Tạp chí Jane’s cho biết, lực lượng ly khai miền Đông Ukraine đã bắn hạ một tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn OTR-21 Tochka của Quân đội chính phủ Ukraine tại một khu vực gần vùng Lugansk, miền Đông Ukraine vào đêm hôm 1/2.
Nếu thông tin này là chính xác thì chứng tỏ rằng lực lượng dân quân miền Đông Ukraine đã hoàn tất việc xây dựng cho mình một hệ thống tên lửa phòng không đủ mạnh để có thể đối đầu với Quân đội chính phủ Ukraine, mặc dù các chuyên gia quân sự đánh giá rằng lực lượng đòi ly khai ở miền Đông Ukraine không đủ khả năng bắn hạ một tên lửa đạn đạo.
|
Trong ảnh là lực lượng dân quân miền Đông Ukraine đang đứng gần phần đuôi còn xót lại của quả tên lửa đạn đạo Tochka bị bắn hạ vào hôm 1/2.
|
Trước đó đã có nhiều bằng chứng cho thấy, Quân đội chính phủ Ukraine đã sử dụng một số loại tên lửa đạn đạo trong các chiến dịch quân sự, nhằm ngăn chặn bước tiến của lực lượng dân quân đòi ly khai ở miền Đông Ukraine.
Trong một phóng sự mới đây, hãng truyền thông Life News của Nga đã đăng tải một đoạn vedio cho thấy, phần đuôi còn sót lại còn khá nguyên vẹn của một tên lửa đạn đạo tầm ngắn OTR-21 Tochka được Quân đội chính quyền Kiev sử dụng từ đầu cuộc xung đột cho tới nay.
Theo đại diện lực lượng dân quân miền Đông Ukraine cho biết, lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ quả tên lửa đạn đạo Tochka này ở gần thành phố Bryanka trước khi các mảnh vỡ của nó rơi xuống nhà máy luyện kim Alchevsk. Các nhân chứng cho biết quả tên này được phóng đi từ phía tây nam và bay thẳng về phía tỉnh Lugansk, miền Đông Ukraine, còn lực lượng dân quân ở khu vực này đang cố gắng thu thập các mảnh vỡ của quả tên lửa để làm bằng chứng chống chính quyền Kiev.
|
Dù được cho là bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không nhưng phần sót lại của quả tên lửa Tochka vẫn còn khá nguyên vẹn.
|
Đánh giá của Jane’s
Để bắn hạ thành công một tên lửa đạn đạo chiến thuật đang bay với tốc độ cực cao, thì bắt buộc lực lượng dân quân miền Đông Ukraine phải sở hữu các tổ hợp tên lửa phòng không tiên tiến như Buk (SA-11 'Gadfly') hay Buk-M2 (SA-17 / 'Grizzly') vốn khó có thể tìm thấy ở chiến trường miền Đông Ukraine.
Hầu hết các biến thể của tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Buk đều có khả năng đánh chặn một tên lửa đạn đạo chiến thuật, với tính năng tương tự một tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm xa S-300P hoặc như tổ hợp tên lửa – pháo phòng không tiên tiến 96K6 Pantsir-S1 với khả năng đánh chặn các mục tiêu ở tầm gần. Tuy nhiên, việc lực lượng dân quân sở hữu một tổ hợp tên lửa phòng không như Buk đã là điều hết sức khó khăn, thì S-300P hay Pantsir-S1 lại càng không thể.
|
Tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn Tochka của Quân đội chính phủ Ukraine trong một lễ duyệt vào năm 2014.
|
Có khá nhiều kịch bản cho việc lực lượng dân quân miền Đông Ukraine bắn hạ tên lửa đạn đạo OTR-21 Tochka của Quân đội chính phủ Ukraine, trong đó giả thuyết được ủng hộ nhất là quả tên lửa này đã gặp sự cố và rơi ngay sau khi được bắn đi. Với bằng chứng rõ nét nhất là nếu bị bắn hạ bởi một tên lửa phòng không tầm trung Buk thì chắc chắn toàn bộ phần thân của quả tên lửa Tochka này sẽ bị phá hủy và găm đầy mảnh vỡ từ đầu đạn phân mảnh được trang bị trên các tên lửa phòng không Buk. Trong khi đó, phần sót lại của quả tên lửa đạn đạo Tochka bị bắn hạ vào đêm 1/2 lại khá nguyên vẹn.
Trong cuộc xung đột giữa Nga và Gruzia vào năm 2008, Quân đội Gruzia hầu như không thể nào bắn hạ được các tên lửa Tochka của Nga, trong khi đó một tên lửa đạn đạo Tochka được trang bị đầu đạn nổ cực mạnh sau khi được kích hoạt thì rất khó để có thể tìm được những gì còn sót lại. Tuy nhiên, trong cuộc chiến vào năm 2008 phía Gruzia cũng tìm được những quả tên lửa Tochka với phần thân và phần đuôi còn khá nguyên vẹn gặp sự cố kỹ thuật và rơi ngay sau khi được phóng đi, tương tự như quả tên lửa đạn đạo Tochka được tìm thấy ở miền Đông Ukraine.
Trường hợp các loại tên lửa gặp sự cố và rơi trong quá trình bay không phải làm hiếm với các nguyên nhân đơn giản nhất là do tuổi thọ hoặc do lỗi kỹ thuật trong quá trình sản xuất và thiết kế. Mặt khác các tên lửa đạn đạo Tochka vốn được Liên Xô sản xuất chủ yếu từ những năm 1980 thậm chí có một số tên lửa được đưa vào sử dụng từ cuối những năm 1970.
|
Hình ảnh chụp phần xót lại của một tên lửa đạn đạo Tochka của Quân đội Nga rơi ở Gruzia vào năm 2008.
|
Dựa trên những bằng chứng này có thể cho rằng, các quả tên lửa Tochka được Quân đội Nga sử dụng ở Gruzia và Quân đội chính phủ Ukraine sử dụng ở miền Đông nước này, đều có thể đã gặp sự cố kỹ thuật dẫn tới mất khả năng bay và rơi ngay sau khi được phóng đi.
Cho dù vậy đi nữa thì việc chính quyền Kiev cho phép quân đội của mình sử dụng các loại tên lửa đạn đạo chiến thuật có tầm bắn lên tới 180km và có thể mang theo một đầu đạn nặng 482kg, có sức công phá cực mạnh bắn vào các khu vực dân cư là điều không thể chấp nhận được. Mặc dù nước này không phải là thành viên của Công ước quốc tế về cấm sử dụng và tàng trữ bom chùm nhưng hành động này sẽ mang lại các tác dụng ngược đối với chính quyền Kiev trên trường quốc tế.