GS.TS. Lê Anh Tuấn, sinh năm 1975, quê ở Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, tốt nghiệp đại học ngành Kỹ thuật cơ khí động lực tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngay năm đó, ông được tiếp nhận làm giảng viên của trường, đồng thời tiếp tục học lên và tốt nghiệp thạc sĩ năm 1999.
|
GS.TS. Lê Anh Tuấn |
Năm 2005, GS.TS. Lê Anh Tuấn lấy bằng tiến sĩ ngành Kỹ thuật cơ khí động lực tại Đại học Kỹ thuật Graz (Áo). Ông được bổ nhiệm giáo sư năm 2017.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, GS.TS. Lê Anh Tuấn đảm nhiệm nhiều chức vụ và hiện là Viện trưởng Cơ khí động lực. Trước khi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng trường, ông làm thư ký Hội đồng trường nhiệm kỳ 2015-2020 và Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2020-2025.
Về chuyên môn, GS.TS. Lê Anh Tuấn đã thực hiện nhiều đề tài/dự án nghiên cứu cấp quốc gia và nghị định thư với nước ngoài. Bên cạnh đó, ông đã chủ biên và tham gia biên soạn 2 giáo trình, 4 chương sách xuất bản ở Nhà xuất bản quốc tế, 2 bằng sáng chế, 37 bài báo ISI/Scopus và nhiều bài báo/báo cáo trong kỷ yếu hội nghị và các tạp chí khác.
Ngoài ra, GS.TS. Lê Anh Tuấn từng là Trưởng một tiểu ban thuộc Hội biên tập công trình Châu Á (CASE); ủy viên thường trực Hội các nhà nghiên cứu biên tập công trình Việt Nam (VASE); thành viên Hội kỹ sư ô tô quốc tế; thành viên mạng lưới xe điện toàn cầu (GEAN); thành viên Hội đồng cố vấn phát triển giao thông các bon thấp Châu Á; thành viên ban biên tập nhiều tạp chí quốc tế và tạp chí trong nước.
|
GS.TS. Lê Anh Tuấn, 46 tuổi là tân Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. |
Năm 2019, GS.TS. Lê Anh Tuấn được trao Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2021, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú.
GS.TS. Lê Anh Tuấn được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng trường tiếp tục nhiệm kỳ 2020 - 2025, thay cho PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, người được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ GD-ĐT hồi tháng 10/2020.
Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội được thành lập từ năm 2016, hiện có 23 thành viên, trong đó có đại diện ban giám hiệu, đảng ủy, công đoàn, giảng viên, viên chức, sinh viên trong trường.
Ngoài ra, Hội đồng trường Bách khoa Hà Nội còn có đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng 8 thành viên ngoài trường đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhà trường.