Nga là một trong những nước sở hữu lực lượng máy bay săn ngầm khá đa dạng gồm: trực thăng săn ngầm Ka-27; thủy phi cơ tuần tra bờ biển và săn ngầm Be-12; máy bay tuần tra săn ngầm IL-38 và máy bay săn ngầm Tu-142. Tuy nhiên hiện tại chỉ có IL-38 và Tu-142 là đủ khả năng để hiện đại hóa và tiếp tục phục vụ trong Quân đội Nga trong khi các máy bay còn lại đang dần trở nên lỗi thời.
Chính vì lý do này mà Bộ quốc phòng Nga đang muốn khởi động các chương trình phát triển máy bay săn ngầm thế hệ mới, trong đó bao gồm cả các chương trình có từ thời Liên Xô với ứng cử viên sáng giá là trực thăng săn ngầm Mi-14.
|
Một chiếc trực thăng săn ngầm Mi-14 và số vũ khí nó có thể mang theo.
|
Trực thăng săn ngầm huyền thoại của Liên Xô
Trong thời gian gần đây, các chuyên gia quân sự của Nga đều nhận định rằng nhiều khả năng Bộ quốc phòng Nga sẽ tái đưa vào sử dụng trực thăng săn ngầm Mi-14, nhằm tăng cường khả năng "tìm - diệt" tàu ngầm của Không quân Hải quân Nga. Khi mà ngay từ lần đầu tiên được giới thiệu, Mi-14 đã được các tướng lĩnh Liên Xô đánh giá là mẫu trực thăng săn ngầm đáng tin cậy với tầm hoạt động lên tới 300km và có thể bay liên tục 5,5 giờ trên không.
Hệ thống vũ khí của Mi-14 khá đa dạng khi nó có thể mang theo cả bom hạt nhân cỡ nhỏ có sức công phá 1kt, các loại ngư lôi dẫn đường săn ngầm hay bom chìm. Bên cạnh đó, vào những năm 1980, Liên Xô từng có ý định phát triển một dòng tên lửa chống hạm có thể triển khai trên những chiếc Mi-14 giúp biến dòng trực thăng này trở thành một sát thủ thực sự trên biển.
Tính từ năm 1975 đã có khoảng 273 chiếc Mi-14 được Hải quân Liên Xô đưa vào trang bị với ba biến thể khác nhau gồm săn ngầm, cứu hộ và quét mìn. Tuy nhiên sau khi Liên Xô sụp đổ Mi-14 dần bị Hải quân Nga loại biên.
|
Một biến thể Mi-14 dành cho hoạt động cứu hộ.
|
Theo Yevgeny Matveyev - một chuyên gia phân tích quân sự người Nga tiết lộ với tờ Business Online cho biết, Bộ quốc phòng Nga đã bắt đầu phân bổ kinh phí để tái đưa vào trang bị ít nhất 10 chiếc Mi-14. Cùng với đó là việc triển khai các bước tiếp theo trong kế hoạch tái trang bị Mi-14 gồm sửa chữa và hiện đại hóa các máy bay còn lại trong kho lưu giữ sau đó là tái khởi động lại dây chuyền sản xuất.
Còn theo Konstantin Sivkov – Tiến sĩ nghành khoa học quân sự và là người đứng đầu Học viện Địa Chính trị Nga cho biết, mặc dù Mi-14 đã trở nên lỗi thời nhưng Hải quân Nga vẫn chưa có bất cứ ứng viên phù hợp nào để thay thế Mi-14 hiện tại. Đây sẽ là lợi thế lớn của Mi-14 sau khi nó được hiện đại hóa và được đưa vào sản xuất trở lại, tương tự như hệ thống trinh sát điện tử Novella đang được Hải quân Nga sử dụng.
Bên cạnh đó, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng việc tái khởi động dây chuyền sản xuất Mi-14 sẽ rất tốn kém đó là chưa kể tới việc các thiết bị và tài liệu thiết kế cần thiết cho quá trình sản xuất của dòng trực thăng săn ngầm này đã không còn được đầy đủ.
|
Mi-14 được thiết kế để có thể cất hạ cánh trên đất liền lẫn mặt nước.
|
Không thể thay thế
Xét trên nhiều khía cạnh, trực thăng săn ngầm Mi-14 vẫn là một sự lựa chọn tốt khi trong ngắn hạn các công ty quốc phòng Nga không có khả năng cho ra mắt một dòng trực thăng săn ngầm sở hữu các đặc tính kỹ chiến thuật tương đương Mi-14.
Thậm chí với cả dòng trực thăng vận tải thế hệ mới Mi-38 sẽ được Nga đưa vào sản xuất hàng loạt trong năm này cũng rất để có thể xác định nó có được phát triển thành một mẫu trực thăng săn ngầm hay không.
Theo Oleg Panteleyev - Trưởng ban biên tập của tạp chí AviaPort cho hay, với nhu cầu hiện tại Hải quân Nga cần ít nhất 100 chiếc Mi-14 và nhà máy chế tạo trực thăng Kazan nơi từng sản xuất Mi-14 hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu này.
Được biết, trước đây một phần việc Nga quyết định loại biên Mi-14 là do sức ép từ Mỹ và các nước Phương Tây khi dòng trực thăng săn ngầm này là mối đe dọa cực lớn đối với lực lượng tàu ngầm của các nước thuộc Khối quân sự NATO. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, Hải quân Nga chắc chắn sẽ xem lại số phận của Mi-14 nhất là khi Nga đang muốn đẩy nhanh các hoạt động quân sự ở Bắc Cực và với Mi-14 mọi vấn đề của Hải quân Nga sẽ giải quyết một cách dễ dàng hơn.