Mẫu thiết kế của dự án siêu tàu sân bay Project 23000E “Storm” của Hải quân Nga được đem ra trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Army-2015 ở khu vực Kubinka, ngoại ô Moscow vào tháng 6 vừa qua đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của truyền thông và giới quân sự các nước đặc biệt là Trung Quốc.
|
Mô hình siêu hàng không mẫu hạm 23000E “Storm” của Hải quân Nga tại Triển lãm Quốc phòng Army-2015.
|
Mới đây, Nhật báo Nhân dân - cơ quan Ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra bài phân tích và có những nhận định đa chiều về dự án “khủng” này của Nga.
Bài viết bằng phiên bản tiếng Nga này phản ánh rõ chính sách và quan điểm của chính phủ Trung Quốc, trong đó ở phần đầu bài viết cơ quan ngôn luận này “tung hô” về kinh nghiệm vượt trội của Nga trong thiết kế tàu sân bay, nhưng ở phần kết lại đặt ra một loạt nghi vấn về tính khả thi cũng như tương lai của dự án Project 23000E “Storm” mà Nga đang nghiên cứu chế tạo.
|
Tàu sân bay 23000E “Storm” được ví như một “sân bay trên biển”.
|
Theo Nhật báo Nhân dân Trung Quốc, Project 23000E “Storm” của Nga đang chứng minh khả năng cũng như sự đổi mới của các nhà thiết kế nước này trong việc phát triển siêu tàu sân bay bằng việc tiếp thu những kinh nghiệm quý báu trước đây và dường như các cơ quan nghiên cứu khoa học - kỹ thuật hải quân, các viện nghiên cứu cùng với ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang dốc lực phát triển siêu hàng không mẫu hạm mới này.
Thiết kế tàu sân bay Project 23000E “Storm” được Nga phát triển dựa trên mô hình thiết kế của Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và vận dụng thiết kế của các thế hệ tàu sân bay phương Tây hiện nay.
|
Phía Nga dự kiến đến năm 2030 sẽ có tàu sân bay 23000E “Storm”.
|
Tờ Nhật báo cũng chỉ ra 4 yếu tố đặc trưng của loại tàu sân bay này gồm:
- Thứ nhất, tàu sân bay Project 23000E “Storm” có đặc tính đa năng như một “sân bay trên biển” và được thiết kế nhằm mục đích thực hiện các nhiệm vụ khác nhau như, tấn công các mục tiêu mặt đất và mục tiêu trên biển, tác chiến chống ngầm và phòng thủ trên không… bằng các loại vũ khí, trang bị và các phi đội máy bay chiến đấu được biên chế, trang bị trên tàu.
Project 23000E “Storm” được thiết kế có chiều dài 330 m, rộng 40 m, với độ mớn nước 11 m và có thể mang theo từ 80-90 máy bay, bao gồm cả máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 T-50 PAKFA. Đây là điểm khác biệt mới so với tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov hiện có của Nga chỉ chở được 41-52 máy bay có cánh cố định và máy bay cánh quạt.
|
Storm được cho là kế thừa thiết kế của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và các thế hệ tàu sân bay phương Tây hiện nay.
|
- Thứ hai, thiết kế đường bằng trên tàu được mở rộng tối đa với đường băng kép nhằm giúp các máy bay đáp xuống một cách thuận tiện và trơn tru hơn. Điểm sáng tạo này được các nhà nghiên cứu của Nga kế thừa và phát triển kinh nghiệm chế tạo tàu sân bay trước đây cũng như học được từ các mẫu tàu sân bay nước ngoài.
- Thứ ba, thân tàu 23000E “Storm” được thiết kế để làm giảm 20% lực cản, cho phép tàu cơ động nhanh hơn lên đến 30 hải lý/giờ đồng thời giảm lượng nhiên liệu bị tiêu hao và tăng khả năng duy trì hoạt động dài ngày trên biển lên đến 120 ngày.
Yếu tố cuối cùng mà tờ báo náy chỉ ra đó là, siêu tàu sân bay 23000E “Storm” có thể mang theo máy bay cảnh báo sớm, đây cũng là một sự đổi mới cho thiết kế tàu sân bay Nga.
|
Dự án 23000E “Storm” được thiết kế với khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ tác chiến và mang theo cả máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 T-50 PAKFA.
|
Tuy nhiên, thời báo Trung Quốc cũng đặt ra một loạt nghi vấn về tính khả thi cũng như tương lai của Dự án 23000E “Storm”. Đó là, liệu tàu sân bay này sẽ được trang bị động cơ tuabin hơi nước thông thường hay động cơ hạt nhân và liệu Nga có đủ tài chính để phát triển tàu sân bay này hay không. Với những nghi vấn như vậy, Nhật báo Nhân dân Trung Quốc quả quyết siêu hàng không mẫu hạm 23000E “Storm” của Nga mới chỉ nằm trên giấy và sẽ không thể xuất hiện trước năm 2030 như phía Nga đã từng công bố.