Câu chuyện đời ít biết về mẹ NS Hồ Hoài Anh

Google News

(Kiến Thức) - Yêu người đàn ông đầu tiên 10 năm rồi cưới. Sống chưa tròn một thập kỷ đã chia tay. Nhưng, tiếng đàn đã níu giữ để bà vẫn có thể sống, nuôi con và tiếp tục đàn. 

Đó là câu chuyện đời của NSND Thanh Tâm, mẹ nhạc sĩ Hồ Hoài Anh.
Nữ nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam thành danh với cây đàn bầu - NSND Thanh Tâm, từng đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa Nhạc cụ dân tộc ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia VN) và cũng là nữ nghệ sĩ đầu tiên được phong danh hiệu NSƯT rồi NSND với loại nhạc cụ dân tộc này.
 NSND Thanh Tâm - nữ nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam thành danh với cây đàn bầu.
Cùng với cây đàn nhỏ bé, NSND Thanh Tâm đã đi khắp các miền đất nước, với hàng trăm chuyến lưu diễn nước ngoài, được vinh dự biểu diễn trước các chính khách nổi tiếng thế giới: Tổng thống Mỹ Bill Clinton cùng phu nhân trong chuyến ông tới thăm Việt Nam, Thủ tướng Nga V.Putin, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào...
Thành danh là thế, nhưng ít ai biết, để trụ được với cây độc huyền cầm ấy, NSND Thanh Tâm đã vượt qua biết bao sóng gió, nổi trôi.
2 lần đập đàn, một lần bỏ học
Gian nan đến với NSND Thanh Tâm ngay từ khi bà lựa chọn cây độc huyền cầm để gắn nghiệp. Một quyết định có thể nói là liều lĩnh với cô bé 13 tuổi lúc ấy.
Thanh Tâm mê tiếng đàn bầu từ thuở bé. Qua chiếc đài nhỏ, bà từng như bị mê hoặc, ám ảnh với tiếng đàn trong veo, thánh thót. Thế nên khi Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện âm nhạc Quốc gia) tuyền sinh, không do dự bà đã thi tuyển và đòi học bằng được, dù gia đình không mấy bằng lòng bởi cái nghề đàn ca vốn bị coi là bạc bẽo, “xướng ca vô loài”.
Quyết định của cô gái nhỏ khiến ngay các thầy cô cũng phải ngạc nhiên, bởi theo NSND Vũ Tuấn Đức (nguyên Chủ nhiệm khoa Âm nhạc truyền thống đầu tiên và cũng là người tuyển Thanh Tâm vào trường) thì "từ xưa đến nay chưa có ai là nữ học đàn bầu mà trụ lại được". Lúc đó, NS Thanh Tâm chưa lường hết những khó khăn, nghiệt ngã của nghề. Với tính bướng bỉnh, lúc ấy cô gái Thanh Tâm chỉ biết, “các bạn nam học được cớ sao mình không học được”. Và rồi sau này, bà đã hiểu lý do tại sao không nữ sinh nào trụ lại được với cây độc huyền cầm. Ngay cả bà cũng 2 lần đập đàn, một lần bỏ học.
Thực ra, trước khi thi cô bé Thanh Tâm không hề biết cây đàn bầu dọc ngang ra sao, nên đến khi tận mắt nhìn thấy loại nhạc cụ mang đến âm thanh kỳ diệu ấy chỉ là một chiếc đàn nhỏ nhoi, lạc lõng thì thất vọng hoàn toàn. Cái tính trẻ con vốn thường thích oai với bè bạn, chỉ nhìn thấy thế là nản. Cộng với những lời trêu trọc, mỉa mai của bạn bè, “con gái mà học đàn bầu”, đã gây cho cô bé Thanh Tâm nhiều mặc cảm, tủi thân.
Thêm nữa, cây đàn mộc cứ giống như trêu ngươi, khi gẩy lên tiếng chỉ bé tí ti, thậm chí không thành tiếng, khiến Thanh Tâm phát khóc. Có lần vừa bị khích bác, vừa đánh mãi không kêu, chán quá Thanh Tâm ném bay chiếc đàn ra sân giữa trời đang mưa. Tới khi bác chủ nhà đến hỏi: “Sao lại ném vỡ hết đàn thế kia?”, Thanh Tâm mới nhặt vào. Thế nhưng trong bụng vẫn chưa hết ghét, lại ngấm ngầm, hay là mang đi đốt. Sau đó, sợ nhà trường bắt phải đền vì đàn mượn, Thanh Tâm mới hì hục mang đàn ra ngồi bó lại. Nghệ sĩ Thanh Tâm cười: “Cây đàn đầu tiên chỉ vỡ ít vẫn dùng được, nhưng đến lần sau thì vỡ thật. Đập đàn thì chỉ có 2 lần nhưng những lần chán tập quẳng đàn ra một xó thì nhiều vô kể, thậm chí còn trốn học bỏ về”.
