Không quân Trung Quốc vẫn thiếu một trực thăng tấn công đúng nghĩa, trong khi đó chiến tranh vùng Vịnh 1999 đã cho thấy vai trò quan trọng của trực thăng tấn công đối với cục diện trên chiến trường. Thấy được điều này, Trung Quốc khi đó nỗ lực tìm kiếm một loại trực thăng chiến đấu chuyên nghiệp.
Theo một số nguồn tin, những năm 1990, Trung Quốc đã cố gắng nhập khẩu dòng trực thăng Mi-24 từ Nga và Đông Âu nhưng thất bại. Việc “nhờ vả” phương Tây cũng không thể thực hiện, do sau sự kiện Thiên An Môn 1989, mối quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và các nước phương Tây rơi vào tình trạng “đóng băng” hoàn toàn.
Nga “giang tay cứu”
Tuy nhiên, đến năm 1995 “vận may đã mỉm cười” với Trung Quốc, công ty sản xuất trực thăng Kamov của Nga đã phát triển một mẫu thiết kế sơ bộ có trọng lượng 6 tấn theo một hợp đồng với chính phủ Trung Quốc. Thông tin này được giữ bí mật cho mãi đến đầu năm 2013 mới được tiết lộ bởi một trong những người đã tham gia vào quá trình thiết kế dự án.
|
WZ-10 giống hệt với bản thiết kế Project 941 của Kamov, Nga.
|
Mẫu trực thăng tấn công hạng trung thiết kế cho Trung Quốc được chỉ định là Project 941. Đây là thiết kế độc lập hoàn toàn và không dựa vào bất kỳ mẫu trực thăng nào khác được sản xuất dưới thời Liên Xô. Tuy vậy, Kamov chỉ đảm đương nhiệm vụ hoàn thành bản thiết kế sơ bộ và chuyển giao cho Trung Quốc.
Bản thiết kế được giao cho Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Changhe, Trung Quốc tự hoàn thành các phần còn lại với linh kiện trong nước hoặc nhập khẩu để sản xuất loại trực thăng chiến đấu này. Project 941 tiếp tục được hoàn thiện tại Trung Quốc với tên gọi Z-10 hoặc WZ-10.
Dẫu vậy, quá trình phát triển WZ-10 gặp khá nhiều khó khăn về kỹ thuật, nhất là phần động cơ và các hệ thống điện tử. Năm 2000, một lần nữa Trung Quốc tìm cách mua trực thăng tấn công từ Nga, tuy nhiên Bắc Kinh không thành công với nỗ lực này.
“Đã đâm lao phải theo lao”
Dường như Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục phát triển trực thăng chiến đấu WZ-10. Mẫu thử nghiệm đầu tiên của WZ-10 được hoàn thành vào năm 2002, trực thăng này thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 4/2003.
|
Nhờ Nga mà Trung Quốc rút ngắn đáng kể thời gian phát triển WZ-10.
|
WZ-10 có thiết kế với buồng lái hai phi công, một trước một sau hoàn toàn giống với thiết kế buồng lái của trực thăng chiến đấu A-129 của Italy. Thân trên của WZ-10 được thiết kế hơi hẹp nhằm giảm độ bộc lộ radar, phần thân dưới hơi hóp vào tạo thành một sống giữa buồng lái và thân dưới kéo dài hết thân của máy bay. Đây là một điểm khác biệt khá lớn so với các thiết kế trực thăng tấn công của Nga và Mỹ.
WZ-10 sử dụng rotor chính với cánh quạt 5 lá, đường kính 12m, rotor đuôi có 4 cánh quạt. Những khu vực quan trọng được bọc giáp nhằm chống lại vũ khí cá nhân. Nhiệm vụ chính của WZ-10 là chống tăng và yểm trợ hỏa lực mặt đất, tuy nhiên, WZ-10 cũng được cho là có khả năng không đối không hạn chế.
