Mổ xẻ “sát thủ săn ngầm” Petya Việt Nam trên Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Mặc dù đã cũ kỹ sau nửa thế kỷ phục vụ, tàu săn ngầm Petya của Việt Nam vẫn đóng vai trò quan trọng trong tác chiến của hải quân trên Biển Đông.

Những năm 1980, Việt Nam đã nhận viện trợ một số tàu chiến của Liên Xô. Trong số đó có lượng giãn nước lớn hơn cả là 5 tàu hộ vệ săn ngầm Project 159 (tên định danh NATO là Petya), trên 1.000 tấn.

Trong 5 tàu này có 3 chiếc mang số hiệu SKR-141, SKR-130, SKR-135 (được Việt Nam gọi lại là HQ-13, HQ-15 và HQ-17) thuộc biến thể Project 159A (Petya-II). Và 2 chiếc còn lại mang số hiệu SKR-82, SKR-96 (Việt Nam gọi lại là HQ-9 và HQ-11) thuộc Project 159AE (Petya-III).
Hai trong số 5 tàu Petya của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Tàu hộ vệ săn ngầm Petya được bố trí cơ cấu ba trục chân vịt gồm: một trục dùng động cơ diesel để tiết kiệm nhiên liệu khi tuần tra trên biển và 2 trục sử dụng động cơ turbine khí. Nó cho phép tàu đạt tốc độ tối đa 32 hải lí/giờ, hoạt động liên tục trên biển trong 10 ngày.

Về vũ khí mặt nước, tàu có hai ụ pháo AK-726 2 nòng 76,2mm ở mũi tàu và đuôi tàu cùng hệ thống điều khiển hỏa lực Fut-B đạt tốc độ bắn 45 phát/phút, tầm bắn xa nhất 18,3km. Pháo cũng có khả năng tiêu diệt mục tiêu đường không ở độ cao từ 500-6.000m với tốc độ 350-650m/s.

Trong tác chiến chống tàu ngầm, Petya được trang bị giàn thả bom chìm BB-1 ở đuôi tàu, các giàn phóng rocket chống ngầm RBU-2500 (sử dụng bom chìm RGB-25) và RBU-6000 (sử dụng bom chìm RGB-60) với hệ thống điều khiển Burya.

Về ngư lôi, trong khi tàu Petya-II được trang bị 2 giàn phóng PTA-40-159 (mỗi giàn 5 ống phóng dùng ngư lôi SET-40UE 400mm), thì tàu Petya-III lại có 1 giàn phóng TTA-53-57 bis với 3 ống phóng ngư lôi SET-53M.
Giàn phóng rocket săn ngầm RBU trên tàu Petya.

Theo đánh giá chung, những tàu săn ngầm Petya đã rất cũ kĩ, với khả năng chống ngầm hạn chế ở mức trong tầm nhìn. Không những thế, trước khi viện trợ cho Việt Nam, các tàu Petya đã có thời gian dài phục vụ trong Hải quân Liên Xô.

Trong quá trình hoạt động ở Liên Xô, 2 chiếc SKR-96 (Việt Nam gọi là HQ-11) và SKR-130 (HQ-15) đã bị hư hỏng phần mũ chụp hệ thống định vị thủy âm nằm dưới thân tàu. Mất hệ thống tìm kiếm tàu ngầm, theo thông tin từ trang Russian-Ship, 2 con tàu phải gỡ bỏ vũ khí chống ngầm và thay bằng 2 ụ pháo 37mm 2 nòng V-11V ở sau đài chỉ huy và 2 ụ pháo 23mm 2 nòng ở phía trước.

Các tàu còn lại cũng đã bị tổn thất nghiêm trọng về khả năng chống ngầm, do không có trang bị thay thế do các nhà máy Liên Xô đã dừng sản xuất phụ tùng cho loại tàu cũ kĩ này.

Đến giai đoạn 1990-1995, các tàu hộ vệ Petya chỉ còn là một tàu pháo, mất khả năng săn ngầm chủ yếu của mình, nhiều tàu tiếp tục phải gỡ bỏ các giàn phóng bom chìm hay ngư lôi để lắp pháo.

Trong những nỗ lực hiện đại hóa lực lượng hải quân Việt Nam, thì một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải phục hồi và tăng cường sức chiến đấu cho các tàu hộ vệ Petya. Được sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài và nhất là Ấn Độ cung cấp 5.000 phụ tùng thiết yếu cho tàu, Việt Nam đã phục hồi được khoảng 80% năng lực chống ngầm của tàu Petya.

Đồng thời, một số tính năng tác chiến đã được cập nhật, hiện đại hóa, như thiết bị thu sóng thủy âm, cải tiến radar cho phù hợp với khí hậu nhiệt đới … Đây là một bước tiến quan trọng, trong điều kiện vũ khí chống ngầm của ta còn rất yếu, và hải quân ta cũng rất thiếu những tàu lớn, trên 1.000 tấn.
Tàu hộ vệ săn ngầm Petya HQ-15 sửa chữa tại xưởng X51 (vùng 2 Hải quân). Nguồn: Tuổi Trẻ

Có những ý kiến cho rằng Việt Nam nên cải tiến theo hướng triển khai tên lửa chống tàu trên Petya. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó có thể thành hiện thực, vì điều đó có nghĩa là phải triển khai toàn bộ các hệ thống điều khiển hỏa lực và các bệ phóng tên lửa. Điều này rất mất thời gian, tốn kém và có thể dẫn đến thay đổi cấu trúc con tàu.