Hai năm học đầu trường đi xơ tán lên Bắc Giang, khi đó Thanh Tâm đã quốc bộ 200 km, đi cả ngày cả đêm trốn học về Hà Nội. Thấy con gái bỏ trường, bố Thanh Tâm - một người theo nghành y nhưng rất yêu nghệ thuật và được dân làng gọi là "ông trùm phường chèo", ông đã không mắng nhưng nghiêm khắc: “Vào trường là ý thích của con, dù bố mẹ không bằng lòng nhưng vì con nên đã đồng ý. Giờ đã chọn thì phải học. Càng khó thì càng phải chứng minh mình làm được. Con lúc nào cũng thích đi diễn bây giờ có cơ hội tại sao không cố gắng”. Đêm đó hai bố con thức cả đêm nói chuyện, ông nói nhiều nhưng tất cả đều hướng đến một điều, đã làm bất cứ việc gì thì phải làm đến nơi đến chốn. Ở nhà một đêm, sáng mai, Thanh Tâm được bố đèo xe đạp lên trường.
“Từ đấy, mỗi tháng ông lên thăm tôi một lần để động viên. Sáng sớm ông đạp xe từ Hà Nội, mãi đêm mới đến nơi. Ở chơi được một buổi, ăn cơm trưa xong ông lại đạp xe từ Bắc Giang ngược về, tảng sáng hôm sau mới về đến nhà. Giờ nhớ lại kỷ niệm xưa thấy thương ông, chỉ vì con mà vất vả” – NSND Thanh Tâm bồi hồi.
Thanh Tâm thừa nhận, bố đã giúp bà vững vàng hơn. Cùng với người cha nghiêm khắc, thầy Bá Sách là người đã vực dậy tình yêu trong cô học trò nhỏ đối với cây đàn giản dị. Những lúc chán, thầy Bá Sách lại gọi Thanh Tâm sang nhà, hai thầy trò ra vườn chè, thầy đặt cây đàn đặt lên chõng tre, gẩy lên những âm thanh trong vắt.
Từ đó, Thanh Tâm cũng học theo thầy, mỗi lúc buồn hay nhớ nhà Thanh Tâm lại ra vườn chè ngồi khóc một mình và làm bạn với tiếng đàn. Đến giờ nữ nghệ sĩ vẫn không quên được hình ảnh những đêm khuya thanh vắng, dưới ánh trăng, giữa vườn chè mênh mông, tiếng đàn đã vút lên thánh thót. “Lúc ấy tiếng đàn mộc bỗng nhiên hay vô cùng, đục đục, hơi rè nhưng rất trong. Hình ảnh đó nằm sâu trong tiềm thức và kết thành tình yêu với cây đàn một dây khiến tôi không tài nào dứt ra được” – Nghệ sĩ Thanh Tâm nhớ lại.
Mất hai năm rưỡi không để tâm vào việc học, đến khi thấy yêu cây đàn thì bất ngờ Thanh Tâm lại bị tai nạn, gãy tay. Nghệ sĩ Thanh Tâm kể: “Lần đấy tôi đèo bạn đi xem phim ở Cầu Giấy – khi ấy còn khoảng đất trống chỗ công viên Thủ Lệ làm bãi chiếu phim. Đến đoạn lên dốc, mệt quá không lên nổi nên hai chị em xuống xe để dắt bộ. Chiếc xe đạp thì cao, không may lúc xuống gấu quần mắc vào xe nên tôi bị ngã, tay phải bị gãy, phải đi viện bó bột mất 3 tháng. Lúc đấy mới bắt đầu lo vì chỉ còn 1 năm là tốt nghiệp, thế là tiếc thời gian, bó bột 1 tháng là đã mang đàn ra tập lại. Cái tay bị bãy là tay nhấn cần, thế là gần như phải bắt đầu lại từ đầu, tập từ quãng ngắn nhất, những kỹ thuật đơn giản nhất. Cũng do tập sớm, xương bị lệch mà đến giờ cánh tay vẫn bị cong”. Khó khăn là thế nhưng nghệ sĩ Thanh Tâm không hề nản bước. Chính niềm đam mê đã giúp bà làm chủ được cây độc huyền cầm.
