Giải mã các tên lửa đạn đạo phóng ngầm Liên Xô (1)

Google News

(Kiến Thức) - Ngày 16/9/1955, Liên Xô đã đạt dấu mốc quan trọng trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo nói chung và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm nói riêng.

Tên lửa với người Nga là một câu chuyện dài vắt qua nhiều thế kỉ, nhưng trong khuôn khổ của loạt bài này, Kiến Thức chỉ có thể đề cập đến những vấn đề chính liên quan trực tiếp đến tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Hải quân Liên Xô.
Sau khi các nước Phát xít bị tiêu diệt, sự tồn tại của Liên Xô trở thành cái gai lớn nhất trong mắt những nhà cầm quyền Mỹ. Washington muốn hủy diệt Liên Xô bằng bom hạt nhân, điều này buộc Moscow phải tìm kiếm sức mạnh răn đe đối phó. Các chương trình nghiên cứu chế tạo chất nổ hạt nhân và tên lửa mang phóng ráo riết được triển khai.
Với vấn đề tên lửa, tức phương tiện mang đầu đạn hạt nhân, ý tưởng tên lửa đạn đạo cho các hạm đội hải quân (FBM) mà cụ thể là đặt trên tàu ngầm (SLBM) đặc biệt được lưu tâm. Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo là hướng nghiên cứu có tiềm năng vô cùng lớn, đây sẽ là cách tạo ra các vũ khí tầm chiến lược vì bản thân tàu ngầm có thể di chuyển dưới lòng đại dương, tiếp cận được các mục tiêu trên thế giới một cách bí mật và tung ra đòn sát thủ trước khi con mồi có thể biết chuyện gì đang diễn ra.
Tuy nhiên, so với với tổ hợp tên lửa đạn đạo đặt trên đất liền, việc đạt được thành công tương tự trên biển là khó khăn hơn rất nhiều. Vì tên lửa cũng như các thành phần khác phải tích hợp với con tàu để thành một hệ thống hoàn chỉnh. Ví dụ: tên lửa phải bị hạn chế về kích thước, tàu ngầm không thể mang theo những tên lửa đạn đạo khổng lồ như trên đất liền, vấn đề kích thước tên lửa lại ảnh hưởng lớn tới tầm bắn, khả năng tải trọng. Khó khăn càng lớn khi tàu hoạt động trên biển, tức là môi trường động chứ không tĩnh như trên mặt đất.…
Giai ma cac ten lua dan dao phong ngam Lien Xo (1)
 SKB-385 dưới sự chỉ đạo của V.P.Makeyev là đơn vị nòng cốt trong các chương trình tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) của Liên Xô.
Quá nhiều rào cản kỹ thuật cùng thời gian không cho phép khiến cho cha đẻ của ý tưởng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) là Phát xít Đức đã thất bại. Năm 1949, Liên Xô đã cố gắng tạo ra một chương trình nhưng nó cũng đi vào ngõ cụt.
Phải chờ tới giai đoạn 1953-1954, khi các chương trình tên lửa đạn đạo, tàu ngầm, công nghiệp quốc phòng nói chung đạt được bước tiến đáng kể. Đặc biệt là sự chắc chắn từ phía Sergei Korolev, cha đẻ của tên lửa Liên Xô thì chính phủ Liên Xô mới ra quyết định số N°136-75 ngày 26/1/1954 về việc nghiên cứu và phát triển các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm lớn.
Hệ thống D-1 với tên lửa R-11FM
Hệ thống tên lửa đạn đạo phóng ngầm đầu tiên mang tên D-1 với tên lửa R-11FM (các định danh khác: 8K11, SS-1B, Scud). Cần hiểu rằng một hệ thống tên lửa bao gồm rất nhiều bộ phận nhỏ, quan trọng nhất là tên lửa và bệ phóng, hệ thống điều khiển hỏa lực, thông tin liên lạc đặt trên tàu ngầm, ngoài ra còn nhiều hệ thống để kiểm soát, làm mát, hủy tên lửa khẩn cấp…chưa kể các hệ thống hỗ trợ.
Chịu trách nhiệm chính cho chương trình là viện OKB-1 NII-88 của tổng công trình sư S.P.Korolev. Ngoài ra còn có NII-885 phụ trách bộ phận kiểm soát và dẫn đường, OKB-2 NII-88 phụ trách hệ thống động lực, bộ định vị thuộc về NII-49 và NII-1 Hải quân, Viện thiết kế trung ương số 34 phụ trách chế tạo bệ phóng động.
