Sức mạnh Quân đội Armenia và Azerbaijan: Ai hơn ai?

Google News

(Kiến Thức) - Quân đội Armenia có quân số 51.580 người trang bị 225 xe tăng, trong khi Azerbaijan có quân số 66.940 người sở hữu 382 xe tăng.

Quân đội Armenia và Azerbaijan đã xảy ra giao tranh dữ dội ở khu vực tranh chấp giữa hai nước khiến 30 binh sĩ của hai bên thiệt mạng. Địa điểm xảy ra giao tranh tại khu vực Nagorno-Karabakh thuộc Azerbaijan đang bị quân đội Armenia chiếm đóng từ năm 1994.

Azerbaijan đã nhiều lần dọa sử dụng vũ lực để giành lại Nagorno Karabakh. Nước này được sự hậu thuẫn của Nga, và có chi tiêu quân sự cao hơn cả ngân sách quốc gia của Armenia. Vụ giao tranh dữ dội khiến nguy cơ một cuộc chiến quy mô lớn có thể xảy ra.

Vậy thực lực quân đội 2 bên như thế nào? Ai sẽ chiếm ưu thế nếu giao tranh mở rộng.

Lục quân

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS), lục quân Armenia có quân số  khoảng 45.000 người. Trang bị vũ khí có 20 xe tăng chiến đấu chủ lực T-80, 137 T-72, 8 T-54/55, 80 xe chiến đấu bộ binh BMP-1, 55 BMP-2. Lực lượng xe thiết giáp chở quân có 308 chiếc, chủ yếu là dòng BTR do Liên Xô sản xuất.

Suc manh Quan doi Armenia va Azerbaijan: Ai hon ai?
Binh sĩ lục quân Armenia trong một buổi huấn luyện. Ảnh: Quân đội Armenia 

Quân đội Armenia còn có 188 khẩu pháo các loại, trong đó có 20 pháo tự hành 2S3 Akatsiya, 18 2S1 Gvozdika. Và một số pháo phản lực phóng loạt BM-21, BM-30 Smerch. Các nguồn tin nói rằng, Nga đã triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander đến Armenia.

Trong khi đó, lục quân Azerbaijan có quân số khoảng 56.000 người. Lục quân nước này sở hữu khoảng 220  xe tăng chiến đấu chủ lực các loại, chủ yếu là T-72. Trong giai đoạn 2005-2010, nước này được cho là đã mua lại 162 xe tăng T-80.

595 xe chiến đấu bọc thép các loại như: BMP-1/2, 270 hệ thống pháo phản lực trong đó có những loại nổi bật như TOS-1A, BM-30 Smerch do Liên Xô chế tạo, LAR-160 và Lynx do Israel sản xuất.

Phần lớn trang bị khí tài của lục quân 2 nước đều do Liên Xô sản xuất với đặc tính kỹ chiến thuật tương đương nhau. Lục quân Azerbaijan có quân số lớn hơn, nhưng điều đó không phải là yếu tố quyết định chiến thắng.

Không quân

Không quân Armenia có quân số khoảng 3.500 người. Phi đội chiến đấu của không quân nước này đa phần là máy bay thế hệ cũ do Liên Xô chế tạo. Không quân Armenia có 15 cường kích Su-25, 5 máy bay huấn luyện L-39, 16 Yak-152, 16 trực thăng tấn công Mi-24, 18 trực thăng vận tải Mi-8.

Armenia không có lực lượng tiêm kích, việc bảo vệ không phận nhờ vào khoảng 18 MiG-29 của Nga đóng tại căn cứ Gyumri. Tuy nhiên, lực lượng phòng không nước này rất mạnh với tên lửa phòng không tầm xa S-300, tầm trung có S-75 Dvina, S-125 Pechora, tầm thấp có 9K33 Osa, 9K35 và một số tên lửa phòng không vác vai.

Suc manh Quan doi Armenia va Azerbaijan: Ai hon ai?-Hinh-2
Phi đội cường kích Su-25 của Azerbaijan trong lần bay biểu diễn vào năm 2011. Ảnh: Không quân Azerbaijan. 

Trong khi đó, Không quân Azerbaijan có quân số khoảng 8.000 người. Theo tạp chí Jane’s Defence Weekly (Anh), không quân nước này có khoảng 106 máy bay chiến đấu các loại. Phi đội tiêm kích có 13 chiếc MiG-29 mua của Ukraine từ năm 2006, 11 cường kích Su-25.

Phi đội trực thăng có 18 trực thăng tấn công Mi-24, 50 trực thăng vận tải đa năng Mi-17. Đặc biệt Azerbaijan mua khá nhiều máy bay không người lái (UAV) của Israel cho nhiệm vụ trinh sát. Tổng cộng có khoảng 34 UAV đang hoạt động, nổi bật là Hermes 450 và IAI Heron.

Lực lượng phòng không của Azerbaijan cũng rất mạnh với S-300PMU2, S-200, tầm trung có Buk, S-125, tầm thấp có Tor, 9K33 Osa. Năng lực không quân Azerbaijan vượt trội so với Armenia, đặc biệt là ở phi đội tiêm kích. Tuy nhiên, năng lực phòng không của Armenia là một thách thức lớn đối với phi đội tiêm kích của Azerbaijan.

Armenia do nằm trong lục địa nên không có hải quân. Sau khi Liên Xô tan rã, Azerbaijan tiếp quản một phần hạm đội Caspian. Hải quân Azerbaijan có quân số khoảng 2.200 người. Lực lượng tàu chiến khá khiêm tốn, phần lớn là những tàu thế hệ cũ do Liên Xô để lại, năng lực tác chiến kém.

Nếu chiến tranh giữa 2 nước mở rộng, hải quân không giúp nhiều cho Azerbaijan vì xung đột xảy ra trên bộ nên hải quân khó can thiệp.

Kết luận

Nhìn chung, năng lực tác chiến của quân đội 2 nước khá tương đồng nhau do thừa hưởng vũ khí từ Liên Xô để lại. Để tạo ra sự khác biệt trước đối phương cần có một chiến lược, chiến thuật hợp lý. Bên cạnh đó, cần phải nhắc đến yếu tố chính trị trong trường hợp nổ ra xung đột quy mô lớn.

Azerbaijan nhận được sự hậu thuẫn của Nga, trong khi đó, Armenia là đối tác hòa bình của NATO. Mặt khác, cả 2 nước đều thuộc Liên Xô cũ trước đây, nên ảnh hưởng của Moscow đối với họ là rất lớn.

Theo Wikileaks, trong năm 2010, Nga và Armenia đã ký thỏa thuận mở rộng sự hiện diện quân sự của Nga tại quốc gia này đến năm 2044. Trong khi đó, Nga là nhà cung cấp vũ khí chính cho Azerbaijan. Như vậy, Moscow chắc chắn sẽ can thiệp để  ngăn chiến tranh mở rộng giữa 2 nước.

Quốc Minh

Bình luận(2)

Minh Hiền

Ongnoi

Anh em với nhau cả không kịp tỉnh táo bị những kẻ thù địch nhúng tay vào là chiến tranh sẽ nổ ra tan nát hết.

Minh Hiền

huy tuân

Nói chung quân đội hai nước này có sức mạnh là một chín , một mười xét về góc độ khách quan . .