Trực thăng này được trang bị hai động cơ tuốc bin trục PT6C-67C Pratt & Whitney của Canada, công suất 1.531 mã lực/chiếc. WZ-10 có tốc độ tối đa 300km/h, tốc độ hành trình 250km/h, phạm vi hoạt động 800km, trần bay 6.000m.
|
WZ-10 được thiết kế tối ưu cho khả năng tàng hình.
|
Trực thăng WZ-10 được trang bị một bộ cảm biến tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu phía trước mũi máy bay, kiểu bố trí các hệ thống cảm biến tương tự như trực thăng A-129. Các hệ thống cảm biến nay bao gồm: hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu FLIR; một camera ảnh nhiệt. Phi công được trang bị mũ bảo hiểm tích hợp thiết bị nhắm mục tiêu và tương thích với pháo tự động 30mm.
Toàn bộ hệ thống cảm biến và pháo 30mm có khả năng quay 130 độ theo chiều ngang. Ban đầu Z-10 dự định trang bị radar bước sóng mm như trực thăng của Nga, Mỹ. Không may một loại radar như vậy không có sẵn trong các thiết kế của Trung Quốc. Rốt cuộc, WZ-10 đã đi vào trang bị mà không có radarr.
WZ-10 được cho là có hệ thống phòng vệ toàn diện với máy thu cảnh báo radar, lade, hệ thống tác chiến điện tử, và hệ thống phóng mồi bẫy. WZ-10 được trang bị hệ thống lái fly-by-wire khá hiện đại, buồng lái lắp các màn hình LCD đa chức năng.
|
Tuy không có radar tối tân như trực thăng Nga, Mỹ nhưng WZ-10 có bộ vũ khí tương đối mạnh.
|
Trực thăng WZ-10 được vũ trang một pháo tự động 30mm sao chép từ pháo 2A42 30mm của Nga trang bị trên trực thăng Mi-28. Cánh phụ hai bên hông của WZ-10 cung cấp 4 điểm treo vũ khí. WZ-10 chỉ có khả năng mang theo 8 tên lửa chống tăng HJ-9 một thiết kế sao chép của tên lửa chống tăng Mỹ TOW-2A. Đây là một tên lửa dẫn hướng bám chùm lade, tên lửa có tầm bắn hiệu quả từ 100-5.500m, khả năng xuyên 1200mm giáp.
Theo một số nguồn tin, Trung Quốc đang phát triển một biến thể tên lửa chống tăng dẫn bằng lade với đầu do radar bán chủ động định danh là HJ-10. Loại tên lửa này được cho là tương đương với tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire của Mỹ.
Tên lửa HJ-10 có tầm phóng trên 10km và dự định trở thành tên lửa chủ lực của Z-10. Ngoài ra, Z-10 có thể mang rocket không điều khiển, hoặc 4 tên lửa không đối không tầm thấp TY-90.
Bất lực ở phần động cơ
Quá trình phát triển trực thăng WZ-10 tiếp tục vấp phải vấn đề khó khăn do động cơ. Việc nhập khẩu động cơ núp bóng dưới các chương trình trực thăng dân sự đã bị Mỹ phát hiện. Pratt & Whitney Canada nhà cung cấp động cơ PT6 C-67C cho trực thăng tấn công WZ-10 đã bị Mỹ cấm xuất khẩu động cơ và phải nộp phạt 75 triệu USD do vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của nước này đối với Trung Quốc.
|
Vấn đề động cơ có thể khiến Trung Quốc mất thêm nhiều thời gian cho việc sản xuất WZ-10 trang bị hàng loạt.
|
Khi sự phát triển của WZ-10 đang gặp khó khăn, Trung Quốc đã vội vàng phát triển một loại trực thăng tấn công hạng nhẹ WZ-19 được phát triển từ biến thể trực thăng vũ trang Z-9W để lấp vào khoảng trống này và chờ hoàn thiện trực thăng tấn công hạng trung WZ-10.
Mặc dù có những bước phát triển vượt bậc song các trực thăng quân sự của Trung Quốc vẫn bị đánh giá thấp, mặt khác việc nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài núp bóng dưới các chương trình dân sự cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro bị đối tác phát hiện và ngưng hợp đồng gây ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển.