Kho đạn xe chiến đấu bộ binh BMP-1 Việt Nam có gì?

Google News

(Kiến Thức) - Pháo nòng trơn 2A28 Grom trên xe chiến đấu bộ binh BMP-1 có thể bắn các đạn giống như súng không giật SPG-9, cũng như các đạn cho riêng mình.

Xe chiến đấu bộ binh BMP-1 là lực lượng chủ lực trong các trung đoàn bộ binh cơ giới Việt Nam hiện nay. Đây là loại xe chiến đấu bộ binh (BMP - Boyevaya Mashina Pekhoty) đầu tiên trên thế giới, do Liên Xô chế tạo. Khi ra đời vào thập niên 1960, BMP-1 đã gây bất ngờ lớn cho phương Tây.
Hỏa lực chính của BMP-1 là pháo nòng trơn 2A28 Grom cỡ 73mm, bắn các đạn giống như súng chống tăng không giật SPG-9 Kopye. Với bộ binh đi bộ (mang vác), SPG-9, hay các loại súng chống tăng không giật (DKZ) nói chung là hỏa lực cấp tiểu đoàn và trung đoàn bộ binh. Nhưng với bộ binh cơ giới, mỗi tiểu đội đều có một xe BMP-1 mang pháo 2A28. Có thể nói, uy lực và sức chiến đấu của bộ binh cơ giới trên xe BMP-1 là rất cao.
Kho dan xe chien dau bo binh BMP-1 Viet Nam co gi?
 Xe chiến đấu bộ binh BMP-1 duyệt binh trên quảng trường Ba Đình, với pháo nòng trơn 2A28 Grom và đạn tên lửa chống tăng có điều khiển Malyutka.
Tuy nhiên, do đặc thù là pháo cơ động trang bị trên xe, nên 2A28 là không phải là pháo không giật, mà là giật nhẹ. Đạn pháo cũng có lượng chất đẩy ít hơn. Cơ số đạn pháo 2A28 gồm 40 viên, thường gồm 24 viên đạn lõm chống tăng (HEAT) và 16 đạn nổ phá mảnh (Frag-HE).
Đạn lõm chống tăng (HEAT) PG-9 và PG-15
Các đạn lõm chống tăng là vũ khí chính của pháo 2A28 trên xe chiến đấu bộ binh BMP-1 chuyên sử dụng cho nhiệm vụ chống tăng và chống công sự kiên cố.
2A28 có thể bắn các đạn PG-9 (sử dụng cho SPG-9) như PG-9V, PG-9VS, PG-9VNT, PG-9N. Đầu đạn PG-9 sử dụng kíp nổ điện, thân đạn có 6 cánh ổn định đường đạn, tăng độ chính xác khi bắn chống tăng.
Kho dan xe chien dau bo binh BMP-1 Viet Nam co gi?-Hinh-2
 Phân đội bộ binh cơ giới sử dụng xe BMP-1 diễn tập tiến công địch.
Trong đó:
- Đạn PG-9V mang đầu đạn 322g thuốc nổ RDX, sử dụng ngòi nổ VP-9, có sơ tốc đầu đạn 435m/s, tầm bắn hiệu quả 800m, sức xuyên giáp 300mm giáp RHA
- Đạn PG-9VS có tầm bắn hiệu quả xa hơn đạt 1.300m, sức xuyên giáp mạnh hơn đạt 400mm giáp RHA
- Đạn PG-9VNT mang đầu đạn đúp tandem để chống lại giáp phản ứng nổ ERA, sơ tốc đầu đạn giảm xuống 400m/s, tầm bắn hiệu quả giảm xuống 700m, sức xuyên giáp đạt 400mm sau giáp ERA.
- Đạn PG-9N mang đầu đạn chứa 340g thuốc nổ OKFOL, sơ tốc đầu đạn và tầm bắn tương đương PG-9V, song sức xuyên giáp tăng lên 400mm giáp RHA.
Bên cạnh các đạn cũ PG-9, pháo 2A28 còn sử dụng đạn PG-15V nặng 3,47kg. Đây là đạn có trợ lực tên lửa, phù hợp với đặc thù của pháo trên xe. Ban đầu, sơ tốc đầu đạn đạt 400m/s như các đạn PG-9, nhưng sau khi đạn rời nòng pháo 10-20m thì động cơ tên lửa sẽ khởi động và tăng tốc đạn lên đến 700m/s.
Đạn nổ phá mảnh OG-9 và OG-15
Bên cạnh các đạn lõm chống tăng, xe chiến đấu bộ binh BMP-1 cũng sử dụng các đạn nổ phá mảnh để chống bộ binh và công sự bán kiên cố. Ban đầu, pháo 2A28 sử dụng các đạn OG-9 cũ của SPG-9, như OG-9V, OG-9VM, OG-9VM1, sử dụng ngòi nổ kiểu GO-2 hoặc O-4M.
Kho dan xe chien dau bo binh BMP-1 Viet Nam co gi?-Hinh-3
 Chuyển đạn tên lửa chống tăng Malyutka lên xe BMP-1. Ảnh: quansuvn.net
So với các đạn PG-9 chống tăng, đạn OG-9 có đầu đạn mang nhiều thuốc nổ hơn, sơ tốc đầu đạn nhỏ hơn và có tầm bắn xa hơn. Đạn OG-9V mang 735g thuốc nổ TNT, sơ tốc đầu đạn 316m/s, đầu nổ có bọc thép để tạo mảnh văng. Đạn OG-9VM mang 655g thuốc nổ TD-50. Tầm bắn tối đa của các đạn OG-9 là khoảng 4.000-4.500m.
Kể từ năm 1974 thì 2A28 có thêm đạn OG-15V nặng 4,57kg, mang 730g thuốc nổ TNT.
Điểm đặc biệt của 2A28, chính là pháo có thể bắn các đạn của riêng mình, cũng như các đạn dùng chung với SPG-9. Trong bối cảnh xe chiến đấu bộ binh BMP-1 được sử dụng rộng rãi với số lượng rất lớn trong Hồng quân Liên Xô, thì việc pháo có thể bắn chung đạn với súng không giật của bộ binh đi bộ là điều rất quan trọng, giảm nhiều gánh nặng cho lực lượng hậu cần.
Cũng cần lưu ý, tuy 2A28 không có khả năng bắn tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) qua nòng pháo, nhưng BMP-1 cũng được trang bị 4 đạn chống tăng có điều khiển 9M14 Malyutka (bệ phóng gắn trên tháp pháo) rất tiên tiến vào thời đó.
Thanh Hoa

Bình luận(0)