Hé mở con đường phát triển các tuần dương hạm...mặt đất

Google News

(Kiến Thức) - Những đoàn tàu hỏa chiến đấu bọc thép trang bị pháo hạng nặng luôn là nỗi khiếp sợ trên khắp các chiến trường trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới.

Những đoàn tàu hỏa chiến đấu bọc thép luôn được xem là một trong những loại vũ khí chủ lực của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Và chúng vẫn còn được Quân đội Nga sử dụng cho đến ngày nay, với vai trò như là một vũ khí răn đe hạt nhân chiến lược.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, mặt trận phía đông giữa Phát xít Đức và Hồng quân Liên Xô luôn là chiến trường cam go nhất. Với các khu vực chiến sự không cố định và trải dài trên một khu vực rộng lớn, việc giáp mặt với đối phương trên chiến trường có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Một đoàn tàu bọc thép của Đức với trang bị gồm pháo hạng nặng, đi kèm với pháo phòng không.
Mặt khác, phương tiện vận chuyển chủ yếu của Hồng quân lúc đó là hệ thống đường sắt trải dài khắp nước Nga. Chính vì vậy việc duy trì những đoàn tàu hỏa chiến đấu bọc thép luôn là ưu tiên hàng đầu của Hồng quân, vừa nhằm bảo vệ các tuyến đường vận chuyển binh lính và vũ khí cũng như đạn dược chạy khắp liên bang và cũng như tham gia trực tiếp vào các phòng tuyến chống lại các đợt tấn công của quân Đức.
"Cha đẻ" người Nga nhưng sinh ở Mỹ
Phiên bản đầu tiên của các đoàn tàu chiến đấu bọc thép xuất hiện không lâu sau khi ngành công nghiệp đường sắt bắt đầu phát triển mạnh trên toàn thế giới. Nó được chế tạo tại Pháp vào năm 1826, tuy nhiên phiên bản hỏa xa chiến đấu đích thực lại được đại tá Ivan Turchaninov chế tạo với trang bị chính gồm súng máy và pháo cỡ nhỏ. Ivan Turchaninov là một sĩ quan của Quân đội Đế quốc Nga nhưng khi di cư sang Mỹ ông tham gia vào quân đội Liên bang miền bắc trong nội chiến Mỹ 1861.
Trong cuộc bao vây thành phố Pittsburgh năm 1864, Ivan Turchaninov đã trở nên nổi tiếng với các đoàn tàu vũ trang với các súng cối cỡ nòng 13-inch có tầm bắn hiệu quả 4,5km với các viên đạn nặng 100kg.
Tàu bọc thép trang bị pháo được quân đội Liên Bang miền Bắc sử dụng trong Nội chiến Mỹ.
Các kỹ sư người Pháp là người đầu tiên đầu tiên trang bị lớp giáp bọc thép cho các đoàn tàu chiến đấu vào năm 1884 và dành được nhiều bước tiến đáng kể so với các phiên bản ban đầu. Trong cuộc chiến tranh Boer diễn ra từ năm 1899-1902, quân đội Anh cũng triển khai những đoàn tàu bọc thép để chống lại lực lượng du kích của người Nam Phi gốc Hà Lan.
Phát triển mạnh mẽ
Chiến tranh Thế giới thứ 1 nổ ra, vai trò của những đoàn tàu trên ngày càng được thể hiện một cách rõ nét hơn, khi các quốc gia tham chiến đều sở hữu cho mình một lực lượng tàu hỏa chiến đấu bọc thép nhất định. Sau khi quân đội Nga rút lui khỏi Chiến tranh Thế giới thứ 1, họ vẫn duy trì ít nhất 7 đoàn tàu bọc thép trong trang bị.
Trong Cách mạng tháng 10 Nga, lực lượng Hồng quân gồm tầng lớp công nhân và nông dân Nga lúc đó cũng đã sử dụng tàu hỏa như một loại vũ khí tấn công chống lại Quân đội Nga hoàng. Những đoàn tàu trên được chế tạo từ các đoàn tàu chở khách thông thường và bọc thép cũng như trang bị súng máy cùng với một số loại vũ khí cơ bản khác. Cho đến khi kết thúc cuộc Cách mạng vĩ đại, lực lượng Hồng Quân đã sở hữu 122 đoàn tàu bọc thép và các biến thế của nó với con số lên tới 400 chiếc.
Lực lượng tàu hỏa chiến đấu bọc thép đóng vai trò quan trọng trong thành công của Hồng Quân sau những năm 1917.
Không giống như các trang bị quân sự phức tạp mà Hồng quân có được từ Quân đội Nga hoàng, các đoàn tàu bọc thép vận hành khá đơn giản và chỉ cần những người điều khiển chúng có kinh nghiệm chinh chiến dày dặn thì hoàn toàn có thể vận hành tốt những đoàn tàu này trên chiến trường. Hồng quân lúc đó còn ví các đoàn tàu trên là tàu tuần dương hạm trên mặt đất.
Sau này Liên Xô vẫn tiến hành phát triển các mẫu tàu hỏa bọc thép mới cho đến khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 nổ ra. Tuy nhiên, những mẫu tàu hỏa bọc thép kế cận được phát triển mạnh mẽ mới hơn bao giờ hết ngoài những trang bị thông thường, chúng còn có khả năng phòng không và chiến thuật vận hành cũng được thay đổi.
