Lê Lựu nước mắt như mưa kể về Đại Tướng

Google News

(Kiến Thức) - Nhà văn Lê Lựu đã không kìm được xúc động trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với ông, Đại tướng vẫn sống đến ngàn năm.

Lê Lựu và một lần hối hận với Đại tướng
Nhà văn Lê Lựu đứng tựa vào thanh sắt được thiết kế dọc căn phòng nhỏ của Trung tâm VHDN. Câu chuyện liên tục đứt quãng vì những cơn xúc động. Có những lúc ông nở nụ cười, gương mặt rạng rỡ, nhưng cũng có lúc giọng ông lạc đi, run rẩy.
 Nhà văn Lê Lựu nghẹn ngào nhớ về Đại tướng
“Đại tướng bệnh cả chục năm nay, tuổi thọ đã cao, nhưng sao nhận tin bác ra đi, vẫn thấy đột ngột” – Nhà văn Lê Lựu xúc động. Ông quay đi nức nở, gương mặt méo xệch, những giọt nước mắt của nhà văn già không chảy ra ngoài mà lặn vào trong.
Nhà văn Lê Lựu kể, ông không nhớ nổi bao nhiêu lần đã được gặp Đại tướng. Khi thì trong quân đội, lúc ngoài đời thường, cả những lần phỏng vấn viết bài về Đại tướng. Nhưng có một điểm chung, bất kể lúc nào gặp, Đại tướng đều chan hòa và trò chuyện rất mực thân tình.
Lần đầu tiên Lê Lựu gặp Đại tướng là năm 1965, ở quân khu III, Chí Linh, Hải Dương. Khi đó, Lê Lựu là hạ sỹ - phóng viên cho báo Quân khu. Ấn tượng về người Tổng tư lệnh đứng đầu Quân đội nhân dân Việt Nam thật bình dị, dễ gần. Đại tướng trò chuyện thân tình với Lê Lựu mà không hề có sự phân biệt tướng, sỹ. Chính điều đó khiến nhà văn cảm thấy vô cùng xúc động và vinh dự.
“Một người chiến sỹ vô danh như tôi mà được trò chuyện với Đại tướng một cách bình đẳng như một người bạn, với tôi đó là vinh dự suốt đời” - nhà văn Lê Lựu.
Nhưng có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất của Lê Lựu về Đại tướng đó là lần ông cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa đến phỏng vấn Đại tướng tại tư gia để viết bài cho báo VNQĐ.
 Đại Tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ và trò chuyện với Trần Đăng Khoa, Lê Lựu và Anh Ngọc. (Ảnh nguồn: Anh Ngọc)
“Khi ấy, Trần Đăng Khoa ở tuổi 38, còn tướng Giáp tuổi 83. Lần đấy, khi viết bài xong lúc gửi lại cho Đại tướng xem trước khi đăng, ông đã gạch đi một đoạn trong bài viết của tôi. Khi cầm lại bài viết tôi liền phản ứng và trót nói một câu mà đến giờ khi nhắc lại vẫn còn hối lỗi: “Sao Đại tướng lại gạch câu hỏi này của tôi?” Nói xong câu ấy tôi mới biết mình có thái độ như thế là không được.
Thế nhưng, khi ấy Đại tướng đã bước đến bá vai tôi, ông dẫn tôi đi dạo quanh vườn. Sau đó, thủ thỉ trò chuyện như một người bạn, rằng bác đã làm tuyên huấn từ năm 16 tuổi, nên quen làm gì, nói gì cũng phải nghĩ trước nghĩ sau. Đó là lý do Đại tướng gạch đi đoạn phỏng vấn mà ông cho rằng chưa hợp lý. Trước hành động và những lời tâm tình của Đại tướng tôi cảm thấy vừa cảm động vừa ân hận vô cùng”.
Đại tướng là vậy. Suốt bao nhiêu năm làm tướng lĩnh, chiến đấu với kẻ thù, mà chưa bao giờ thấy Đại tướng nói to với ai. Kể cả trong cuộc sống, nhiều lúc đầy những oái ăm, tưởng như người thường sẽ không chịu nổi, vậy mà Đại tướng vẫn bình thản đến lạ kỳ.
Đại tướng vẫn sống đến ngàn năm
Ấn tượng thứ hai của tác giả “Thời xa vắng” về Đại tướng đó là lần cùng đoàn quân đội về thăm lại Điện Biên, nhân dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