R-11FM là tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng một tầng, mang một đầu đạn, được phát triển từ tên lửa R-11 (Scud A). Kiểm soát tên lửa trong giai đoạn gia tốc là các van gas, bốn cánh vây đuôi tương đối lớn giúp ổn định tên lửa trong quỹ đạo bay. Bộ dẫn đường, kiểm soát đã được cải thiện đáng kể so với R-11. Bộ dẫn đường có thể tiếp nhận dữ liệu từ hệ thống định vị của tàu ngầm. Nhiên liệu cho R-11FM với chất oxi hóa là AK-201 (20% N204, 80% HNO3, kìm chế bởi iondine) và chất cháy là dầu T-1, so với nhiên liệu alcohol và oxy lỏng trên R-11 thì ổn định và có thể duy trì thời gian trực chiến của tên lửa dài hơn.
R-11FM bước vào những thử nghiệm trong năm ngay 1954. Thử nghiệm gồm 3 giai đoạn: Phóng tên lửa từ ống phóng cố định, phóng từ ống phóng động mô phỏng chuyển động của tàu trên biển và phóng từ tàu ngầm thật.
Giai đoạn 1 và 2 với lần lượt 3 và 11 vụ phóng được thực hiện tại bãi thử quốc gia số 4 (Kapustin Yar).
Giai đoạn 3 được thực hiện trên tàu ngầm B-67 thuộc Project V611 - sửa đổi từ Project 611 Zulu được tạo ra bởi TsKB-11 để có thể mang 2 R-11FM. Tên lửa được đặt trong ống khô ở phần trung tâm con tàu, xuyên qua cả tháp điều khiển. Bộ pin, phòng làm việc phải chuyển ra phần mũi, các khoang ngư lôi bị bỏ đi. Khi phóng tên lửa, tàu ngầm phải nổi lên trên mặt nước, một bộ giá nâng sẽ đẩy tên lửa ra khỏi ống chứa bên trong tàu, tên lửa được phóng thẳng đúng.
Giai ma cac ten lua dan dao phong ngam Lien Xo (1)-Hinh-2
Hình ảnh mô tả việc phóng tên lửa R-11FM từ tàu ngầm Project AV-611. 
Vụ phóng đầu tiên thực hiện ngày 16/9/1955 tại biển Trắng tới một mục tiêu giả định trên bán đảo Kola, thành công bước đầu này chính thức đưa Liên Xô trở thành nước đi tiên phong trong việc phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Trong lúc này, OKB-1 của Korolev phải tập trung vào các chương trình tên lửa đạn đạo chiến lược và tên lửa đạn đạo vũ trụ nên vào tháng 8/1955 chương trình D-1 được chuyển sang cho Phòng thiết kế đặc biệt số 385 (SKB-385) của Tổng công trình sư Victor.P.Makeyev (khi đó mới 31 tuổi).
Các bài kiểm tra khả năng duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu của tên lửa được bắt đầu vào mùa thu 1956. Tàu ngầm B-67 chuyển về Hạm đội phương Bắc, nó mang theo R-11FM bắt đầu ra thực hiện thử nghiệm trong trạng thái mang tên lửa trực chiến trên biển từ tháng 8 tại Trắng, Barents và Kara. Tên lửa được lưu giữ trong tàu ngầm từ 37 đến 82 ngày sau đó mới thực hiện các vụ phóng, kết quả thành công đã chứng minh R-11FM có thể trang bị cho những tàu ngầm thực hiện nhiệm vụ dài hơi. Tới cuối năm, các tài liệu kỹ thuật của hệ thống tên lửa đạn đạo phóng ngầm được hoàn thiện.
Từ 1957 đến giữa 1958, các công việc cho sản xuất, trang bị hàng loạt và đánh giá chất lượng. Hệ thống D-1 với tên lửa R-11FM được chính thức đưa vào hoạt động từ 20/2/1959 trên các tàu ngầm thuộc Project AV-611 (2 tên lửa/tàu) và Project 629 (3 tên lửa/tàu).
Từ giữa 1958 đến khi bị loại khỏi biên chế năm1967, Hải quân Liên Xô đã thực hiện 77 vụ phóng R-11FM với 59 vụ thành công.
Tham số kỹ thuật cơ bản của R-11FM
Dài 10,4m
Đường kính thân 0,88m
Trọng lượng 5,4 tấn
Tầm bắn 150km
Bán kính lệch mục tiêu (CEP) 0,75km
Mang một đầu đạn thường nặng 975kg hoặc một đầu đạn hạt nhân công suất 0.1-0.5 Mt. Tuy nhiên thực tế thì các đầu đạn hạt nhân rất ít khi được đặt trên tên lửa.
Hệ thống D-2 với tên lửa R-13
Giá trị lớn nhất của chương trình D-1/R-11FM là đặt được nền tảng khoa học, kỹ thuật cũng như mang lại những kinh nghiệm vô giá cho Liên Xô trong việc phát triển tên lửa đạn đạo phóng ngầm. Thực tế thì hệ thống này chưa thể tạo ra một khả năng răn đe thực sự, tầm bắn rất hạn chế của tên lửa khiến các tàu ngầm mang chúng phải đi vào những vùng biển gần mục tiêu, vốn đã bị đối phương kiểm soát bằng hệ thống chống ngầm, cuộc tấn công sẽ bị phát hiện và ngăn chặn.