Vừa ôm đàn vừa né … đá
NS đàn bầu Thanh Tâm bắt đầu đi diễn từ rất sớm, ngay từ năm học thứ 3, thứ 4 bà đã được lên sân khấu. Với bà khi ấy được diễn trong Hội trường Ba Đình là cả một niềm vinh dự lớn lao. “Diễn xong mà được ăn một bát miến tàu nữa thì không còn gì sung sướng bằng” – bà cười.
 NSND Thanh Tâm nhớ lại những ngày gian nan khi quyết định gắn nghiệp với đàn bầu.
Thế nhưng cũng có lần Thanh Tâm cảm thấy chạnh lòng khi chiếc đàn mang hồn cốt dân tộc ấy bị mỉa mai: “ôi lại tông dật à!”. Thậm chí, vừa ra sân khấu bà đã phải nghe những tiếng la ó: “xuống đi, xuống đi”.
Đó là lần đi diễn gần Phủ Lý, nghệ sĩ Thanh Tâm kể, có nghệ sĩ (hiện nay cũng là NSND) trong đoàn với Thanh Tâm vừa bước lên sân thì bên dưới lập tức có tiếng la ó, đuổi xuống. Thế nhưng người nghệ sĩ ấy vẫn vững vàng, vẫn hát rất say sưa và pha trò: “Hát xong 2 bài, đuổi tôi mới xuống”. Những hành động quá khích của khán giả với người nghệ sĩ ấy chỉ giống như một viên đá ném xuống mặt nước hồ.
Nhưng NS Thanh Tâm thừa nhận, mình thì không vững vàng được đến vậy. Khi thấy đất, đá ném lên sân khấu bà đã từng hốt hoảng. “Tôi sợ đến mức phải dừng lại trong cánh gà mấy chục giây, sau đó mọi người động viên mới dũng cảm bước tiếp. Lúc ấy cứ nghĩ là người nghệ sĩ biểu diễn trước họ nổi tiếng thế còn bị đuổi xuống huống chi là mình với một cây đàn dân tộc, bé nhỏ, lẻ loi”. Nhưng may thay, khi ấy tiếng đàn cất lên thì không còn thấy đất, đá ném lên nữa. Đàn xong vẫn có tiếng vỗ tay nhưng bà đã không có đủ dũng khí để đàn tiếp bài thứ hai. Mặc dù đó là lần duy nhất và hành động ấy cũng chỉ do một vài cá nhân, nhưng vẫn khiến cô gái trẻ Thanh Tâm bị ám ảnh. Đó là chuyện có thật, nghe buồn cười nhưng lại đau lòng. Sau này càng yêu cây đàn, càng đi nước ngoài biểu diễn và nhận được nhiều tình cảm mến yêu của khán giả bao nhiêu thì nghệ sĩ Thanh Tâm lại càng buồn bấy nhiêu khi nghĩ đến hành động này của khán giả trong nước.
Cả cuộc đời gắn bó với đàn bầu, NSND Thanh Tâm đã từng đến với khắp các tỉnh thành trên cả nước, đi hàng trăm chuyến lưu diễn tại nước ngoài. Không ít lần bà phải rưng rưng xúc động trước tình cảm của bạn bè quốc tế dành cho chiếc đàn bầu VN: “Lần biểu diễn ở Liên Xô, diễn xong sân khấu tràn ngập hoa. Quá yêu mến tiếng đàn, những người lính đã nhổ ngay vườn hoa phía sau để tặng cho nghệ sĩ. Hay nhiều lần ngồi đàn mà tất cả khán giả bên dưới đều im lặng như tờ. Không gian tĩnh lặng đến mức nghe thấy từng hơi thở, từng tiếng chạm tay vào đàn. Đến khi tiết mục kết thúc thì những tràng pháo tay kéo dài không dứt”.
Từ giọt đàn bầu, tình yêu nảy nở
"Đàn bầu ai gẩy nấy nghe/ Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu" - Không phải ngẫu nhiên mà ca dao xưa lại khuyên những cô gái mới lớn phải tránh xa tiếng đàn. Bởi không ít người khi nghe đã say tiếng đàn kỳ diệu và say luôn cả đấng nam nhi – chủ nhân cây đàn.