 Lê Lựu mong đến tiễn biệt Đại tướng
Nhà văn Lê Lựu – khi ấy là Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đã được nghe câu chuyện Đại tướng làm ông tơ bà nguyệt cho ông Cao Văn Khánh – Phó tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN và vợ ông – bác sĩ Ngọc Toản.
Lúc đứng trên hầm tướng Đờ Cát, bà Ngọc Toản đã chia sẻ, ngay trên hầm này, Tướng Giáp đã se duyên cho bà và ông Khánh, khi đó đang là Sư trưởng sư 308. “Người đem lại hạnh phúc cho tôi đang ở đây nhưng người se duyên cho chúng tôi thì hôm nay không có mặt” – bà Toản kể. Thế nhưng, không ai biết 3 ngày trước đó, Đại tướng đã về lại Điện Biên và ông cũng đứng chính tại nơi đây.
Đại tướng không chỉ là vị tướng kiệt xuất mà còn là một nhà văn hóa lớn của dân tộc. Theo Lê Lựu, ông đã nhiều lần được chứng kiến sự kính trọng và hâm mộ người Mỹ dành cho Đại Tướng. Người trưởng đoàn của giới văn nghệ sĩ Mỹ, trong dịp sang VN hội thảo, sau khi gặp Đại tướng đã phải thốt lên: "Đại tướng không chỉ là người anh hùng của dân tộc VN mà còn là một vị tướng tài ba với thế giới. Đại tướng không chỉ thắng Mỹ về chiến tranh mà còn thắng bằng tâm hồn cao cả."
Riêng với Lê Lựu, Đại tướng còn là người đã tiếp thêm cho ông sức mạnh. Thời trước, tầng lớp doanh nhân vốn không được coi trọng, họ bị liệt vào lớp con buôn, hạng “phe phẩy”. Nhưng Đại tướng lại khác, người đề cao vai trò những người doanh nhân là người chiến sĩ làm giàu cho đất nước và ủng hộ hoạt động của Trung tâm Văn hóa doanh nhân.
 Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Lê Lựu được treo trang trọng tại Trung tâm VHDN
Đó cũng là lý do, bức thư của Đại tướng gửi cho Trung tâm VHDN được Lê Lựu đóng khung, treo trang trọng tại trung tâm. Cả bức hình Lê Lựu chụp chung cùng Đại tướng năm 1994 cũng được đặt trang trọng trong phòng khách.
Những lời động viên của Đại tướng đã cổ vũ tinh thần cho Lê Lựu. Ngay như câu thơ của Đại tướng “Mỗi lần vấp là một lần bớt dại” đã trở thành kim chỉ nam, vực ông vượt qua những vấp váp và giông gió trong cuộc đời.
Lần cuối khi Lê Lựu đến thăm Tướng Giáp, khi đó Đại tướng đã yếu nhưng vẫn còn khá minh mẫn. Khi bà Đặng Bích Hà, vợ Đại tướng gọi: “Ông ơi, Lựu đến thăm”. Đại tướng đã quay lại gật đầu. Giờ đây, khi Đại tướng về cõi, Lê Lựu bồn chồn, mong ngóng. Ông nói, nhất định ngày mai phải đến tận ngôi nhà 30 Hoàng Diệu để tiễn biệt Đại tướng, dù với người đang mang hàng chục căn bệnh như ông, việc đi lại không phải chuyện dễ dàng.
Dành trọn cuộc đời cống hiến, ở tuổi 103, Đại tướng đã ra đi thanh thản. Người đã về với cõi nhưng với Lê Lựu cũng như triệu người Việt Nam, Đại tướng vẫn còn sống mãi.
Bài thơ Vấp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

Mỗi lần vấp là một lần bớt dại
Tuy hơi đau nhưng có ngại chi anh
Trên đường đời dù lắm nẻo chênh vênh
Ta mạnh bước không bao giờ biết mỏi
Mỗi lần vấp là một lần bớt dại
Hiểu đời thêm và cũng hiểu người thêm
Muốn chi anh một kiếp sống êm đềm
Và phẳng lặng, không bao giờ biết vấp
Thuốc tuy đắng nhưng mà rồi dã tật
Vấp tuy đau nhưng mà hiểu đường đời
Còn sống còn tranh đấu mãi không thôi
Còn tranh đấu tất nhiên còn phải vấp.
Nguyệt Cát

Bình luận(0)