Trong lịch sử mua sắm trang bị vũ khí của Việt Nam, thương vụ mua 6 tàu ngầm Kilo Project 636 từ Nga là hợp đồng lớn nhất từng được ký kết. Với giá trị 1,8-2 tỷ USD, thương vụ Kilo trở thành tâm điểm chú ý của dư luận trong và ngoài nước.
Dấu mốc đáng chú ý thương vụ Kilo
Kiến Thức xin điểm lại những cột mốc đáng chú ý của thương vụ này:
- Tháng 12/2009, trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hợp đồng mua 6 tàu ngầm Kilo Project 636 chính thức được ký kết sau thời gian đàm phán. Việc ký kết hợp đồng chính là cột mốc quan trọng nhất trong thương vụ tàu ngầm này.
Tất cả những hợp đồng mua sắm vũ khí chỉ có giá trị khi hợp đồng chính thức được ký kết. Đó là thành quả cuối cùng của quá trình đàm phán sơ bộ về giá trị, tính năng của vũ khí, thời hạn giao hàng, phương thức thanh toán.
- Tháng 9/2010 nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi chính thức khởi công đóng tàu ngầm Kilo đầu tiên cho Việt Nam trong khuôn khổ hợp đồng đã ký.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm tàu ngầm phi hạt nhân Kilo HQ-182 Hà Nội đang thử nghiệm tại Nga. Nguồn: Chinhphu.vn |
- Tháng 8/2012, tàu ngầm Kilo đầu tiên trong hợp đồng chính thức được hạ thủy, mang tên HQ-182 Hà Nội.
Tàu ngầm Hà Nội đang tiến hành các thử nghiệm trên biển để đánh giá và hiệu chỉnh hệ thống trước khi bàn giao cho Việt Nam vào cuối năm 2013.
- Tháng 12/2012, chiếc tàu ngầm Kilo thứ 2 trong hợp đồng được hạ thủy, mang tên HQ-183 TP.HCM. Tàu ngầm TP.HCM đang được thử nghiệm tĩnh tại cảng của nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi trước khi ra biển thử nghiệm.
- Tháng 2/2013, nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi tổ chức lễ cắt thép cho chiếc tàu ngầm Kilo thứ 6, chiếc cuối cùng trong khuôn khổ hợp đồng.
Theo kế hoạch của nhà máy đóng tàu Admiralty công bố đầu năm 2013, nhà máy này đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tiến độ hợp đồng 6 tàu ngầm Kilo cho Việt Nam.
- Tháng 4/2013, báo Nga chính thức tiết lộ về tiến độ xây dựng trung tâm huấn luyện tàu ngầm Kilo cho phía Việt Nam.
Đây là một trung tâm huấn luyện kỹ thuật số được thiết kế cực kỳ hiện đại. Tại trung tâm này, các thủy thủ tàu ngầm Việt Nam học cách vận hành tàu ngầm trong môi trường mô phỏng điện tử với những diễn biến như bên ngoài môi trường thật.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng trên chiếc tàu ngầm Kilo HQ-182 Hà Nội. Nguồn: Chinhphu.vn |
- Đầu tháng 5/2013, truyền thông Nga tiết lộ thêm thông tin về các tàu ngầm tiếp theo của Việt Nam. Theo đó, tàu ngầm Kilo thứ 3 đang đóng sẽ mang tên HQ-184 Hải Phòng. Dự kiến tàu ngầm này được hạ thủy vào tháng 8/2013.
Ngoài ra các tàu ngầm còn lại sẽ được đặt tên lần lượt là HQ-185 Đà Nẵng, HQ-186 Khánh Hòa và HQ-187 Vũng Tàu.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Nga, ngày 13/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thị sát tiến độ hoàn thành các tàu ngầm Kilo mà Việt Nam đặt mua trước đó.
Thủ tướng cũng lên thăm tàu ngầm Hà Nội và thăm hỏi, động viên các thủy thủ Việt Nam đang huấn luyện tại Nga.
Tàu ngầm hiện đại hàng đầu thế giới
Kilo Project 636 là một trong những tàu ngầm tấn công phi hạt nhân hiện đại hàng đầu thế giới. Nó được các chuyên gia quân sự phương Tây ví như một "hố đen" dưới đại dương vì khả năng hoạt động ít gây tiếng ồn của Kilo, khó bị phát hiện bởi các hệ thống định vị thủy âm (trên tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay) đối phương.
Kilo Project 636 có lượng giãn nước khi lặn 3.950 tấn, dài 74m. Tàu ngầm gồm 6 khoang chống nước được ngăn cách nhau bởi những vách ngăn trong một lớp vỏ kép chịu áp lực cao.
|
Buồng phóng ngư lôi bên trong tàu ngầm Kilo. Nguồn: Chinhphu.vn |
Thiết kế này có thể tăng khả năng sống sót cho thủy thủ đoàn: khi một khoang thường hay 2 buồng chứa nước kề nhau bị ngập thì tàu vẫn hoạt động được.
Tàu trang bị động cơ diesel – điện cho phép đạt tốc độ 17-25 hải lý/h dưới mặt nước, lặn sâu 300m, tầm hoạt động gần 10.000km.
Đặc biệt, Kilo Project 636 có lẽ là một trong số ít tàu ngầm phi hạt có sức tấn công cực mạnh. Tàu được thiết kế 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm cho phép bắn nhiều loại vũ khí gồm: ngư lôi chống ngầm VA-111 Shkval, 53-65, TEST 71/76; tên lửa chống tàu Klub-S; thủy lôi DM-1.
Ngoài ra, còn có hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp SA-N-8 Gremlin hoặc SA-N-10 Gimlet (có thể không có trên biến thể xuất khẩu).
Trong các loại vũ khí trên, “mạnh mẽ nhất, khủng khiếp nhất” là hệ thống tên lửa chống tàu Klub-S được thiết kế để tiêu diệt mọi loại tàu mặt nước (kể cả tàu sân bay) và có thể tấn công mục tiêu đất liền.
|
Nạp đạn tên lửa Klub-S lên tàu ngầm Hải quân Nga. |
Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), năm 2009, Việt Nam đã ký hợp đồng với Nga mua 40 tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh 3M-54E Klub-S. Số tên lửa này sẽ được trang bị cho tàu ngầm tấn công Kilo Project 636.
Đạn tên lửa 3M-54E dài 8,22m, đường kính thân 0,53m, trọng lượng phóng 2,3 tấn, lắp đầu đạn xuyên giáp nổ phân mảnh nặng 200kg. Tên lửa lắp động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn và động cơ tuốc bin phản lực cho hành trình bay tăng tốc – tiếp cận mục tiêu cho phép đạt vận tốc Mach 2,9(gấp gần 3 lần vận tốc âm thanh), tầm bắn 200km.
3M-54E lắp đầu tự dẫn radar chủ động ARGS-54 có tầm phát hiện mục tiêu gần 60km. Tức là khi cách mục tiêu tầm 60km, đạn tên lửa sẽ tự động phát hiện, bám bắt và khóa mục tiêu mà không cần sự can thiệp từ tàu phóng.
Với vận tốc vượt âm thanh, đạn 3M-54E được xem là một trong những sát thủ chống tàu chiến nguy hiểm nhất thế giới. Không những thế, quả đạn có quỹ đạo bay cực kỳ phức tạp, trong hành trình tiếp cận mục tiêu, cách 15km, quả đạn chỉ bay cách mặt nước 30m gây khó khăn cho biện pháp đánh chặn của tàu đối phương.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: