Chiến tranh Thế giới thứ hai được xem là cột mốc quyết định quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp hàng không Liên Xô trước đây và Nga sau nay. Khi đó, hàng loạt các cụm công nghiệp quốc phòng của nước này buộc phải di dời từ phía tây sang các khu vực phía đông, nhằm tránh khỏi các cuộc không kích và xâm lược của Quân đội phát xít Đức.
Chính điều này đã tạo cơ hội cho Liên Xô xây dựng hàng loạt nhà máy hàng không mới, trong đó có nhà máy chế tạo máy bay Samara - một trong những cơ sở hàng không lớn nhất của Nga hiện nay. Samara hay ngày nay còn được biết với cái tên là OJSC Aviakor được thành lập vào năm 1941 với xuất phát điểm từ các nhà xưởng đơn giản trên khu vực thảo nguyên khô cằn cho đến các cụm tổ hợp công nghiệp hàng không hiện đại như ngày nay.
|
Nhà máy chế tạo máy bay Samara (Kuibyshev) được xem là mộ trong những "cái nôi" sinh ra lực lượng máy bay ném bom chiến lược Liên Xô.
|
Tiền thân của nhà máy Samara chính là nhà máy chế tạo máy bay Voronezh nằm ở phía tây nước Nga, nó được xây dựng từ năm 1932 trong kế hoạch 5 năm đầu tiên của Liên Xô. Trước khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra Voronezh là trung tâm của ngành công nghiệp hàng không Liên Xô, nơi sản xuất hàng chục loại máy bay do Liên Xô thiết kế.
Cho đến năm 1941, Voronezh đã sở hữu dây chuyền lắp ráp đủ khả năng sản xuất hàng trăm chiếc cường kích Ilyushin IL-2 hay còn được gọi “những cổ xe tăng bay” của Không quân Liên Xô. Ngay sau khi phát xít Đức xâm lược Liên Xô trước áp lực từ chiến trường tốc độ sản xuất của Voronezh được đẩy nhanh hơn bao giờ hết, thậm chí chỉ trong một ngày Voronezh đã cho xuất xưởng tới 15 chiếc IL-2.
Thay đổi mang tính bước ngoặt
Chỉ một thời gian ngắn sau khi chiến tranh nổ ra, các lãnh đạo Liên Xô lúc đó đã nhận ra rằng Voronezh không phải là nơi an toàn để tiếp tục sản xuất các dòng máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Liên Xô. Và điều này đã sớm thành hiện thực khi vào tháng 5/1941 quân Đức đã chiếm được Kharkov thuộc Ukraine và chỉ cách phía nam Voronezh 241km, ngay lập tức toàn bộ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của Voronezh được chuyển về các khu vực phía đông nằm sâu bên trong lãnh thổ của Liên Xô.
|
Trong ảnh là một trong những dây chuyền sản xuất IL-2 của Samara.
|
Kuibyshev bây giờ là Samara đã được chọn như một địa điểm tạm thời cho việc tái thiết lại các nhà máy chế tạo máy bay của Liên Xô. Một phần tại đây cũng đã có sẵn các cơ sở sản xuất nền tảng phục vụ cho ngành công nghiệp hàng không. Quá trình xây dựng nhà máy mới diễn ra khá nhanh chóng các dây chuyền lắp ráp máy bay của Samara được đưa vào vận hành và cho ra mắt chiếc máy bay đầu tiên vào tháng 12/1941.
Hầu như toàn bộ các dây chuyền lắp ráp máy bay của Samara đều tập trung vào sản xuất những chiếc IL-2 nhằm đưa chúng ra chiến trường sớm nhất có thể. Tổn thất của Không quân Liên Xô trong giai đoạn đầu cuộc chiến là rất lớn và hầu như không có chiếc máy bay mới nào được xuất xưởng khi ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô được tái cơ cấu.
