Sự xuất hiện của tàu ngầm đã có ảnh hưởng lớn lao đến sự phát triển tiếp theo của tất cả hải quân các nước trên thế giới. Các nước buộc phải tính đến một lớp trang bị kỹ thuật mới trong chiến thuật và chiến lược, còn các kỹ sư thì phải nghiên cứu để tìm ra vũ khí chuyên dùng mới để tiêu diệt tàu ngầm đối phương. Loại vũ khí đầu tiên cho phép tiêu diệt tàu ngầm đối phương đang lặn là bom chống ngầm. Vào cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ 1 một số quốc gia đã nghiên cứu được một số phương án của loại vũ khí này và tích cực sử dụng chúng.
Ở nước Nga, bom chống ngầm đã không được quan tâm đúng mức một thời gian. Đầu tiên giới quân nhân đã không để ý đến loại vũ khí như vậy, về sau đã xuất hiện những nguyên nhân khác mà do đó Hải quân trong một thời gian đã không có được các hệ thống vũ khí chống ngầm chuyên dụng. Việc sản xuất hàng loạt bom chống ngầm ở Nga chỉ được bắt đầu vào những năm đầu của thập kỷ 1930. Năm 1933 đã có hai loại bom chống ngầm được trang bị cho Hải quân Liên Xô BB-1 và BM-1. Nhìn chung chúng giống nhau, nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt khá rõ.
Bom lớn BB-1
Bom chống ngầm BB-1 (tên bom là viết tắt tiếng Nga “Bom lớn, mẫu thứ nhất”) có kết cấu hết sức đơn giản đặc trưng cho các hệ thống tương tự thời kỳ đó. Đầu đạn là một thùng kim loại dài 712 mm với đường kính 430 mm, chứa đầy trotil (thuốc nổ TNT). Bom nặng 165 Kg mang 135 Kg thuốc nổ. Phụ thuộc vào độ sâu lượng thuốc nổ như vậy đảm bảo chắc chắn tiêu diệt mục tiêu ở cự li từ 5 đến 20 mét. Ở nắp trên của “thùng” có chỗ lắp kíp nổ.
Thoạt đầu, các kĩ sư dùng kíp nổ có cơ cấu đồng hồ VGB (ngòi nổ thủy tĩnh, ngòi nổ bom chống ngầm). Việc sử dụng kíp nổ đồng hồ cho phép kích nổ bom ở độ sâu cho trước (có sai số nhất định). Độ sâu lớn nhất dùng bom BB-1 với kíp nổ VGB lên tới 100 mét.
|
Sơ đồ cấu tạo bom chống ngầm BB-1.
|
Giống như các bom chống ngầm cùng thời kỳ này, BB-1 phải được sử dụng cùng với thiết bị ném bom để ở đuôi hoặc mạn tàu và xuồng. Thiết bị ném bom ở đuôi (tàu/xuồng) là một khung đặt nghiêng có ray và cơ cấu giữ và thả bom. Loại bên mạn (tàu/xuồng) là hệ thống để giữ bom có ray nhỏ để thả bom qua mạn. Theo lệnh của người điều khiển, bom được tách khỏi thiết bị giữ và lăn xuống sau phần đuôi tàu/xuồng. Bom chống ngầm BB-1 có hình trụ chìm xuống với tốc độ không quá 2,5 m/ giây. Như vậy, nó chìm đến độ sâu lớn nhất không ít hơn 40 giây, điều này làm phức tạp việc tấn công tàu ngầm địch.
Tuy nhiên, VGB không làm giới quân nhân hài lòng hoàn toàn. Do sử dụng cơ cấu đồng hồ nên bộ phận nổ này không đủ độ tin cậy và an toàn khi sử dụng. Ngoài ra độ sâu lớn nhất 100 mét có thể là không đủ để tấn công tàu ngầm thời kỳ đó, mà trước hết là tàu ngầm của Đức đã xuất hiện cuối những năm 1930.
Để khắc phục tình trạng này, năm 1940, các kĩ sư đã nghiên cứu chế tạo kíp nổ thủy tĩnh mới K-3. Thay cho cơ cấu đồng hồ khá phức tạp kíp nổ này dùng màng mỏng đàn hồi và cần đẩy, ở độ sâu nhất định những chi tiết này sẽ mồi lửa cho thuốc phóng trong kíp đạn đặt cự li. Kíp nổ mới cho phép tăng độ sâu nổ lớn nhất đến 210 mét.
|
Máy phóng bom cần đẩy BMB-1.
|
Năm 1940, Liên Xô đã tự chế tạo thiết bị phóng bom đầu tiên. Phòng thiết kế SKB-4 (Phòng thiết kế đặc biệt số 4) Leningrad do B. I. Savyrin lãnh đạo lãnh đạo đã nghiên cứu chế tạo máy phóng bom cần đẩy BMB-1 – hay có thể gọi là súng cối phóng bom. Đạn của khẩu cối này là bom BB-1, bên thành bom này có gắn cần đẩy chuyên dụng. Máy phóng bom BMB-1 có thể phóng bom đi xa 40, 80 hoặc 110 mét nhờ thay đổi liều thuốc phóng.
