Tàu chiến TT400TP tác chiến thế nào trên Biển Đông?

Google News

(Kiến Thức) - Với hỏa lực trung bình, chỉ có pháo và tên lửa đối không tầm thấp, tàu chiến đấu mặt nước TT400TP của Việt Nam sẽ tác chiến thế nào trên Biển Đông?

Trong những năm qua, nghành công nghiệp đóng tàu quân sự Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể. Đặc biệt nhất đó là việc thiết kế và đóng thành công tàu pháo TT-400TP hiện đại.

Tàu pháo TT-400TP do nhà máy đóng tàu Hồng Hà (Z173) thiết kế chế tạo. Tàu có lượng giãn nước toàn tải 480 tấn, dài 54,16m, rộng 9,16m, mớn nước 2,7 m.

Tàu có thể đạt tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ, tầm hoạt động 2.500 hải lý khi tàu chạy ở tốc độ kinh tế 14 hải lý/giờ. Tàu có thể hoạt động liên tục trên biển 30 ngày đêm, có khả năng tác chiến trong điều kiện sóng cấp 5 và chạy trong điều kiện gió cấp 9, 10 và sóng cấp 8.

Về hỏa lực, TT-400TP trang bị pháo hạm AK-176 cỡ nòng 76,2mm (tầm bắn khoảng 15km), pháo phòng không cao tốc AK-630 (tầm bắn 4km, tốc độ bắn 5.000 phát/phút), 2 đại liên 14,5mm và tên lửa phòng không tầm thấp Igla (16 quả).
Tàu pháo TT-400TP (HQ-272) của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Việc đóng thành công tàu pháo TT-400TP là thành công lớn của công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Từ việc đóng tàu pháo với hệ thống vũ khí được tự động hóa cao, đòi hỏi sự ổn định, chính xác với yêu cầu kĩ thuật vô cùng khắt khe, các kĩ sư của chúng ta sẽ quen dần với thiết kế tàu chiến. Và sẽ có lời giải tối ưu nhất cho những bài toán hóc búa của công nghiệp đóng tàu.

Câu hỏi đặt ra là tàu pháo TT-400TP đóng vai trò gì trong tác chiến hải quân hiện đại, khi mà tên lửa chống tàu đã trở thành vũ khí chủ lực trong nhiệm vụ diệt tàu. Vì thế một chiếc tàu, với trang bị mạnh nhất là pháo cỡ 76,2mm có vị trí như thế nào trong tác chiến ở Biển Đông?

Trên lý thuyết, tàu pháo TT-400TP có thể thực hiện 4 nhiệm vụ:

- Tiêu diệt tất cả tàu chiến đổ bộ và tàu hộ tống của địch
- Bảo vệ căn cứ và các tàu đổ bộ, tàu hộ tống, tàu bảo đảm chiến đấu, hỗ trợ hỏa lực cho tàu đổ bộ
- Bảo vệ tàu dân sự trên biển
- Ttrinh sát chiến thuật, cảnh giới mặt nước.

Tuy nhiên, thực tế, liệu tàu chiến đối phương mang tên lửa diệt hạm chống tàu bắn xa hàng trăm km có để cho tàu pháo, với tầm bắn xa nhất 15km tiếp cận để tiêu diệt không?

Trước hết, có một quan điểm, cho rằng tàu chiến hải quân có một số tính chất, tùy theo nhiệm vụ của chúng. Ví dụ như tính chất đối kháng diệt tàu, tính chất tấn công nhanh (đánh nhanh và bất ngờ, điển hình là các tàu phóng lôi trước đây và tàu tên lửa cao tốc hiện nay), tính chất hộ vệ (chiến đấu chống các tàu lớn, bảo vệ tàu bạn), tính chất khu trục (đánh chặn các tàu ngầm, tàu phóng lôi hay tàu cao tốc tên lửa), tính chất tuần tiễu, tính chất yểm trợ hỏa lực, dọn bãi đổ bộ … Lưu ý rằng cần phân biệt những tính chất này với tên gọi của các loại tàu. Ví dụ như tàu tên lửa cao tốc Project 1241.8/1241RE được xếp vào lớp tàu hộ vệ, nhưng có tính chất nổi trội là tấn công nhanh.

So sánh ở trên đây, chúng ta nhận thấy rằng tàu pháo TT-400TP không có những tính chất nổi trội về mặt tác chiến diệt tàu, không thể tấn công nhanh và bất ngờ tàu địch như tàu tên lửa cao tốc, không có khả năng chống ngầm, không thể hộ tống các đoàn tàu vận tải, tàu bảo đảm một cách có hiệu quả trước những tàu địch trang bị mạnh… TT-400TP chỉ thể hiện được khả năng của mình trong nhiệm vụ tuần tiễu và yểm trợ hỏa lực trong tác chiến đổ bộ.

