|
Toàn cảnh hội thảo. |
Trong phát biểu khai mạc, TS. Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban KHCN & MT Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 29/5/2023 sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa và trình Quốc hội trong kỳ họp thứ V Quốc Hội khóa XV đã có sự tiếp thu, chọn lọc và hoàn chỉnh tương đối nhiều các nội dung trên cơ sở ý kiến góp ý của đông đảo giới nghiên cứu, các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân.
|
Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban KHCN & MT Liên hiệp Hội Việt Nam. |
Để đảm bảo tính nhất quán, thống nhất, đồng bộ, phù hợp và khả thi của Dự thảo Luật, hội thảo là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia tiếp tục góp ý về một số vấn đề như: Quyền sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập; chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đất do các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng… Qua đó, đề xuất các giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Luật Đất đai là dự án luật có tầm quan trọng lớn, đối tượng tác động rất rộng. Ngày 21-6, Quốc hội sẽ dành hẳn một ngày để thảo luận về dự án luật này.
|
Ông Trần Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. |
Ông Trần Vũ Thanh nhấn mạnh, qua quá trình nghiên cứu dự thảo luật, nổi lên một số nội dung quan trọng cần xin ý kiến của các đại biểu đó là: Về quyền lựa chọn hình thức giao đất, cho thuê đất của đơn vị sự nghiệp công lập; về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa; về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất…
Theo ông Trương Quốc Cần, Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi, việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 nhằm tăng cường tiếp cận và hưởng dụng đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số, ổn định cuộc sống của người dân, đồng thời góp phần bảo vệ và phát triển rừng một cách hiệu quả. Khả năng tiếp cận và hưởng dụng đất, rừng được xem là một yếu tố có vai trò quyết định đối với sinh kế, văn hóa và môi trường sống của người dân tộc thiểu số (đất đai đóng góp khoảng 28-40% vào các yếu tố tác động đến thu nhập của hộ gia đình dân tộc thiểu số).
|
Các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến tại hội thảo |
Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung các quy định để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc tạo quỹ đất để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đất ở, đất sản xuất, như: Bổ sung "dự án tạo quỹ đất để bố trí đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất" vào danh mục các dự án được thu hồi đất vì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; có quy định cụ thể về nguyên tắc, quy trình phù hợp để giao/cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số trong các trường hợp mà hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ, hoặc các trường hợp có chồng lấn, tranh chấp. Bên cạnh đó, Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn nhằm giải quyết dứt điểm việc chậm trễ tiến độ giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, theo ông Trương Quốc Cần.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, dự thảo luật lần này đã có tiếp thu chọn lọc các góp ý và đã hoàn thiện với 16 chương, 263 điều. Tuy nhiên, về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh cần được xem xét với tính độc lập, nhất là trong bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội và đô thị hóa nhanh trong giai đoạn tới. Vai trò Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cấp có liên quan đến đất đai cần được khẳng định không chỉ là tham gia cuộc họp như khoản 5, điều 161 đã nêu.
|
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam. |
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong dự thảo luật lần này (điều 214 về đất xây dựng công trình ngầm) quy định về cấp giấy chứng nhận đối với đất xây dựng công trình ngầm còn chưa hợp lý, chung chung không thể áp dụng cho các loại công trình ngầm, nhất là với công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm theo tuyến. Do vậy, cần rà soát lại để tránh tạo nên "điểm nghẽn" mới cho quản lý công trình trên mặt đất.
TS Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị bổ sung vào mục 4, điều 10 của dự thảo luật: Đảm bảo quyền lợi người dân khi góp đất vào các đơn vị kinh tế. Toàn văn mục 4, điều 10 sẽ là: Tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn; đảm bảo quyền lợi của người dân khi góp đất vào các đơn vị kinh tế.