Dù đã có máy phóng bom cần đẩy BMB-1, trong thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại bom BB-1 chủ yếu vẫn được sử dụng “theo truyền thống” cùng với thiết bị ném bom. Phương pháp này làm cho có một khoảng thời gian ngắn mất tiếp xúc âm thanh với tàu ngầm địch, tuy nhiên lại cho phép “rải” bom trên một vùng khá rộng. Ngoài ra, các thiết bị ném bom có ray sử dụng rất đơn giản.
Năm 1951, Hải quân Liên Xô được trang bị máy phóng bom BMB-2. Vũ khí này là súng cối cỡ nòng 433 mm, có thể phóng bom chống ngầm đi xa 40, 80 hoặc 110 mét (cự li bắn thay đổi khi đặt nòng cối vào một trong ba góc nghiêng thay đổi). Đạn của hệ thống này đầu tiên định là bom chống ngầm BB-1, kích thước bao hình và trọng lượng đạn đã được tính đến khi thiết kế. Tuy nhiên, tính năng của “quả bom lớn” vào cuối những năm 1940 đã không đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của giới quân sự. Vì vậy không lâu sau, người Nga đã nghiên cứu chế tạo bom chống ngầm BPS, nó đã dần thay thế BB-1 làm đạn cho súng phóng bom BMB-2.
|
Máy phóng bom BMB-2.
|
Bom nhỏ BM-1
Cùng với “Bom lớn mẫu thứ nhất”, Hải quân Liên Xô đã được trang bị “Bom nhỏ mẫu thứ nhất” BM-1. Cả hai loại bom này giống nhau về kết cấu, nhưng khác nhau về kích thước bao hình, trọng lượng và chỉ số chất lượng chiến đấu. Bom BM-1 có thân đường kính 252 mm và dài 450mm. Với trọng lượng 41kg, BM-1 chỉ mang 25kg TNT, do đó bán kính sát thương không quá 4-5 mét. Tốc độ chìm xuống nước không quá 2,5 m/giây.
Cả hai loại bom chống ngầm mẫu năm 1933 lúc đầu đều được lắp ngòi nổ VGB , đến năm 1940 ngòi nổ này được thay bằng ngòi nổ K-3 mới và hoàn thiện hơn. Do có kích thước nhỏ và sức công phá nhỏ hơn nên bom chống ngầm BM-1 được coi là phương tiện chống ngầm phụ trợ, cũng như được dùng làm vũ khí cho các tàu tốc độ nhỏ và xuồng, những phương tiện không đủ tốc độ để thoát ra khỏi vùng sóng xung kích của BB-1. Ngoài ra, “bom nhỏ” trở thành công cụ phá mìn để kích nổ thủy lôi âm thanh của đối phương.
|
Bom nhỏ BM-1.
|
Đạn cho hệ thống phóng bom RBU
Ngay trước khi kết thúc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, bom BM-1 đã là cơ sở cho đạn chống tàu ngầm mới. Năm 1945, hệ thống phóng bom phản lực đầu tiên sản xuất trong nước RBU đã được trang bị cho Hải quân Liên Xô. Nó được dùng để phóng bom nổ ở độ sâu lớn RBM.
RBM thực chất là quả bom BM-1 có lắp khối phía đuôi. Trong phần hình trụ của khối đuôi có lắp đặt động cơ phản lực nhiên liệu rắn và cái giữ ổn định hình vòng tròn. Thông số “phần đầu đạn” chính là bom BM-1 vẫn như cũ. Tổng trọng lượng của RBM lên tới 56kgg, dùng ngòi nổ thủy tĩnh K-3. Khác với các bom chống ngầm sản xuất trong nước trước đó, RBM rơi xuống nước với đuôi vòng tròn đi trước và lặn xuống có gia tốc nhất định. Nhờ đó tốc độ lặn xuống tăng lên đến 3-3,2 m/ giây.
|
Hệ thống phóng bom RBU.