Thực tế thì các loại vũ khí của TT-400TP như pháo AK-176, pháo phòng không AK-630 đều là trang bị tiêu chuẩn trên các tàu chiến mới của Hải quân Nhân dân Việt Nam như Gepard. Nhưng ưu thế của TT-400TP so với các tàu chiến kể trên đó là giá thành. Một chiếc TT-400TP được sản xuất trong nước có giá gần 1 triệu USD, trong khi các tàu Gepard hay Project 1241.8 Molniya có giá từ hàng chục đến cả trăm triệu USD.
Công nhân nhà máy Z173 lắp pháo AK-630 lên tàu TT-400TP.

Đầu tiên, trong nhiệm vụ tuần tiễu, đặc biệt là tuần tra kiểm soát mặt biển, bảo vệ chủ quyền, tàu TT-400TP cũng có những ưu thế nhất định.

Các tàu tên lửa của Hải quân Nhân dân Việt Nam như Gepard 3.9 hay Project 1241.8 Molniya, Project 1241RE Taratul có số lượng quá ít để kiểm soát một vùng biển rộng hơn 1 triệu km2. Còn các tàu vận tải thông thường thiếu đi hệ thống trinh sát mặt biển, khả năng chịu sóng to gió lớn.

Với dự trữ hành trình dài (hoạt động liên tục trên biển 30 ngày, so với tàu Project 1241.8/1241RE chỉ có 10 ngày), chịu được sóng gió, cùng khả năng trinh sát, phát hiện mục tiêu bằng radar, TT-400TP là phương tiện tuần tra hiệu quả cao nhất. Tàu có thể phối hợp cùng các tàu của Cảnh sát Biển làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, hỗ trợ ngư dân.

Trong nhiệm vụ này, chỉ cần pháo AK-176 76,2mm là đủ để răn đe có hiệu quả những tàu nước ngoài lăm le xâm phạm mà không cần đến những tàu chiến hiện đại mang tên lửa diệt hạm. Nếu Việt Nam sản xuất được số lượng lớn tàu TT-400TP, thì có thể duy trì sự hiện diện liên tục của các lực lượng bảo vệ chủ quyền trên biển.
Pháo hạm AK-176 của TT-400TP sẽ rất hữu hiệu trong yểm trợ hỏa lực đổ bộ đường biển. Ảnh minh họa

Đối với nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực đổ bộ (trong chiến dịch đổ bộ đường biển), tàu TT-400TP với giá thành rẻ và số lượng lớn sẽ tạo ra được hỏa lực dày đặc với mật độ cao quét sạch ổ đề kháng tạo điều kiện cho đơn vị cơ giới và binh lính đánh chiếm bờ biển.

Trong khi đó, hộ vệ tàng hình Gepard hay tàu tên lửa cao tốc sẽ tập trung “chuyên môn” vào việc diệt tàu chiến mặt nước đối phương, bảo vệ đội tàu đổ bộ và TT-400TP.

Còn trong tác chiến đối hải, tàu pháo TT-400TP có thể không phải là vũ khí hiệu quả trong tấn công mục tiêu mặt nước, nhưng là vũ khí hiệu quả khi phòng không trong biên đội tàu chiến.

Hải quân Nhân dân Việt Nam đã có truyền thống trong việc sử dụng tàu pháo đánh trả mục tiêu đường không trong kháng chiến chống Mỹ. Tiêu biểu là các tàu pháo K-210A 79 tấn hay K-62 100 tấn với những trang bị thô sơ (pháo 37mm, đại liên 14,5mm) vẫn bắn hạ được các máy bay hiện đại của Mĩ.

Vì vậy, với tàu TT-400TP hiện đại được trang bị vũ khí pháo điều khiển tự động, có radar dẫn bắn, trang bị cả tên lửa phòng không tầm thấp thì khả năng tiêu diệt mục tiêu là rất cao.
Pháo phòng không AK-630 của nhiều tàu TT-400TP hợp thành màn "lưới lửa" đánh chặn mọi tên lửa chống tàu đối phương. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, đối tượng tác chiến chính của phòng không hạm tàu của Hải quân Việt Nam hiện nay không phải máy bay, mà là tên lửa hành trình chống tàu.

Trong bối cảnh ta chưa có những vũ khí phòng không tầm trung – xa (như tên lửa 9M317 Shtil hay S-300F) thì chiến thuật phòng không cơ bản vẫn là tận dụng tối đa hỏa lực pháo và tên lửa của các tàu trong biên đội, mà đặc biệt là pháo phòng không cao tốc AK-630 để dựng màn đạn đánh chặn tên lửa diệt hạm của đối phương.

Khi đó, hỏa lực pháo tàu của TT-400TP lại rất đắc dụng, vì có giá thành rất rẻ, dễ dàng sản xuất với số lượng lớn, để đi cùng biên đội tàu chiến đấu, làm nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực phòng không, sử dụng nhiều tàu để bảo vệ số tàu chiến chủ lực ít ỏi như Gepard hay Project 1241.8/1241RE.

Có thể nói rằng, sức mạnh của tàu pháo TT-400TP không nằm ở hỏa lực của mình tàu, mà nằm trong thế trận phòng không toàn biên đội, nơi mà các tàu pháo, tàu tên lửa, khinh hạm yểm hộ chặt chẽ cho nhau.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Doãn Chí Bình

Bình luận(0)