Nhưng xét về mặt tổng thể thì những đoàn tàu chiến đấu bọc thép đang dần bị phai mờ bởi các thành tựu công nghệ của lực lượng pháo binh hay tăng thiết giáp lúc đó. Các mẫu vũ khí mới có khả năng cơ động cao hơn so với những đoàn tàu cồng kềnh và có tốc độ di chuyển chậm cũng như sự phụ thuộc của nó vào hệ thống đường sắt.
 MBV-2 là tàu bọc thép chiến đấu mạnh nhất của Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Quân đội Liên Xô chủ yếu sử dụng các đoàn tàu chiến đấu bọc thép để bảo vệ các khu vực chiến lược nằm sâu bên trong lãnh thổ. Trong thời kì đỉnh điểm, Liên Xô duy trì khoảng 200 đoàn tàu bọc thép, nổi bật nhất trong số đó có thể là mẫu OB-3. Nó được sử dụng chủ yếu để chống lại lực lượng pháo binh của Đức, với khả năng tấn công nhanh các mục tiêu định trước, và rút lui an toàn trước khi bị đối phương đáp trả.
Đến năm 1953, các đoàn tàu bọc thép được Liên Xô sử dụng để bảo vệ tuyến đường sắt và cũng như cơ sở hạ tầng ở phía tây Ukraine, trước các cuộc tấn công từ lực lượng du kích Ukraine. Đến năm 1958, Liên Xô đã cho ngừng việc phát triển lực lượng pháo binh đường sắt và ngưng sử dụng hoàn toàn vào đầu những năm 1960.
Hồi sinh trước mối đe dọa từ Trung Quốc
Các tướng lĩnh Liên Xô trong thời kì Chiến tranh Lạnh bắt đầu quay lại với các đề án phát triển các đoàn tàu bọc thép mới nhưng cho các nhiệm vụ hoàn toàn khác. Khi mối quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc xấu đi, trước nguy cơ khu vực viễn đông giáp với Trung Quốc có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. Quân đội Liên Xô lúc đó phải đối mặt với việc bảo vệ một khu vực lãnh thổ rộng lớn dân cư thưa thớt và hệ thống giao thông đường bộ kém phát triển.
Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, Nga vẫn tiếp tục phát triển các đoàn tàu bọc thép nhưng với số lượng rất hạn chế.
Hệ thống giao thông đường bộ ở khu vực này chỉ có thể di chuyển tối đa 4 đến 5 sư đoàn bộ binh một ngày, đây chính là hạn chế rất lớn khi đối mặt trước lực lượng lục quân đông đảo hàng triệu người của Trung Quốc lúc đó. Trong khi đó hệ thống đường sắt ở khu vực Siberia lại khá phát triển và có thể đủ sức triển khai lực lượng cơ giới hạn nặng cùng với một số lượng lớn bộ binh đông đảo trong thời gian ngắn, và có thể triển khai cùng một lúc 20 đoàn tàu trên hệ thống đường sắt ở đây.
Các thiết kế mới của các đoàn tàu bọc thép được trang bị các tháp pháo của xe tăng chiến đấu chủ lực T-55 hoặc pháo phòng không tầm thấp ZSU-23-4. Ngoài ra các phiên bản tàu bọc thép chiến đấu chủ lực còn được trang bị 2 tháp pháo của xe tăng T-62.
Bên cạnh đó Liên Xô còn cải tiến những chiếc xe bọc thép trinh sát chở quân BTR-40 với thêm 4 bánh phụ giúp nó vừa có thể di chuyển trên đường thông thường và vừa có thể di chuyển trên hệ thống đường ray. Bốn chiếc thuộc phiên bản BTR-40 trên vẫn còn được bảo quản tại thành phố Chita, thuộc khu vực Viễn Đông cho đến tận đầu những năm 1990.
Tàu hỏa trang bị tên lửa đạn đạo chiến lược RT-23 luôn là mối lo ngại của bất cứ quốc gia Phương Tây nào.
Đoàn tàu bọc thép cuối cùng là tàu Baikal và Amur được Quân đội Nga triển khai ở khu vực Chechnya, để bảo vệ trong suốt quá trình khôi phục và sửa chữa hệ thống đường sắt tại đây trước các cuộc tấn công của các phần tử ly khai.
Ngày càng đáng sợ hơn
Quân đội Nga hiện nay đã ngừng mua mới các tàu bọc thép thế hệ mới và tất cả các tàu bọc thép cũ đang được sử dụng ở khu vực lãnh thổ phía nam nước Nga, có thể sẽ ngừng hoạt động vào năm 2015. Theo đó các đoàn tàu bọc thép trên sẽ là cơ sở cho Nga tiếp tục phát triển lực lượng tàu hỏa trang bị các tên lửa đạn đạo liên lục địa dưới vỏ bọc là các đoàn tàu thông thường.
Trong thời gian gần đây, Quân đội Nga cho hay sẽ tái khởi động chương trình phát triển các đoàn tàu hạt nhân thế hệ mới và vẫn tiếp tục duy trì triển khai các tàu hỏa hạt nhân thế hệ cũ. Điều này làm Mỹ cũng như các nước Phương Tây hết sức quan ngại vì khả năng triển khai và tấn công bất ngờ của nó, ở mọi vùng lãnh thổ của Nga nơi có hệ thống đường sắt chạy qua cũng như hệ thống đường sắt nối liền giữa Nga và các nước Đông Âu.
Trà Khánh

Bình luận(0)