Cả cuộc đời gắn bó với… bò, trâu
Ở Việt Nam, một người hai lần nhận danh hiệu Anh hùng không quá hiếm nhưng hai lần nhận danh hiệu cao quý ấy cho mỗi một việc nuôi bò, nuôi trâu thì chỉ có Anh hùng lao động Hồ Giáo.
|
Anh hùng lao động Hồ Giáo. |
Hồ Giáo sinh năm 1930, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, Quãng Ngãi. Ông có tuổi thơ hết sức cơ cực. Là anh cả của năm đứa em, 12 tuổi, chưa biết đọc chữ, Hồ Giáo đã phải đi ở đợ.
Năm 17 tuổi, Hồ Giáo và ba người bạn cùng thôn đã bỏ làng đi theo tiếng gọi của cách mạng. Năm 1954, Hồ Giáo tập kết ra Bắc, làm nhiệm vụ ở Trung đoàn 94, rồi tiếp theo là Sư đoàn 350 bảo vệ Thủ đô.
Năm 1960 ông chuyển ngành và xung phong lên Ba Vì xây dựng nông trường chăn nuôi. Ông tâm sự là bộ đội nhưng cũng là nông dân nên làm nghề nông là chắc chắn nhất. Những năm tháng ở Ba Vì, ông được phong Anh hùng nhờ giỏi nuôi bò, nuôi heo. Trình độ chăn nuôi nước ta hồi đó chưa cao. Nhưng với bản tính cần cù và sự tìm tòi, có những việc phức tạp người khác không làm được như thụ tinh nhân tạo cho heo, trị bệnh heo, bò... Hồ Giáo làm được.
Khoảng năm 1976, ông được thông báo về Hà Nội gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhìn thấy ông, Thủ tướng Đồng nói ngay: “Ấn Độ vừa tặng ta 500 con trâu Murrah. Giáo phải vào Nam và xây dựng trại trâu trong đó nhé”. Vậy là ông khoác ba lô lên đường vào Sông Bé. Ông chuyển từ nuôi bò sang nuôi trâu.
Thời gian ở Sông Bé, ông lại đem hết tài nghệ để chăm sóc cho đàn trâu. Tại đây, một lần nữa ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ hai năm 1986 nhờ những chiến công "thầm lặng" trong công việc chăn nuôi.
Năm 1991, tuy đến tuổi nghỉ hưu nhưng ông lại ông lại được giao nhiệm vụ đưa 15 con trâu Murrah về xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi để trực tiếp nuôi và nhân giống. Suốt hơn 35 năm xuôi ngược từ Bắc vào Nam, nay ông mới được về với quê hương núi Ấn, sông Trà. Về quê, ông lại góp sức nuôi dưỡng đàn trâu Murrah khỏe mạnh, nhân giống để phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh. Lúc cao điểm, trại trâu có đến gần 20 con.
Từ chối làm quan để được… chăn bò
Không chỉ hai lần được phong Anh hùng lao động, Hồ Giáo còn là đại biểu Quốc hội ba khóa liền (khoá III, IV, V). Tuy nhiên nhiều người thắc mắc, tại sao thành tích nổi bật như vậy, mà ông mãi vẫn chỉ là... anh hùng chăn bò.
|
Gắn mình với việc nuôi trâu, nuôi bà, Hồ Giáo yêu các con vật của mình vô bờ bến. |
Trước những thắc mắc như thế, lần nào Hồ Giáo cũng cho biết, ông đã hai lần được đề bạt “làm quan”, nhưng lần nào ông cũng từ chối.
Hồ Giáo kể hồi ở Ba Vì ông nuôi bò, làm Đội trưởng Đội 1, lãnh đạo bảo ông làm Phó giám đốc, nhưng ông từ chối vì lý do lớn tuổi, trình độ quản lý lại không có nên người trẻ có trình độ làm. Về Sông Bé một thời gian ông lại được đề bạt làm phó giám đốc, ông cũng khước từ. "Đưa tôi vào làm chăn nuôi trực tiếp thì tôi làm, chứ còn lãnh đạo thì tôi không làm đâu”.
Gắn mình với việc nuôi trâu, nuôi bò, Hồ Giáo yêu các con vật của mình vô bờ bến. Ông chăm chút từng ngọn cỏ, miếng ăn cho những con bê con, xoa đầu âu yếm chúng.
Ngày nào Hồ Giáo cũng đi bộ gần 6km từ TP Quảng Ngãi lên trại trâu. Người dân dọc tỉnh lộ 624 đã quen với hình ảnh một ông già xách chiếc cặp lồng trên tay, ngày hai buổi đi về... Giữa năm 2010, ông quyết định "nghỉ hưu" ở tuổi 82.
Những ngày đầu về nghỉ, không ngày nào ông không nhớ tới đàn trâu. Nhớ mùi ngai ngái, nồng nồng đã gắn bó, ăn vào từng thớ thịt của ông suốt cả cuộc đời. Không được cắt cỏ, chăm sóc lũ trâu, chân tay ông cứ như thừa. Cứ một đến hai tuần, ông lại đi nhờ xe lên thăm đàn trâu, cho chúng ăn để vơi đi nỗi nhớ.
Tháng 10/2015, Anh hùng Hồ Giáo mãi mãi đi xa. Người dân luôn nhớ tới ông, không phải vì ông nhận vinh quang ấy đến hai lần trong đời mà ở ông luôn toát lên vẻ đẹp dâng hiến đến tận cùng.
Nhớ ông, người đời sẽ nhớ đến bài hát Bài ca anh Hồ Giáo:
"Ơi anh Hồ Giáo ơi…
Tôi nghe tiếng khèn pi yêu thương giữa lòng anh
Say mê những đàn bê, vâng theo anh Hồ Giáo…"
Mời độc giả xem video:Nắng nóng đang hoành hành tại châu Âu. Nguồn: THDT.