Tuy nhiên, với sản lượng chỉ đạt 1 chiếc mỗi ngày hiển nhiên sẽ là không đủ để hài lòng các lãnh đạo của Liên Xô lúc đó. Một mệnh lệnh được lãnh đạo tối cao của Liên Xô lúc đó là Joseph Stalin đưa ra là người đứng đầu của Samara phải tự chịu trách nhiệm cá nhân về số lượng máy bay xuất xưởng và ngay lập tức số lượng IL-2 được xuất xưởng đã tăng lên đáng kể.
|
Hàng ngàn chiếc IL-2 đã được Samara sản xuất trong suốt thời gian diễn ra Chiến tranh Thế giới thứ hai.
|
Trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ hai, các nhà máy chế tạo máy bay của Liên Xô đã chế tạo hơn 36.000 chiếc IL-2, biến nó trở thành một trong những dòng máy bay chiến đấu từng được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử ngành công nghiệp hàng không thế giới. Nhưng điểm đáng kinh ngạc nhất là có đến 75% trong những chiếc IL-2 từng được sản xuất là đến từ các nhà máy ở Kuibyshev.
Viết tiếp huyền thoại với Tupolev
Sau chiến tranh, lãnh đạo của Samara đã quyết định di chuyển toàn bộ và xây dựng nhà máy mới ở Voronezh có vị trí thuận lợi hơn so với địa điểm cũ. Nhà máy chế tạo máy bay Samara cũng được các tướng lĩnh Liên Xô lúc đó giao nhiệm vụ phát triển một mẫu máy bay ném bom chiến lược mới có đủ khả năng triển khai vũ khí hạt nhân. Và đây cũng chính cơ sở tạo nên dòng máy bay ném bom huyền thoại Tupolev của Không quân Liên Xô.
Đến năm 1949, chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-4 đầu tiên của Liên Xô lăn bánh ra khỏi nhà xưởng với thiết kế gần như tương tự như mẫu máy bay ném bom chiến lược B-29 của Không quân Mỹ. Tu-4 cũng là dòng máy bay ném bom thực hiện các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên của Liên Xô từ năm 1954.
|
Máy bay ném bom chiến lược Tu-4 một trong những mẫu máy bay ném bom chiến lược đầu tiên của Không quân Liên Xô.
|
Giai đoạn 1950-1970, các kỹ sư của Samara đã hoàn thiện hơn nữa các dòng máy bay ném bom thuộc gia đình Tupolev mà đỉnh cao là Tu-95 - xương sống của lực lượng không quân chiến lược Liên Xô và cả của Nga sau này. Giá trị của Tu-95 hoàn toàn không thay đổi sau nhiều thập kỷ bên cạnh đó các biến thể dân sự của nó cũng khá thành công trong quá khứ.
Tu-114 là biến thể máy bay chở khách thương mại được phát triển dựa trên Tu-95 với thiết kế khá độc đáo. Có một điều đặc biệt là nó chưa bao giờ gây ra tai nạn trong hơn 20 năm hoạt động của mình. Sự tự tin và độ tin cậy của Tu-114 lên cao hơn bao giờ hết khi vào năm 1959 một phái đoàn đặc biệt của Liên Xô đứng đầu là Nikita Khrushchev đã bay tới Washington trên một chiếc Tu-114 chưa hề qua kiểm tra.
Cuối những năm 1960, nhà máy Samara bắt đầu khởi động dây chuyền sản xuất hàng loạt dòng máy bay chở khách thương mại Tu-154 - một trong những dòng máy bay chở khách phổ biến nhất trong ngành hàng không dân dụng Liên Xô và Nga trong suốt 30 năm.
|
Máy bay chở khách thương mại Tu-114 với thiết kế động cơ cánh quạt kép đặc trưng của Tu-95.
|
Mặc dù đã vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm 1990 và phục hồi tốt, nhưng Samara vẫn chưa thể đưa vào hoạt động trở lại toàn bộ dây chuyền sản xuất của mình thậm chí nhiều dây chuyền sản xuất phải xây dựng lại từ đầu.
Tuy nhiên tương lai vẫn còn khá rộng mở với OJSC Aviakor khi nhà máy nay đang bắt đầu thử nghiệm mẫu máy bay vận tải quân sự thế hệ mới An-140 cho Quân đội Nga. Trong năm 2014, OJSC Aviakor cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ các hãng hàng không nội địa của Nga về mẫu máy bay chở khách thương mại cỡ nhỏ Ilyushin IL-114.