Lãnh đạo một đội quân từ những khẩu súng kíp ban đầu với những người lính xuất thân nông dân ít được học hành, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chiến thắng cả 2 cường quốc quân sự của thế giới.
Trong 30 năm cầm quân ấy, hẳn có vô số sự kiện chứng minh phẩm chất quân sự thiên tài của Đại tướng. Tuy nhiên, ở đây, Kiến thức chỉ xin điểm lại một vài quyết định của Đại tướng ở những thời điểm quan trọng trước mỗi chiến dịch, trận đánh mà có ảnh hưởng quyết định tới thắng lợi.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
|
Đại đội độc lập tiểu đoàn tập trung
Mùa đông năm 1947, quân Pháp mở cuộc tấn công lớn lên Việt Bắc với mục tiêu lùng bắt cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt lực lượng chủ lực của Việt Minh để kết thúc chiến tranh. Địch chia quân 2 cánh hòng tạo ra 2 gọng kìm vây lấy quân ta.
So sánh mọi mặt, lúc này quân ta ở thế yếu hơn địch, từ quân số đến vũ khí trang bị. Cần phải có phương án tác chiến thích hợp để đập tan được cuộc tấn công của địch, mà vẫn bảo toàn được lực lượng của ta để kháng chiến lâu dài.
Trong đợt toàn quốc kháng chiến năm 1946, có lúc ta tổ chức đánh lớn, dàn quân ra đánh với địch như ở Hà Đông, nhưng không hiệu quả do trang bị của ta thô sơ, bất lợi khi giao chiến theo hình thức chiến tranh quy ước với địch.
Trong tình thế nguy hiểm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nghe báo cáo có 1 đại đội bị lạc đơn vị đã nương tựa vào dân ở Hà Bắc, vừa chiến đấu vừa phát triển lực lượng. Câu chuyện đã lóe lên trong đầu vị tướng tài một câu trả lời mà bấy lâu ông đang tìm kiếm. Ta sẽ phân tán lực lượng ra, kẻ địch sẽ không thể tìm thấy thứ chúng muốn tìm (chủ lực ta) và chúng sẽ bị nhấn chìm trong núi rừng Việt Bắc.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm một đơn vị bộ đội.
|
Và thế là ngay sau đó, Đại tướng liền trình kế hoạch lên Trung ương Đảng và Bác Hồ. Trong cuộc họp ngày 14/101947, Trung ương và Bác đã nhất trí thông qua kế hoạch, cho tổ chức quân đội ta thành những đại đội độc lập đi vào hoạt động trong vùng địch tạm chiếm để biến hậu phương địch thành tiền phương của ta.
Nhờ công thức “đại đội độc lập tiểu đoàn tập trung”, quân ta tiếp tục giữ vững thế chủ động chiến trường đẩy quân Pháp vào thế bị động đối phó. Sau thất bại ở Việt Bắc, quân Pháp ngày càng phải lo lắng nhiều đến việc giữ gìn vùng chiếm đóng vì các đại đội chủ lực của ta đã đi vào hoạt động thúc đẩy phong trào đấu tranh của du kích và nhân dân lên một bước mới, không cho chúng rảnh tay tập trung quân càn quét.
Đòn điểm huyệt “rúng động” biên giới
Chiến dịch Biên Giới 1950 mở ra với mục đích khai thông biên giới Việt – Trung để nối liền vùng giải phóng của ta với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của các nước Xã hội Chủ nghĩa cho cuộc kháng chiến của ta. Vì ý nghĩa đó, đây là một chiến dịch quan trọng phải đảm bảo chắc thắng.
Đây cũng là chiến dịch đầu tiên ta tập trung lực lượng bộ đội lớn gồm 5 trung đoàn chủ lực của Bộ, 3 tiểu đoàn của Liên khu Việt Bắc và các lực lượng vũ trang 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Về phía địch, lực lượng cũng xấp xỉ quân ta và phần lớn là lính Âu Phi thiện chiến lại được trang bị tốt hơn ta rất nhiều.
Ban đầu cơ quan tham mưu xác định lấy thị xã Cao Bằng làm điểm đột phá để mở đầu chiến dịch. Tuy nhiên, khi thị sát chiến trường, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp lại nhận thấy tấn công vị trí này có nhiều bất lợi.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung đoàn trưởng Thái Dũng (hàng dưới, bên trái ảnh) và Tiểu đoàn trưởng Dũng Mã (bên phải) nghiên cứu sơ đồ tác chiến chiến dịch Biên giới 1950. |
Trong hồi ký “Đường tới Điện Biên Phủ”, Đại tướng Tổng tư lệnh viết: “Lấy thị xã Cao Bằng làm điểm đột phá để mở đầu chiến dịch có phải là sự lựa chọn đúng không? Cao Bằng là một vị trí đột xuất nằm sâu trong hậu phương ta ở phía bắc. Ở đây, địch có 2 tiểu đoàn. Nếu đánh thắng, ta sẽ giải phóng được một thị xã quan trọng ở biên giới, ảnh hưởng chính trị sẽ rất lớn. Nhưng bộ đội ta chưa hề đánh một vị trí 2 tiểu đoàn Âu-Phi. Cao Bằng như tôi đã biết, nằm giữa hai con sông, và có ngôi thành cổ rất vững chắc. Đánh Cao Bằng sẽ thực sự là một trận công kiên lớn mà chúng ta còn chưa có kinh nghiệm”.
“Trong tư tưởng của tôi từ trước, điểm đột phá trên chiến trường này phải là Đông Khê. Ở đây địch đóng 1 tiểu đoàn, nằm trong khả năng tiêu diệt của bộ đội ta. Mất Đông Khê, Cao Bằng sẽ trở nên hoàn toàn cô lập. Địch nhất định phải chiếm lại Đông Khê. Bộ đội ta sẽ có điều kiện tiêu diệt bộ binh địch trên địa hình rừng núi. Tôi đã nói với Bộ Tổng tham mưu, tạm thời chưa đụng vào những vị trí địch trên đường số 4, chưa đánh động chúng”, hồi ký “Đường tới Điện Biên Phủ” của Đại tướng viết.
Những suy tính này cùng với quá trình thị sát Cao Bằng sau đó, Đại tướng đã quyết định thay đổi điểm đột phá. Thay vì đánh vào Cao Bằng, ta chọn đánh cứ điểm Đông Khê để cô lập Cao Bằng rồi bố trí phục binh đánh địch cứu viện bên ngoài công sự và khi chúng rút chạy.
Thực tế chiến sự sau đó đã diễn ra hoàn toàn theo suy tính của Đại tướng. Điều đó thể hiện một tư duy quân sự sắc sảo, linh hoạt và thiên bẩm của vị Đại tướng chưa một ngày học qua trường lớp võ bị nào.
Lối đánh điểm diệt viện này về sau trở thành một lối đánh quen thuộc và lợi hại của quân đội ta trong kháng chiến chống Mỹ, đến mức tướng Westmoreland phải để tâm nghiên cứu và đưa ra những “cẩm nang” cho thuộc cấp Mỹ và quân đội Sài Gòn để ứng phó. Tuy nhiên, tác dụng của những cẩm nang đó không được bao nhiêu vì chiến thuật ấy, quân ta đã vận dụng thành nghệ thuật. Bởi vậy, quân Mỹ vẫn thua những trận đau như ở Sa Thầy, Pleime…