“Mổ xẻ” tàu ngầm hạt nhân Nga gặp “bà hỏa”

Google News

(Kiến Thức) - Chiếc tàu ngầm hạt nhân vừa bị hỏa hoạn tại Nga được xem là loại tàu ngầm hạt nhân tấn công lớn thứ 2 thế giới.

Vào ngày hôm qua, chiếc tàu ngầm K-150 Tomsk thuộc Hạm đội Thái Bình Dương khi đang đại tu, bảo dưỡng tại nhà máy ở vùng Primorye thì bất ngờ bốc cháy. Rất may đám cháy nhanh chóng được kiểm soát, không có thương vong về người.
K-150 Tomsk là một trong những chiếc tàu ngầm thuộc lớp Project 949A Antey (NATO định danh là lớp Oscar-II) được khởi đóng vào những tháng 8/1991. Do những biến động lớn về lịch sử, nên mãi 5 năm sau đó con tàu mới được hạ thủy và biên chế cùng năm 1996 trong thành phần Hạm đội Thái Bình Dương.
Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình Project 949A Antey.
Project 949A Antey có lượng giãn nước toàn tải khi nổi 14.700 tấn và khi lặn là 19.400 tấn, dài 155m, rộng 18,2m, mớn nước 9m. Với kích thước này, lớp tàu được xem là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình lớn nhất của Hải quân Nga và là lớn thứ 2 thế giới.
Giống với nhiều tàu ngầm Nga khác, Project 949A Antey thiết kế với thân đôi: một lớp chịu áp lực và một lớp bao ngoài theo kiểu dáng thủy động lực học. Chèn giữa 2 lớp này là lớp cao su dày để triệt tiêu âm thanh.
Trong tàu được chia làm 10 khoang gồm: khoang thủy lôi; khoang điều khiển; khoang vô tuyến và trạm chiến đấu; khoang sinh sống (dành cho thủy thủ đoàn hơn 100 người); 2 khoang lắp hệ thống lò phản ứng; khoang động cơ đẩy; 2 khoang động cơ tuốc bin và khoang động cơ điện.
Theo trang mạng FAS, tàu ngầm này được thiết kế với capsule khẩn cấp VSK dành cho thủy thủ đoàn trong trường hợp tàu gặp nạn, chứa 110 người.
Một chiếc tàu ngầm Project 949A đang trải qua đại tu, sửa chữa lớn.
Hệ thống động lực gồm 2 lò phản ứng hạt nhân VM-5 cung cấp năng lượng cho hoạt động của tàu. Tàu còn có 2 động cơ tuốc bin khí cung cấp công suất 97.990 mã lực, dùng loại chân vịt 7 lá giúp giảm âm thanh khi hoạt động. Tàu có thể lặn sâu tối đa 300-600m, dự trữ hành trình 50 ngày.
Về hệ thống điện tử, Project 949A Antey trang bị hệ thống radar trinh sát mặt nước MRKP-58/59, hệ thống định vị thủy âm gắn trên thân tàu MGK-503/519.
Được thiết kế chủ yếu dành cho nhiệm vụ chống nhóm tàu sân bay chiến đấu Hải quân Mỹ, tàu ngầm Project 949A Antey trang bị kho vũ khí “đồ sộ” gồm:
- 24 tên lửa hành trình chống tàu mặt nước tốc độ siêu thanh P-700 Granit (NATO định danh là SS-N-9 Shipwreck) đặt trong ống phóng ngiêng 40 độ xếp thành 2 hàng (12 ống/hàng) ở cạnh tháp nhô lên trên phần thân tàu ngầm. Tên lửa có thể phóng khi tàu trong trạng thái khi lặn.
P-700 Granit chính là vũ khí chống tàu sân bay mạnh nhất của tàu ngầm Project 949A Antey. Tên lửa này nặng tới 7 tấn, dài 10m, đường kính thân 0,85m, lắp đầu đạn thuốc nổ mạnh 750kg hoặc đầu đạn hạt nhân 500 kiloton. Thực tế chỉ với đầu đạn thông thường, P-700 Granit cũng đủ sức khiến tàu sân bay Mỹ phải thiệt hại nặng nề, có thể mất khả năng chiến đấu.
P-700 Granit có thể đạt tầm bắn tối đa tới Mach 2,5, tầm bắn 500km. Tên lửa được dẫn đường bằng đầu tự dẫn quán tính, radar chủ động với khả năng gây nhiễu.
Project 949A Antey phóng tên lửa hành trình P-700 Granit.
Trong tác chiến chống tàu mặt nước, Hải quân Liên Xô (Nga) dùng P-700 với “chiến thuật bầy sói”. Tàu ngầm sẽ phóng nhiều đạn cùng lúc vào một mục tiêu và có tên lửa “đầu đàn” bay ở độ cao lớn hơn, chỉ định mục tiêu cho các tên lửa khác tấn công.
Chúng sẽ tấn công các mục tiêu theo thứ tự ưu tiên, từ cao nhất tới thấp nhất. Và sau khi phá hủy các mục tiêu đầu tiên, tên lửa còn lại sẽ tấn công mục tiêu ưu tiên tiếp theo. Với ưu thế phóng loạt thì hệ thống đánh chặn của cụm tàu sân bay xem ra sẽ rất vất vả trong việc chống trả.
- Tàu có 6 ống phóng ngư lôi gồm 2 loại 533mm (4 ống) và 650mm (2 ống) lắp ở mũi tàu. Ống phóng này dùng để bắn được cả tên lửa chống tàu ngầm RPK-2 Viyuga (tầm bắn 45km; lắp đầu đạn hạt nhân 5kiloton hoặc ngư lôi Type 40) hay RPK-7 Veder (tầm bắn 120km, tốc độ siêu thanh Mach 1,5, lắp ngư lôi Type 40 hoặc đầu đạn hạt nhân 200kiloton), ngư lôi chống ngầm Type 40 và thủy lôi (tối đa 32 quả).
Điều đặc biệt, K-150 Tomsk có “họ hàng” với tàu ngầm hạt nhân tấn công K-141 Kursk gặp nạn ngày 12/8/2000 khiến toàn bộ thủy thủ đoàn thiệt mạng.
Hoàng Lê

Bình luận(0)