Mối tình đầu của NSND Thanh Tâm cũng bắt đầu từ việc mê tiếng đàn thánh thót ấy. “Tôi đã yêu và lấy ngay chính người thầy đã dạy mình những tiếng đàn đầu tiên – thầy Chí. Khi đó anh mới ra trường, chỉ hơn tôi 3 tuổi. Anh dạy tôi 2 năm đầu, đến năm thứ 4, tôi 17 tuổi thì bắt đầu yêu”.
Dạo trẻ, NSND Thanh Tâm vốn nổi tiếng xinh xắn, đáng yêu nên xung quanh có nhiều người để ý, trong đó có thầy giáo trẻ. Thế nhưng cô gái Thanh Tâm chỉ hồn nhiên mê đắm tiếng đàn và cuối cùng người thầy tài hoa với tiếng đàn bầu ấy đã chinh phục được bà. Cho đến giờ NSND Thanh Tâm vẫn kể, khi ấy bà sợ nhiều hơn là yêu, ngoài tình cảm nam nữ còn cả sự biết ơn vì đó là người dạy cho bà những tiếng đàn đầu tiên.
Và những kỷ niệm của mối tình đầu của nữ nghệ sĩ cũng trong như giọt đàn bầu. Thanh Tâm kể, có lần đi cùng nhau từ Bắc Giang về Hà Nội, lúc xuống dốc, người yêu đánh rơi cả bạn gái mà không biết. Rồi những chiều lên cầu Văn Lĩnh ngắm hoa cải trải vàng một triền sông Đáy, những lần học đàn bị cốc sưng đầu…cứ thế dày lên thành kỷ niệm. Tình yêu càng khiến Thanh Tâm thêm gắn bó với cây đàn.
Tình yêu 10 năm bén thành trái ngọt. Hai người làm đám cưới. Họ sinh con, đó chính là nhạc sĩ Hồ Hoài Anh. Nhưng khi Hồ Hoài Anh ra đời, cũng là lúc xuất hiện những hiểu nhầm, rạn nứt. Khi Hồ Hoài Anh lên 6, hai người ly thân. Một năm sau họ chính thức chia tay. Giờ đây, cả hai đã tìm cho mình những bến đỗ khác. Người đàn ông xưa đã nói với Thanh Tâm lời xin lỗi muộn màng, và bà đã để lại quá khứ đẹp đẽ nhưng cũng nhiều nỗi niềm lại phía sau. 
Giữa bão giông, nương cây đàn đứng dậy
Trong bể dâu cuộc đời, Thanh Tâm đã "vin cây đàn mà đứng dậy". Bà kể rằng, cây đàn chính là người bạn tri kỷ, là nơi gửi gắm nỗi niềm, giúp bản thân tìm thấy bình yên. Và cũng chính nó giúp bà sống vị tha hơn. 
 Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh độc tấu đàn bầu
Chia tay mối tình đầu tiên, người đàn ông bà gọi là chồng, NS Thanh Tâm trong tay chỉ lấy chiếc xe đạp cũ để chở con đi chơi. Còn chiếc xe máy 82, cái tivi cũ và tủ lạnh cũ bà để lại. Khoảng những năm 1986 ấy cũng là giai đoạn khủng hoảng nhất cuộc đời Thanh Tâm. Bà thậm chí từng nghĩ sẽ đầu hàng số phận. Nhưng Hồ Hoài Anh đã trở thành động lực rất lớn, trở thành cây đàn thứ hai để bà vịn vào lúc đời dông tố. 
Bên cạnh đó, bạn bè đồng nghiệp cũng là những người đã mang đến ân tình. NS Thanh Tâm nhớ rất rõ, khi ấy bà đã bỏ đàn một thời gian. Những người bạn, người mua cho hai mẹ con chiếc tivi cũ, dù mỗi lần xem phải đập đập mới lên hình. Bà bảo, đó là những điều cả đời sẽ không thể quên. Cũng chính bạn bè, học sinh đã kéo Thanh Tâm trở lại sân khấu và nối duyên cho bà với người đàn ông hiện tại.
Hồ Hoài Anh - Tiếng đàn nối dài của cuộc đời
Kể về người con trai duy nhất, NS Thanh Tâm xúc động: “Dạo đó ăn cơm còn phải ngồi đếm từng hạt lạc cho con. Tôi dỗ Hồ Hoài Anh, một bát cơm con chỉ ăn từng này lạc thôi nhé! Không là mặn đấy, nói thế nhưng vì thức ăn không có gì nên phải tằn tiện. Dạo đó, rau cỏ Hồ Hoài Anh đi hái quanh nhà, rồi bắt con cá cờ cho mẹ xát vẩy, rán lên ăn. Mùa mưa thì Hồ Hoài Anh đi bắt cá rô... Cuộc sống tuy nghèo nhưng lại rất vui, ấm áp. Khổ thế nhưng Hồ Hoài Anh còn nuôi thỏ để làm cảnh chứ nhất định không cho thịt”.