Việc thay thế pháo AK-726 bằng các hệ thống pháo AK-176 hay pháo phòng không cao tốc AK-630 là một biện pháp khả thi hơn, giúp tăng khả năng tự bảo vệ của tàu trước những tên lửa chống tàu của đối phương. Tuy nhiên phải xem xét hiệu quả kinh tế, vì các tàu Petya này đã xuất xưởng từ khá lâu.

Theo đó, 3 tàu Petya-II đã gia nhập biên chế Hải quân Liên Xô trong giai đoạn 1970-1972. Còn 2 tàu Petya-III gia nhập biên chế năm 1977-1978. Trong bối cảnh hải quân ta đang rất thiếu vũ khí chống ngầm, thì việc phục hồi lại hoạt động cho các hệ thống chống ngầm của tàu hộ vệ Petya là phương án hợp lí, cả về biên chế chiến đấu và về mặt kinh tế.

Hiện tại, nhiệm vụ của các tàu Petya đó là tác chiến săn ngầm trong biên đội tàu. Cơ cấu biên đội tàu chiến đấu của Hải quân Nhân dân Việt Nam hiện tại có “hạt nhân” - 2 khinh hạm Gepard 3.9. Tùy theo nhiệm vụ mà cơ cấu biên đội tàu chiến sẽ có sự khác biệt nhất định.

Khi tác chiến diệt hạm, đi cùng với Gepard sẽ là tàu tên lửa cao tốc Project 1241.8/1241RE, cùng một vài tàu pháo TT-400TP hoặc Project 10412 Svetlyak làm nhiệm vụ hỗ trợ phòng không, chi viện hỏa lực …

Còn khi tác chiến chống ngầm, thì sát cánh bên Gepard 3.9 là các tàu hộ vệ Petya với hệ thống vũ khí săn ngầm mạnh mẽ (bom chìm chống ngầm, giàn phóng rocket). Ngư lôi SET-53M của Petya có khối lượng 1,5 tấn, có khả năng tấn công mục tiêu tàu ngầm ở độ sâu đến 200m, với tầm bắn lên đến 14km. Khinh hạm Gepard sẽ mang theo các trực thăng Ka-28, làm nhiệm vụ trinh sát, phát hiện tàu ngầm từ xa.

Để bổ sung cho khả năng tấn công mục tiêu ngầm khá hạn chế của các giàn phóng bom chìm RBU-6000 trang bị trên Petya, trực thăng Ka-28 cũng có thể mang theo ngư lôi, hoặc bom chống tàu ngầm.
Tàu Petya phóng rocket săn ngầm RBU trong diễn tập bắn đạn thật.

Đội hình tàu chiến đấu phối hợp với khinh hạm Gepard 3.9 làm hạt nhân, tàu tên lửa cao tốc 1241.8/1241RE làm nhiệm vụ diệt hạm, tàu pháo TT-400TP hỗ trợ phòng không toàn biên đội, yểm hộ hỏa lực, tàu hộ vệ Petya và trực thăng Ka-28 phối hợp với nhau để săn ngầm là một đội hình tương đối mạnh, đồng đều cả 3 mặt tác chiến đối hải – đối không – chống ngầm.

Đội hình này lại hợp đồng tác chiến với tên lửa bờ biển (Bastion-P, Redut), máy bay chiến đấu Su-22, Su-27 và Su-30MK2 của không quân trong nhiệm vụ phòng không và diệt hạm, máy bay M-28 trong nhiệm vụ chống ngầm nên sẽ rất mạnh mẽ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển Việt Nam.

Trong đội hình đó, tàu hộ vệ săn ngầm Petya giữ một vị trí quan trọng, là vũ khí chủ lực tác chiến chống ngầm cho biên đội tàu. Điều này càng khẳng định, việc không tiến hành lắp đặt tên lửa chống tàu lên tàu Petya là hợp lí. Việc có thêm một tàu săn ngầm được hoán cải thành tàu tên lửa không có nhiều ý nghĩa, vì xét cho cùng đấy chỉ là một biện pháp tình thế.

Trong bối cảnh Hải quân Nhân dân Việt Nam đã có những tàu tên lửa tương đối mạnh thì việc hiện đại hóa tàu hộ vệ săn ngầm Petya, và đẩy mạnh hơn nữa việc bổ sung lực lượng chống ngầm (tàu săn ngầm, tàu ngầm Kilo) là hướng đi đứng đắn, giúp Hải quân Nhân dân Việt Nam làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.




Doãn Chí Bình

Bình luận(1)

Minh Hiền

phương

Việc cho nghỉ hưu tàu phóng ngư lôi là quyết định sáng suốt, và với tàu săn ngầm cũng nên thế. Chẳng biết giờ, khi ra trận, tàu ngầm săn nó hay nó săn tàu ngầm nhỉ? Tốt nhất, nên tậu PC3C-Orion hay Ka28 săn ngầm hiệu quả hơn hẳn.