Hé mở bí mật khả năng tàng hình của Su T-50

Google News

(Kiến Thức) - Trong khi một chiếc Su-27 có diện tích phản xạ radar (RCS) từ 10-15m2 thì một chiếc tiêm kích tàng hình T-50 chỉ có RCS từ 0,1-1m2.

Cục Thiết kế Sukhoi vừa công bố bằng sáng chế về các tính năng tàng hình của máy bay chiến đấu tàng hình Sukhoi PAK FA T-50 vào cuối tháng 12/2013. Qua đó, hé mở phần nào bí mật về tính năng của loại siêu chiến đấu cơ này.
Theo hồ sơ của bằng sáng chế, máy bay Su T-50 được ứng dụng nhiều biện pháp tổng hợp để tăng tính năng tàng hình. Trong khi một chiếc máy bay Su-27 có diện tích phản xạ radar (RCS) từ 10-15m2 thì một chiếc T-50 chỉ có RCS từ 0,1-1m2.
 Su T-50 có diện tích phản xạ sóng radar chỉ 0,1-1m2.
Cũng như các loại máy bay tàng hình khác, điều này có được là nhờ ứng dụng các công nghệ về vật liệu hấp thụ và không phản xạ sóng radar, cùng các giải pháp thiết kế hạn chế phản xạ sóng radar (RCS), tập trung chủ yếu ở các cửa hút không khí và các mối nối giữa thân và cánh tà.
Đặc biệt, bằng sáng chế nêu rõ các lợi ích của việc đặt các vũ khí ở khoang chứa trong thân, không treo trên cánh, động cơ với ống dẫn khí hình chữ S (đã được xem xét nhưng thực sự không được thực hiện trong sản xuất T-50), và việc sử dụng các thiết bị chặn sóng radar.
Hồ sơ này cho biết thêm rằng, van dầu vào của máy nén trong động cơ tạo ra “một phần đáng kể (tới 60%) RCS cho hệ thống động lực hàng không ở bán cầu trước”.
Và điều này được khắc phục bằng cách sử dụng thiết bị chặn sóng radar và các lớp sơn phủ hấp thụ radar bên ngoài các ống dẫn khí.
 Tiết lộ hiện tại cho thấy Su T-50 chỉ áp dụng công nghệ tàng hình truyền thống như lớp phủ, góc cạnh máy bay...
Hình dạng của khung thân máy bay có khả năng làm giảm tín hiệu phản xạ radar, đồng thời làm chệch hướng các cánh sóng radar của đối phương.
Một số khe hở trên bề mặt của máy bay được bao phủ bởi một lưới dày, có chiều dày gần bằng 1/4 bước sóng của radar trinh sát đối phương, làm giảm phản xạ từ các bề mặt không đồng đều. Ngay cả kính của buồng lái cũng được chú trọng để tăng tính năng tàng hình đến mức cao nhất.
Bề mặt của 5 mảng radar của máy bay Su T-50 cũng được bố trí để có thể làm chệch hướng tín hiệu radar của đối phương. Lớp phủ bao quanh radar cho phép bước sóng của radar đi qua, nhưng lại có thể ngăn chặn các bước sóng radar khác của đối phương.
Anten của máy bay được bố trí sâu vào trong để làm giảm khả năng phản xạ, mũi máy bay mang theo khí tài trinh sát-dẫn bắn hồng ngoại. Tất cả đều được bao phủ bởi vỏ máy bay hấp thụ sóng radar.
Su T-50 có thể đi vào phục vụ trong 1-2 năm tới.
Việc công bố bằng sáng chế được tiến hành sau khi phát hành các tài liệu về cấu hình hệ thống điện tử và phần mềm tích hợp của máy bay vào tháng 7/2013.
Hiện tại, có 5 mẫu thử tiêm kích tàng hình Su T-50. Mẫu thử mới nhất, T-50-5 đã bay thử lần đầu tiên vào ngày 27/10/2013 để hỗ trợ cho các chương trình phát triển và hiện đã có khoảng 300 chuyến bay thử nghiệm như vậy.
Trong “Kế hoạch Hành động của Bộ Quốc phòng Nga 2013-2020” được công bố vào giữa năm 2013, Su T-50 sẽ đi vào sản xuất hàng loạt trước ngày 31/12/2016. 60 máy bay chiến đấu Su T-50 sẽ được sản xuất trong giai đoạn 2016-2020.
Việc lắp ráp chiếc thứ 6, T-50-6-1 đã gần hoàn thành và 3 máy bay thử nghiệm khác (T-50-6-2, T-50-7 và T-50-8) đang được chế tạo. Một chiếc T-50-6 được dùng cho các thử nghiệm tĩnh, và một chiếc khác được dùng cho việc bay thử nghiệm.
Lương Minh

Bình luận(0)