Cũng theo tiết lộ của bà, chàng nhạc sĩ nổi tiếng hiện tại, suốt quãng đời tuổi thơ chỉ duy nhất một lần bị mẹ đánh đòn. Nghệ sĩ Thanh Tâm nhớ lại: “Hôm đó, đã đêm mà mãi không thấy Hồ Hoài Anh về, tới khi về lại thấy có mùi thuốc lá, mặt thì vẽ mấy cái râu mèo. Nhìn thấy con, bực quá tôi quát: “Con hút thuốc lá à? Sao mặt mũi con lại vẽ lung tung thế này?”. Hồ Hoài Anh mới trả lời: “Mấy anh bảo con hút thuốc lá đi rồi mà đi bụi đời, bố mẹ mày bỏ nhau rồi”. Nghe vậy, điên quá, tôi vớ cái dây diện quất cho ba cái vào chân. Không ngờ bị mẹ đánh, Hồ Hoài Anh cứ đứng trân trân nhìn, cũng không khóc. Hôm đấy đánh Hồ Hoài Anh cũng vô lý nhưng lúc đấy đang tức đời không kìm nổi. Sau khi đánh, nhìn chân Hồ Hoài Anh hằn lên vết tía, lúc đấy thương con quá tôi ôm Hồ Hoài Anh vào lòng nức nở. Thấy mẹ khóc, Hồ Hoài Anh cũng òa lên".
"Sau đó, Hồ Hoài Anh thủ thỉ hỏi: Sao mẹ đánh con đau thế? Tôi trả lời: Mẹ xin lỗi, tại ai bảo con nói đi bụi đời? Hồ Hoài Anh hồn nhiên kể, các anh bảo con, mày đi bụi đời đi, bố mẹ mày bỏ nhau rồi, mẹ mày đi lấy chồng không nuôi mày đâu. Lúc đấy nghe con nói mà thương con vô hạn. Có thể đến giờ Hồ Hoài Anh không còn nhớ nhưng tôi thì không bao giờ quên được”.
Cũng từ đấy, NSND Thanh Tâm luôn giữ con bên mình cho đến lúc trưởng thành. Sống trong vòng tay mẹ, cũng chính tiếng đàn đã truyền cho Hồ Hoài Anh ngọn lửa đam mê với cây độc huyền cầm. Hiện tại, anh cũng là giảng viên môn đàn bầu tại Học viện Âm nhạc Quốc gia – nơi nghệ sĩ Thanh Tâm gắn bó. Không chỉ thành danh với tiếng đàn, Hồ Hoài Anh còn nổi tiếng trong vài trò nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc. Anh cũng là người đóng vai trò quan trọng đưa ca sĩ Lưu Hương Giang – vợ anh đến gần hơn với công chúng. Thành công của Hồ Hoài Anh cũng là món quà đối với NSND Thanh Tâm, điều khiến bà cảm thấy hạnh phúc, sau một kiếp đời lênh đênh cùng giọt đàn bầu.
NSND Thanh Tâm là người đầu tiên ra đĩa về thể loại âm nhạc dân tộc. CD cá nhân đầu tiên mang tên "Tiếng đàn bầu Thanh Tâm" được NXB Âm nhạc thu âm và phát hành đã trở thành một trong những đĩa nhạc bán chạy nhất những năm 1990.
Những bản nhạc như "Ru con" (dân ca Nam Bộ), "Cung đàn đất nước", "Buổi sáng sông Hương" của nhạc sĩ Xuân Khải do NSND Thanh Tâm độc tấu hoặc hòa tấu cùng dàn nhạc suốt nhiều năm đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng…
Hiện nay về nghỉ hưu, rời cương vị công tác ở nhiệm sở nhưng công việc giảng dạy bộ môn đàn bầu vẫn luôn là một phần cuộc sống của NSND Thanh Tâm. Ngày ngày, bên chiếc đàn một dây, nghệ sĩ Thanh Tâm vẫn cần mẫn chau chuốt từng tiếng đàn, cần mẫn truyền lửa đam mê cho những thế hệ học trò kế tiếp.
Nguyệt Cát

Bình luận(0)