không Nam Xương khi sử dụng nhiều kĩ thuật mới cho máy bay chiến đấu.
Được trang bị động cơ phản lực luồng tuốc bin 6 Type B, máy bay có lực đẩy 39,72 kN, tỉ lệ lực đẩy toàn phần có thể đạt 0,91. J-12 có hiệu suất cao chủ yếu dựa vào tỷ lệ lực đẩy lớn.
J-12 có tốc độ tối đa Mach 1.5 ở độ cao 11.000m, trần bay là 17.410m. Ở một số khu vực trong khí quyển, J-12 chỉ có tốc độ là Mach 0.95, mặc dù nó không có tốc độ siêu âm, nhưng có thể đạt đến tiệm cận tốc độ siêu âm trong khi bay.
Phi công tham gia chuyến bay thử nghiệm đều tuyên bố rất ấn tượng về sự cơ động của máy bay, điều này được cho là có động cơ chính trị để lấy lòng dân.
Về Tốc độ leo cao của J-12 là khoảng 180m/s. Nhưng ngay khi chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của J-12 diễn ra, máy bay F-14 của Mỹ đã đạt tốc độ leo cao 200m/s. F-5E, được cho là đối thủ của MiG-21, cũng có tốc độ leo cao 160m/s.
Ở độ cao 5.000m, J-12 có bán kính vòng lượn nhỏ nhất là 1.140m. Con số này so với J-6 là 1.200m, F-5E của Mỹ là 1.080m. J-12 ở độ cao 5.000m có thể tăng tốc từ Mach 0,9 tới Mach 1,2 trong 65 giây. Trong khi đó J-6 cần 85 giây, F-5A của Mỹ cần 140 giây. Có thể nói J-12 đã đạt được những thành tựu nhất định.
Động tác cơ động đặc trưng của J-12 là cất và hạ cánh ngắn. Khi cất cánh máy bay chỉ sử dụng đường băng 500m, khi hạ cánh là 510m. Trong khi đó, một máy bay chiến đấu tốc độ dưới âm như J-5 (sao chép mẫu MiG-17 Liên Xô) khi cất cánh cần đường băng 590m, và khi hạ cánh cần 825m. J-12 có thể sử dụng đường băng ngắn hơn so với J-5, và có thiết bị chống bụi để cho phép cất cánh và hạ cánh trên một dải đất ngắn
|
Thiết kế J-12 ít nhiều đạt được yêu cầu đề ra về một mẫu tiêm kích nhanh nhẹn, cất cánh đường băng ngắn.
|
Trong tháng 9/1973, Công ty Hàng không Nam Xương đã báo cáo về dự án với lãnh đạo trung ương. Vào thời điểm đó J-12 được coi là một chương trình hàng không quân sự hàng đầu của Quân đội Trung Quốc. Nguyên soái Ye Jianying đã gọi J-12 là “Li Xiangyang trên không” (Li Xiangyang là một đội trưởng du kích nổi tiếng trong một bộ phim Trung Quốc). Khả năng cơ động của J-12 quả đúng như vậy.
Sau ba năm thực hiện các chuyến bay thử nghiệm, bắt đầu từ năm 1970, Nam Xương đã thực hiện một loạt các sửa đổi thiết kế để đối phó với các vấn đề như hiệu suất động cơ kém. Cấu trúc đã được đơn giản hóa hơn, các thiết bị được bố trí lại.
Phiên bản J-12 cải tiến đã cất cánh vào tháng 7/1975, đạt tốc độ tối đa Mach 1,386 (vượt qua J-6) và cho thấy khả năng tăng tốc linh hoạt, khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và trần bay 17.300m (cũng vượt trội so với J-6). Sáu máy bay tiền sản xuất đã được chế tạo, vũ khí trang bị gồm một pháo 23mm, một pháo 30mm và có thể mang 3 tên lửa không đối không. Tính đến tháng 5/1977, đã có tổng cộng 135 chuyến bay thử nghiệm với 61 giờ 12 phút tích lũy.
|
Một trong 2 chiếc J-12 còn sót lại tại Bảo tàng Hàng không Trung Quốc.
|
Cách mạng văn hóa kết thúc, J-12 chết theo
Dự án tiêm kích siêu nhẹ J-12 ra đời từ cuộc cách mạng văn hóa, và cũng chết theo nó. Khi cuộc cách mạng văn hóa chính thức kết thúc, bè lũ 4 tên bị bắt giữ, năm 1978, Không quân Trung Quốc đã đưa ra quyết định là J-12 không thích hợp cho các trận không chiến hiện đại và phải ngừng phát triển.
Đầu những năm 1980, quân đội đề nghị các lực lượng không quân hải quân sử dụng máy bay J-12, vì khả năng cất cánh từ đường băng ngắn của nó. Trung Quốc chưa có tàu sân bay, nhưng có nhiều đảo nhỏ xa bờ có sân bay đường băng ngắn phù hợp với J-12. Quân đội muốn biết các hòn đảo này thành “tàu sân bay cố định”. Tuy nhiên, chương trình này có lẽ cũng không được chấp thuận.
Trong 6 chiếc J-12 được sản xuất, chỉ có hai chiếc được giữ lại trong bộ sưu tập của Bảo tàng Hàng không Trung Quốc.