Ngày 20/6, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên vùng cao, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển tổ chức Hội thảo “Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”.
Toàn cảnh buổi hội thảo
PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch LHHVN, TS. Lê Công Lương – Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban KHCN và MT LHHVN và ông Trịnh Lê Nguyên – Giám độc Trung tâm Con người và Thiên nhiên đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch LHHVN cho biết, với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, LHHVN trong thời gian qua thực hiện nhiều nội dung nhằm góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch LHHVN
Ngày 22/5 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động về đa dạng sinh học. Mong rằng, thông qua hội thảo ngày hôm nay, cộng đồng các tổ chức, các nhà khoa học, nhà quản lý cùng nhau chia sẻ, thảo luận để thúc đẩy các cơ chế, chính sách nhằm thực hiện tốt hơn chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực hiệu quả để chung tay góp phần vào mục tiêu quốc gia và toàn cầu về bảo tồn thiên nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm, góp phần phát triển bền vững đất nước, PGS.TS Phạm Quang Thao cho biết thêm.
Theo ý kiến TS. Lê Công Lương – Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban KHCN và MT LHHVN cho biết, nhiều năm qua LHHVN và các hội thành viên, các đơn vị KH&CN đã tổ chức truyền thông về vai trò của đa dạng sinh học và ý nghĩa của Ngày Đa dạng sinh học (22/5), Ngày Môi trường Thế giới (5/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới (8/6), Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn cho cộng đồng, tập trung vào giới trẻ để nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, LHHVN cũng tiến hành các hoạt động tuyên truyền về Ngày Đa dạng sinh học thông qua các hình thức khác như viết bài đăng báo giấy, báo điện tử, treo áp phích, tranh cổ động, in tờ rơi, phát áo, mũ có hình ảnh, logo tuyên truyền.
Các hội thành viên, các đơn vị KH&CN đã đẩy mạnh việc phổ biến các kết quả thực hiện trong các hoạt động về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông qua hệ thống báo chí, xuất bản trong và ngoài hệ thống, các tổ chức thuộc LHHVN đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững cho cộng đồng dân cư
Lê Công Lương – Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban KHCN và MT
Còn đối với ý kiến của TS Nguyễn Ngọc Sinh – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cho hay, nhiều năm qua VACNE đã tham gia tích cực bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh, phát triển bền vững. TS Nguyễn Ngọc Sinh cũng mong LHHVN tiến tới có các quy định cụ thể nhằm khuyến khích và huy động sức mạnh cộng đồng bảo vệ môi trường, chú trọng tăng cường năng lực cho cộng đồng đủ sức chủ động bảo vệ môi trường.
TS Nguyễn Ngọc Sinh – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường ViệtNam (VACNE)
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe trình bày về các chính sách xã hội hóa cho bảo tồn thiên nhiên, thực hiện NBSAP và khung đa dạng sinh học toàn cầu ở Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế về huy động nguồn lực, hỗ trợ, tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên; Sự cần thiết của xã hội hóa nguồn lực trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học; Xã hội hóa việc huy động nguồn lực cho phục hồi thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu; Kinh nghiệm huy động nguồn lực xã hội để thực hiện các hoạt động trồng và phục hồi rừng: Bài học kinh nghiệm dự án phục hồi rừng sông Gianh và sông Thạch Hãn; Hiệu quả từ xã hội hóa cho bảo vệ rừng và phát triển rừng: Bài học từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Các đại biểu dự hội thảo
Các đại biểu đã trao đổi và đưa ra nhiều giải pháp như cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức, phổ biến chính sách, luật pháp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học cho cộng đồng, doanh nghiệp để nâng cao nhận thức, hiểu biết và chủ động, tự giác tham gia. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp, đảm bảo đồng bộ, công khai, minh bạch; cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, vận động xã hội hóa; làm rõ quyền, lợi ích và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia; ban hành kịp thời các quy định về sử dụng nguồn lực xã hội hóa; thống nhất cách hiểu, cách làm, cách huy động, vận động xã hội hóa.
Nhà nước cần tiếp tục có chính sách khuyến khích hoạt động xã hội hóa trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ nhằm tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng, giảm chất thải, phát thải khí nhà kính; phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường sản xuất các sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường, tiến tới hạn chế nhập khẩu trang thiết bị, dụng cụ của nước ngoài, sử dụng sản phẩm trong nước giá thành hạ, chất lượng tốt, dễ vận hành sử dụng, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Cần phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp và của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp tham gia xã hội hóa; ban hành cơ chế chính sách, hướng dẫn, kiển tra, giám sát, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thẩm định công nghệ, hỗ trợ pháp lý, tuyên truyền, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động xã hội hóa bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học.