Xứ sở mặt trời mọc sở hữu nền công nghiệp đóng tàu phát triển hàng đầu thế giới. Không ngạc nhiên khi Nhật Bản luôn cho ra đời những sản phẩm có chất lượng cao.
Một trong những sản phẩm tàu chiến “đẳng cấp thế giới” đó có thể kể đến là tàu ngầm điện - diesel lớp Soryu. Tàu được thiết kế và chế tạo bởi Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi và Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Kawasaki cho Lực lượng phòng vệ mặt biển Nhật Bản (JMSDF).
Chiếc đầu tiên được khởi đóng vào tháng 3/2005, hạ thủy tháng tháng 12/2007 đưa vào sử dụng từ tháng 10/2009. Chiếc này mang số hiệu SS-501 Soryu, tên của nó được đặt theo tên của tàu sân bay Soryu trong chiến tranh thế giới thứ 2.
Sau chiếc đầu tiên, giai đoạn 2010-2012, quân phòng vệ mặt biển Nhật Bản được tiếp nhận thêm 3 chiếc nữa. Dự kiến, trong năm 2013, chiếc thứ 5 sẽ được đưa vào trang bị.
|
Tàu ngầm tấn công chạy động cơ điện - diesel lớp Soryu. |
Thiết kế
Tàu ngầm điện - diesel Soryu là một thiết kế thủy động lực học dựa trên tàu ngầm điện-diesel lớp Oyashio. Soryu có lượng choán nước lớn nhất trong biên chế hạm đội tàu ngầm Nhật Bản, 2.900 tấn (khi nổi) và 4.200 tấn (khi lặn). Tàu có chiều dài 84m, chiều rộng 9,1m, mớn nước 8,5m.
Vỏ tàu được làm bằng thép cường độ cao và bao phủ bằng lớp ngói không phản xạ sóng âm thanh để làm giảm và bóp méo tín hiệu của các hệ thống định vị thủy âm dùng để phát hiện tàu ngầm. Nội thất của tàu được thiết kế với khả năng cách âm tốt nhằm ngăn âm thanh từ các hoạt động bên trong tàu lọt ra ngoài.
Tàu ngầm Soryu thiết kế với 2 cánh ổn định ở 2 bên tháp chỉ huy, đuôi tàu được trang bị hệ thống bánh lái hình chữ X. Thiết kế này được đánh giá giúp tàu ngầm cơ động hơn.
|
Tàu ngầm lớp Soryu trang bị hệ thống AIP hiện đại. |
Soryu là tàu ngầm động cơ điện - diesel đầu tiên của Hải quân Nhật Bản được trang bị hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập AIP.
Động cơ đẩy không khí độc lập (Air-independent propulsion) là giải pháp công nghệ phi hạt nhân giúp động cơ tàu ngầm có thể hoạt động mà không cần phải nổi lên mặt nước hay sử dụng ống thông khí để hoạt động. Hệ thống động lực AIP giúp tàu ngầm hoạt động lâu hơn dưới nước, giảm tiếng ồn khi hoạt động so với động cơ thường.
Tàu ngầm Soryu được trang bị 4 động cơ AIP chu trình đóng Stirling, đây là một loại động cơ nhiệt hoạt động bằng cách nén vòng oxy lỏng và nhiên liệu diesel. Nó bao gồm 2 xy lanh chứa nhiên liệu lỏng, một được duy trì ở nhiệt độ cao, một được duy trì ở nhiệt độ thấp. Hai xy lanh được nối thông với nhau, sự chênh lệch về nhiệt độ và áp suất giữa 2 xy lanh tạo nên quá trình nén và xả trong một chu trình khép kín nên được gọi là động cơ chu trình đóng.
Ngoài ra, tàu còn được trang bị thêm 2 động cơ diesel Kawasaki 12V25/25SB cùng với 2 động cơ điện chính để cung cấp điện năng cho tàu. Hệ thống động lực này giúp tàu đạt tốc độ 23,4km/h (khi nổi) và 36km/h (khi chìm), tầm hoạt động tối đa tới 11.300km (nếu chỉ chạy với tốc độ 12km/h).
Hệ thống điện tử và vũ khí
Tàu ngầm lớp Soryu được trang bị hệ thống điện tử rất hiện đại với khả năng tự động hóa cao, gồm: radar trinh sát mặt nước ở độ cao thấp ZPS-6F; hệ thống định vị thủy âm Hughes/Oki ZQQ-7 bao gồm 1 gắn ở phía trước mũi tàu, 4 gắn ở sườn tàu và 1 hệ thống kéo rê phía sau; hệ thống chiến tranh điện tử ZLR-3-6; hệ thống phóng mồi bẫy đối phó với ngư lôi.
Soryu được vũ trang 6 ống phóng ngư lôi HU-606 533mm có thể dùng để phóng ngư lôi Type 89 và tên lửa hành trình chống tàu UGM-84 Harpoon.
|
Tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm UGM-84. |
Trong đó, Type 89 là loại ngư lôi dẫn hướng bằng dây dẫn có thể hoạt động ở chế độ chủ động hoặc thụ động, tầm bắn trên 50km, tốc độ tối đa trên 130km/h. Còn tên lửa hành trình chống tàu UGM-84 có tầm bắn tới 124km dùng để công kích các mục tiêu tàu mặt nước.
Chương trình tàu ngầm lớp Soryu được lên kế hoạch đóng mới 9 chiếc, 4 chiếc đã đi vào hoạt động. Khi hội tụ đủ đội hình, hạm đội tàu ngầm Nhật Bản vốn đã đáng sợ nay còn đáng sợ hơn với tàu ngầm AIP Soryu.
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN: