Báo Nga: Su-35S “vượt trội” siêu tiêm kích F-22

Google News

(Kiến Thức) - Tờ Rossiyskaya Gazeta cho rằng, một số đặc điểm kỹ thuật trên tiêm kích thế hệ 4++ Su-35S hơn hẳn siêu tiêm kích Mỹ F-22 Raptor.

Hiện tại, công việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 PAK FA Sukhoi T-50 của Nga đang dần hoàn tất giai đoạn thử nghiệm. Chương trình phát triển này cũng đang phải chịu sức ép rất lớn từ Bộ Quốc phòng Nga trước yêu cầu phải đưa T-50 vào sản xuất và có trong biên chế từ năm 2017.
Trong khi đó các đơn vị Không quân Nga hiện tại đã được trang bị một số lượng nhỏ máy bay chiến đấu đa năng Su-35S như là giải pháp tạm thời gánh vác nhiệm vụ chiếm lĩnh trên không trước khi Su T-50 đưa vào phục vụ.
 Tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35S được ứng dụng một số công nghệ trong thiết kế máy bay thế hệ thứ 5.
Vấn đề của Không quân Nga là những chiếc Su-35S không thuộc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 mà chỉ là thuộc thế hệ 4++. Mặc dù vậy, nó được thiết kế với các yếu tố kỹ thuật là dành cho một máy bay chiến đấu của tương lai, Su-35S có các thông số kỹ thuật đều ngang tầm so với một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, ngoại trừ sự khiếm khuyết về công nghệ tàng hình. Cho đến thời điểm này thì Su-35S đã được Nga cho sản xuất hàng loạt với mục tiêu thay thế lực lượng không quân già cỗi của nước này .
Theo nhận định của Rossiyskaya Gazeta, một số đặc điểm kỹ thuật của Su-35S hơn hẳn các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đầu tiên được đưa vào hoạt động trên thế giới F-22 Raptor (Mỹ).
Ví dụ, Su-35S được trang bị hệ thống radar mạng pha bị động Irbis có thể phát hiện mục tiêu trên không ở khoảng cách kỷ lục lên tới 400 km và theo dõi tới 30 mục tiêu và giao chiến với 8 mục tiêu cùng một lúc. Trong khi hệ thống radar trên F-22 lại yếu hơn với phạm vi phát hiện tối đa chỉ là 300 km.
 Radar Irbis trên Su-35S.
Ngoài ra hệ thống Irbis còn có khả năng chủ động phát hiện và theo dõi lên đến 4 mục tiêu trên mặt đất cùng một lúc.
Su-35S còn tích hợp hệ thống định vị có khả năng xác định chính xác vị trí của máy bay và các thông số chuyển động của nó mà không cần đến định vị vệ tinh hoặc liên lạc với trạm mặt đất. Với hệ thống này dù cho các vệ tinh dẫn đường GPS hoặc GLONASS bị tấn công hay xảy ra sự cố thì Su-35S vẫn có thể tiếp tục bay mà không cần dẫn đường .
Không quân Nga sẽ lần lượt tiếp nhận 48 máy bay Su-35S đến cuối năm 2015. Trên thực tế, thiết kế buồng lái của Su-35S và Sukhoi T-50 có nét tương đồng từ trang thiết bị điện tử đến các hệ thống điều khiển vũ khí. Do đó, khi các phi công của Nga tiến hành chuyển loại từ Su-35S sang các máy bay thế hệ thứ 5 Su T-50 sẽ không gặp phải bất kì trở ngại nào. Bất kỳ phi công đã từng điều khiển Su-35S đều có thể dễ dàng điều khiển những chiếc T-50.
 Cho tới khi Su T-50 được đưa vào phục vụ, đối thủ của F-22 sẽ là Su-35S.
Điều này chứng tỏ, việc Không quân Nga thông báo sẽ trang bị máy bay thế hệ thứ 5 từ năm 2017 là không đúng, mà việc chuyển đổi này đang được thực hiện dần dần trong lực lượng không quân trong hiện tại .
Hiện nay ngành công nghiệp hàng không của Nga đang có một khởi đầu tốt trong việc phát triển nghiên cứu các máy bay chiến đấu thế hệ mới. Với việc trang bị Su-35S vào các đơn vị không quân, cũng như trang bị các máy bay Su T-50 sẽ là nền tảng tốt để Nga có thể đẩy nhanh quá trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6.
Trà Khánh

Bình luận(0)