|
Năm 1953, hệ thống phóng bom RBU được trang bị loại đạn mới tính năng cao hơn. Bom RGB-12 có chiều dài tổng 1.240 mm và đường kính thân 252 mm. Với tổng trọng lượng 71,5kg nó mang được 32kgg chất nổ, đảm bảo tiêu diệt mục tiêu trong bán kính 6 mét. Bom được lắp ngòi nổ thủy tĩnh phức hợp K-3M cho phép tấn công mục tiêu ở độ sâu đến 330 mét. Nhờ chóp mũi mà tốc độ lặn xuống của RGB-12 đạt tới 6-8 m/giây. Lượng nhiên liệu rắn lớn hơn của động cơ cho phép bom bay xa được 1.200-1.400 m. Loạt phóng 8 quả RGB-12 (hai bệ phóng bom RBU) cho phép “chùm lên” vùng hình êlíp có kích thước 70x120 m.
RGB-12 là bom thành công, tuy nhiên tính năng của bệ phóng bom RBU thì còn cần được nâng lên tốt hơn. Kết quả là vào giữa những năm 1950 Hải quân Liên Xô đã nhận được bệ phóng bom mới RBU-1200 Uragan (Cuồng phong), cho phép thực hiện khả năng hiệu quả hơn.
|
Bệ phóng bom RBU-1200 với bom chống ngầm RGB-12.
|
Bom chống ngầm B-30
Trước khi RBU-1200 Uragan xuất hiện, từ năm 1949, Liên Xô đã thử nghiệm thành công hệ thống phóng bom mới MBU-200 do các nhà thiết kế của SKB MV nghiên cứu chế tạo dưới sự lãnh đạo của B. I. Shavyrin. Hệ thống này dựa trên ý tưởng được lấy từ dự án Mk 10 Hedgehog của Anh. MBU-200 có bộ phận phóng là 24 thanh dẫn hướng đặt nghiêng để bắn bom B-30.
Bom chống ngầm B-30 có phần đầu hình trụ có chụp tạo mũ thủy động giảm cản và phần đuôi chứa liều thuốc phóng. Đầu đạn trọng lượng hơn 30kg mang phần nổ nặng 13kg. Cái mới của dự án MBU-200/B-30 là ngòi nổ va đập. Bom sẽ nổ không ở độ sâu cho trước, mà khi nó va chạm vào vật thể cứng, trước hết là vào tàu ngầm của địch. Theo một số nguồn tin, người ta đã chọn độ nhạy của ngòi nổ sao cho khi một bom phát nổ thì 23 quả còn lại (trong loạt phóng) cũng sẽ phát nổ.
|
Thủy thủ lắp bom B-30 và bệ phóng bom MBU-200.
|
Tầm phóng của bom B-30 đạt tới 200 mét. Việc điều chỉnh góc nghiêng các thanh dẫn một cách độc lập cho phép “rải” toàn bộ 24 quả bom vào một vùng có hình êlíp dài 30-40m, rộng 40-50m. Khi chọn đúng góc nghiêng thanh dẫn và thời điểm phóng các ngòi nổ tiếp xúc đảm bảo ít nhất làm hư hại nặng tàu ngầm địch.
Năm 1955, Liên Xô đưa vào trang bị hệ thống phóng bom MBU-600 được phát triển dựa trên MBU-200. Đạn B-30 được thay thế bằng biến thể B-30M tốt hơn, có đường kính nhỏ hơn và các chụp tạo mũ thủy động giảm cản mới. Vỏ của phần ống đuôi gồm một số chi tiết hình trụ có hình dáng gần với hình chóp. Phần đuôi có thiết bị ổn định hình vòng tròn cho phép tăng cự li phóng bom. Việc hoàn thiện thân đã tăng lượng thuốc nổ của bom B- 30M lên tới 14,4 Kg, bom vẫn dùng ngòi nổ tiếp xúc.
|
Bệ phóng bom MBU-600.
|
Ngoài ra, bộ phận phóng bom cũng được gia cường. Các thay đổi này được thực hiện vì liều phóng đã tăng lên cho phép đạt cự li phóng xa nhất đến 640 mét. 24 bom của loạt phóng chùm lên vùng hình êlíp có kích thước 80x45 mét.
Lưu ý, B-30M là loại bom cuối cùng sản xuất trong nước Nga dùng liều phóng. Bắt đầu từ hệ thống RBU và bom chống ngầm RGB-12, tất cả các hệ thống phóng bom chống ngầm sản xuất tại Nga hoàn toàn chỉ sử dụng các bom phản lực.