Đó là lý do khiến Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ra một quyết định về nghiên cứu một hệ thống tên lửa tàu ngầm mới ngay trong tháng 8/1955, khi chương trình D-1 vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm. Tên lửa của hệ thống mới phải có tầm bắn tối thiểu 400km, khả năng chiến đấu vượt D-1 nhiều lần.
Hệ thống mới được định danh là D-2, chính thức bắt đầu phát triển từ 11/1/1956. Nửa đầu năm 1956, OKB-1 NII-88 đã cho ra thiết kế sơ bộ, sau đó tài liệu lại được chuyển sang SKB-385 để phát triển hoàn thiện. Tài liệu thiết kế cho hệ thống D-2 được hoàn thiện vào đầu năm 1957, thử nghiệm động cơ mới bắt đầu từ tháng 12/1958.
Về cơ bản R-13 (định danh khác: 4K50, SS-N-4, Sark) vẫn là tên lửa một tầng đẩy, sử dụng nhiên liệu lỏng (gồm chất oxi hóa AK-271, chất cháy TG-02). Tuy nhiên, đây là tên lửa đạn đạo phóng ngầm đầu tiên sử dụng động cơ luồng phụt vector để điều chỉnh hướng bay. R-13 vẫn sử dụng 4 cánh đuôi nhưng chúng nhỏ hơn nhiều so với R-11FM.
Các thử nghiệm trên bệ phóng cố định và bệ phóng động thực hiện tại bãi thử Kapustin Yar từ tháng 6/1959 đến 3/1960. Thử nghiệm trên tàu ngầm bắt đầu từ tháng 11/1959 tới 8/1960. Một loạt các vụ phóng thử bao gồm: 19 vụ thử tầm bắn (15 vụ thành công) và 13 vụ phóng từ tàu (11 vụ thành công) .
Giai ma cac ten lua dan dao phong ngam Lien Xo (1)-Hinh-3
Một vụ phóng R-13 và phần đầu của tên lửa này. 
Ngày 20/1/1966, một tên lửa R-13 mang theo đầu đạn 1Mt đã được phóng thành công từ tàu ngầm Project 629, vụ nổ hạt nhân diễn ra ở Novaya Zemlya, Bắc Cực. Đây là lần đầu tiên trên thế giới 1 tên lửa đạn đạo phóng ngầm mang đầu đạn nhiệt hạch được phóng đi.
Hệ thống D-2 với tên lửa R-13 chính thức phục vụ trong Hải quân Liên Xô từ 10/1961 và ra khỏi biên chế năm 1972. D-2 được triển khai trên các tàu ngầm thuộc Project 629 và các tàu ngầm hạt nhân Project 658, đồng nghĩa đây là những tàu ngầm hạt nhân chiến lược đầu tiên trên thế giới. Mỗi tàu 3 tên lửa với cách bố trí và phóng giống với R-11FM.
Trong thời gian phục vụ, hệ thống được nâng cấp nhiều lần, chủ yếu để tăng thời gian lưu trữ chất oxi hóa, giữ cho tên lửa có thể trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu 6 tháng liên tục (ban đầu là 3 tháng) và trong trạng thái niêm cất tới 7 năm mà không cần bảo dưỡng. Từ 1960-1972, có 311 vụ phóng, 225 lần thành công.
Tham số cơ bản tên lửa đạn đạo R-13:
Dài 11,835m
Đường kính thân 1,3m
Trọng lượng 13,75 tấn
Tầm bắn 600km
Bán kính lệch mục tiêu 4km
Mang 1 đầu đạn thông thường 1.500kg hoặc 1 đầu đạn hạt nhân 1Mt
Hệ thống D-3 với tên lửa R-15
Chương trình D-3 chính thức bắt đầu từ ngày 20/3/1958, được giao cho OKB-586 ở Dnepropetrovsk phụ trách. Tên lửa có tầm bắn 1.000 km, có thể khởi động ngay trong ống chứa.
Từ 1955, SKB-143 đã bắt đầu thiết kế tàu ngầm Project 639 có lượng giãn nước 6.000 tấn dự kiến mang được 3 R-15. Tới 1958, TsKB 16 cũng vào cuộc, họ làm việc trên Project V-629 để con tàu có thể mang được 1 tên lửa R-15. Tuy nhiên do không thể giải quyết dược vấn đề kích thước, dự án D-3 với R-15 đã bị hủy bỏ ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật.
Anh Trần

Bình luận(0)