J-16 kết hợp KJ-500 Trung Quốc có kiểm soát được Biển Đông?

Google News

(Kiến Thức) - Chuyên gia Trung Quốc cho rằng với sự kết hợp giữa tiêm kích J-16 và máy bay cảnh báo KJ-500 sẽ giúp làm chủ Biển Đông, nhưng thực tế không hề đơn giản.

Tuần trước, một sĩ quan quân đội cao cấp của Trung Quốc đã tiết lộ về kế hoạch kiểm soát “không-hải chiến” trên khu vực Biển Đông.
Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước Trung Quốc, khi được hỏi về “con át chủ bài” trong việc thiết lập kiểm soát không phận trên vùng Biển Đông, Đại tá Du Wenlong - một nhà nghiên cứu cao cấp của Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc cho rằng: “Sự hợp tác chặt chẽ giữa các tiêm kích và máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm đường không (AEW&C) sẽ cho phép Trung Quốc làm chủ cuộc chơi trong việc kiểm soát “không-hải chiến” trên toàn bộ Biển Đông”.
 Ảnh minh họa.
Cụ thể ông Du cho rằng, sự kết hợp giữa các dòng máy bay chiến đấu như J-10, J-11, J-16, KJ-2000 và KJ-200 sẽ giúp Không quân Trung Quốc (PLAAF) kiểm soát các mục tiêu của đối phương trong một không phận mở rộng thông qua khả năng không đối không và không đối hải mạnh mẽ.
Ông Du nhấn mạnh rằng, một khi Trung Quốc đã kiểm soát được không phận họ có thể áp đặt quyền kiểm soát trên toàn bộ Biển Đông bằng cách sử dụng các máy bay với khả năng tấn công không đối hải kết hợp với hạm đội tàu ngầm và tàu chiến mặt nước.
Trong vấn đề kiểm soát không phận Biển Đông, ông Du nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tiêm kích J-16 bởi vì nó được thiết kế đặc biệt cho nhiệm vụ không đối không đối hải - đối đất, hay nói cách khác J-16 là một máy bay đa chức năng có thể thực hiện nhiều vai trò cho PLAAF trên Biển Đông trong cùng một nhiệm vụ.
Thực chất, J-16 là một bản sao của tiêm kích đa năng Su-30MK2 mà Trung Quốc đã mua từ Nga khoảng một thập kỷ trước. Trung Quốc muốn sử dụng J-16 như là “một điểm tựa” cho lực lượng không quân hải quân của mình.
Một vấn đề quan trọng khác trong việc kiểm soát không phận Biển Đông được ông Du nhấn mạnh là việc đầu tư các máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy đường không (AEW&C) tiên tiến cung cấp khả năng giám sát không đối không đối hải/đối đất được trang bị các công nghệ cảnh báo sớm có độ chính xác cao và phạm vi trinh sát lớn hơn so với các máy bay AEW&C hiện có của Trung Quốc.
 J-16 chỉ là mẫu tiêm kích sao chép từ Su-30MK2 của Nga.
Trong một môi trường như vậy, Trung Quốc sẽ kiểm soát không phận Biển Đông thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa máy bay AEW&C và tiêm kích J-16 cùng với sự hỗ trợ đắc lực của hải quân. Gần đây đã xuất hiện một loại máy bay AEW&C mới được chỉ định là KJ-500 chính là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng này.
Tuy vậy, trong kế hoạch đầy tham vọng để kiểm soát không phận Biển Đông theo như ông Du trình bày hoàn toàn không phải là điều đơn giản. Mặc dù, Quân đội Trung Quốc gần đây đang được hiện đại hóa với tốc độ chóng mặt nhưng quân đội các nước trong khu vực hoàn toàn không phải “giậm chân tại chỗ.
Rất nhiều vũ khí hiện đại đã xuất hiện trong biên chế quân đội các nước Đông Nam Á như tiêm kích Su-30MK2 của Việt Nam hay tối tân hơn là Su-30MKM của Malaysia, tiêm kích F-15SG của Singapore - loại tiêm kích thứ 2 ở châu Á được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động AESA.
Những tiêm kích trên sẽ là thách thức vô cùng lớn đối với J-16, trong khi đó bản thân J-16 là một sản phẩm sao chép từ Su-30MK2 của Nga nên chắc chắn sẽ có những hạn chế về công nghệ so với nguyên bản.
 Máy bay tiếp dầu H-6U của Trung Quốc được thiết kế chủ yếu tiếp nhiên liệu cho tiêm kích J-10A và J-8II, không thể cho tiêm kích Sukhoi "bú sữa. Vì vậy, nhiều khả năng tiêm kích J-16 khó có thể thực hiện tiếp nhiên liệu từ H-6U.
Bên cạnh đó là sự bất lợi về mặt địa lý của biên đội KJ-500 và J-16 so với các nước trong khu vực. Phi đội chiến đấu của Trung Quốc sẽ phải hoạt động trên một quảng đường rất dài và lúc nào cũng cần có những máy bay tiếp dầu đi kèm theo. Mà hiện tại, nước này chỉ có những chiếc tiếp dầu H-6U cải tiến từ máy bay ném bom với khả năng mang nhiên liệu hàng không hạn chế.
Như vậy, J-16 sẽ phải gánh thêm một nhiệm vụ nữa là hộ tống cho chính phi đội của nó trước khi có thể nghĩ đến nhiệm vụ kiểm soát không phận Biển Đông, hoặc nó phải huy động thêm những tiêm kích khác làm nhiệm vụ hộ tống kéo theo cả một phi đội lớn trên Biển Đông. Điều này tiếp tục đè nặng thêm gánh nặng tiếp nhiên liệu trên không vốn đã “yếu đuối”.
Trong khi đó, kinh nghiệm trong chiến tranh cho thấy, việc sử dụng các tiêm kích nhanh nhẹn đột kích tốc độ cao vào đội hình chiến đấu của đối phương mang lại hiệu quả rất cao trong việc phá hoại đội hình chiến thuật và buộc chúng phải từ bỏ nhiệm vụ.
Việc kiểm soát không phận Biển Đông hoàn toàn không phải là điều “có thể làm dễ dàng” như những gì mà ông Du đã đề cập trong bài phát biểu của mình. Du Wenlong là một nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc (AMS).
Tổ chức này có khoảng 500 nhà nghiên cứu chuyên soạn thảo các báo cáo cho lãnh đạo quân sự cấp cao Trung Quốc cũng như soạn thảo những kế hoạch cho chiến lược quốc phòng của Trung Quốc và phát hành sách trắng quốc phòng hàng năm.
Bình Đức

Bình luận(0)