“Đại đệ tử” của đặc nhiệm SEAL tại Đông Nam Á

Google News

(Kiến Thức) - Đặc nhiệm Hải quân Indonesia Kopaska được xem là “học trò” đầu tiên của lực lượng Navy SEAL Hải quân Mỹ.

Lịch sử hình thành

Kopaska  (viết tắt của cụm từ Komando Pasukan Katak) là đơn vị đặc nhiệm người nhái chuyên thực hiện các hoạt động tấn công dưới nước của Hải quân Indonesia.

Lực lượng Kopaska được thành lập vào ngày 31/3/1962. Nhiệm vụ chính của đơn vị này là thực hiện các hoạt động tấn công phá hủy dưới nước, trinh sát, cướp tù nhân, chiếm giữ bờ biển dọn đường cho lực lượng đổ bộ.

Trong thời bình, ngoài các nhiệm vụ nói trên, Kopaska triển khai các  nhóm hoạt động khoảng 7 người thực hiện các hoạt động đảm bảo an ninh cho các nhân vật cao cấp trong chính phủ và Quân đội Indonesia, nhất là nhiệm vụ hộ tống cho Tổng thống và Phó Tổng thống Indonesia.
Kopaska có một câu khẩu hiệu cực kỳ ấn tượng “Không có trở ngại, không thể bị đánh bại”.

Kopaska chịu nhiều ảnh hưởng từ đội người nhái Demolition UTD thuộc lực lượng đặc nhiệm Navy SEAL của Hải quân Mỹ. Những  thành viên đầu tiên của Kopaska là Đại úy Urip Santoso, Trung úy Joko Suyatno, Trung sĩ Joseph được đào tạo tại UTD thuộc Navy SEAL. Sau khi trở về Indonesia họ là những người gây dựng lực lượng cho Kopaska.

Ngoài ra, Kopaska còn gửi lực lượng đi đào tạo tại đơn vị đặc nhiệm người nhái của Hải quân Nga. Gửi nhân viên đi đào tạo ở nước ngoài hàng năm đã trở thành thông lệ quen thuộc đối với lực đặc nhiệm Hải quân Indonesia.

Tuyển chọn cực kỳ khó khăn

Để trở thành thành viên của Kopaska là một công việc vô cùng nan giải, 2 điều kiện đầu tiên cần phải đáp ứng được là thành viên của Hải quân Indonesia và dưới 30 tuổi. Quá trình tuyển chọn hàng  năm được thực hiện tại tất cả các căn cứ của Hải quân Indonesia.

Các thành viên đáp ứng được 2 tiêu chí nói trên sẽ được đưa đến trung tâm đào tạo của Kopaska để tham gia tuyển chọn ban đầu. Hàng năm có từ 300-1.500 ứng viên  mơ ước được trở thành nhân viên của Kopaska. Trong số các ứng viên tham gia vòng tuyển chọn ban đầu chỉ có khoảng 15-20  người được chọn.

Các ứng viên vượt qua vòng tuyển chọn ban đầu sẽ được đào tạo nâng cao tại trung tâm đào tạo Kopaska. Trong số 15-20 người được chọn chỉ có khoảng 5-6 người tốt nghiệp và trở thành thành viên của Kopaska. Quá trình đào tạo kéo dài trong 9 tháng, được chia thành 4 giai đoạn liên tục gồm: Dẻo dai về thể chất; đào tạo các hoạt động dưới nước; công tác chỉ huy và đào tạo nhảy dù.
Trở thành thành viên của Kopaska là niềm mơ ước nhiều binh lính Indonesia.

Trong mỗi giai đoạn đào tạo đều tuân thủ theo các quy trình rất khắt khe, bắt đầu từ công tác đào tạo về vật lý tức là tập luyện sức chịu đựng của con người trong các môi trường và tình huống khắc nghiệt.

Ngoài ra còn có các chương trình đào tạo đột xuất với các tình huống bất kỳ dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Cuối mỗi quá trình đào tạo các thành viên phải chứng tỏ được sức mạnh của mình qua các thử thách như bơi hoặc chèo thuyền qua eo biển Laki vào ban đêm với rất ít thức ăn và thời gian ngủ rất ít. Quá trình đào tạo nhấn mạnh đến yếu tố tâm lý, sức mạnh thể chất của học viên.

Các giai đoạn đào tạo còn lại bao gồm: Chiến đấu trong lúc đang bơi lội; xâm nhập vào tàu ngầm qua ống phóng ngư lôi; tuần tra chiến đấu tầm xa; chiến đấu tầm gần; các hoạt động tình báo; tâm lý chiến(thực hiện các hoạt động về mặt tâm lý để làm nhụt chí đối phương); khả năng sống sót trong các điều kiện phức tạp; kỹ năng nhảy dù bất kể ngày đêm.

Vũ khí trang bị

Do đặc thù hoạt động chiến đấu thường xuyên dưới nước trong môi trường ẩm ướt nên trang bị vũ khí cho Kopaska phải hội tụ đủ các điều kiện nói trên. Các loại vũ khí trang bị gồm có: Súng lục Pindad P1/P2, Glock 17/19; súng tiểu liên cực nhanh MP5, Mirco Uzi; súng trường tiến công AK-47, Type 56-2, M16A1, Pindad SS1-V1/V2, Pindad SS2-V1/V2.

Ngoài ra, họ còn được trang bị các thiết bị hỗ trợ khác như thiết bị lặn, mũ bảo hiểm hạng nhẹ, các thiết bị liên lạc, xe bơi dưới nước giúp hoạt động nhanh hơn, các loại xe địa hình đặc biệt.

So với lực lượng đặc nhiệm PASKAL của Hải quân Hoàng gia Malaysia thì trang bị của Kopaska không hiện đại bằng, nhưng điều đó không phải là nhân tố quyết định cho thắng hay thua trong các trận đánh.
Xe địa hình cơ động cao của đặc nhiệm Kopaska.

Một chi tiết khá thú vị là Kopaska chính là nơi đào tạo đầu tiên cho lực lượng đặc nhiệm PASKAL của Hải quân Hoàng gia Malaysia khi đơn vị này mới được thành lập. Kopaska có thể coi là người thầy đầu tiên của PASKAL trước khi được huấn luyện chuyên sâu bởi Navy SEAL của Hải quân Mỹ.

Kopaska là lực lượng đặc nhiệm thuộc hàng “lão làng” tại Đông Nam Á, tên tuổi của đơn vị này khá nổi tiếng tại khu vực. Kopaska có thể thể coi là ‘đại đệ tử” của Navy SEAL tại Đông Nam Á.

Hiện nay, lực lượng này có khoảng 300 thành viên chia thành 2 nhóm, 1 nhóm phụ trách Hạm đội Đông và  1 nhóm phụ trách Hạm đội Tây của Hải quân Indonesia.

Ngoài việc đảm bảo an ninh trong nước, chống khủng bố, cướp biển, Kopaska còn gửi nhân viên của mình tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:
Phan Nguyễn

Bình luận(0)