Tham dự hội nghị có các đại biểu bao gồm các lãnh đạo của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA kiêm Giám đốc Dự án; PGS.TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch VUSTA; TS. Lê Công Lương, Phó tổng thư ký; ThS. Dương Thị Nga, trưởng ban Hợp tác Quốc tế.
Tham dự Hội nghị còn có các cán bộ của Ban Quản lý dự án, cán bộ của 03 đơn vị thực hiện là Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), Trung tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống (LIFE), đại diện các tổ chức dựa vào cộng đồng, đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế Hoạch và Đầu tư, Cục Quản lý Nợ và Tài chính Đối ngoại, Bộ Tài chính, Ban Điều phối Quốc gia các dự án của Quỹ Toàn cầu tại Việt Nam (CCM), dự án "Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin" của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng và Côn trùng, Bộ Y tế.
Cuộc họp nhằm báo cáo kết quả thực hiện dự án VUSTA - Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AID giai đoạn 2021-2023, thảo luận về quản lý và triển khai dự án. Đồng thời, đưa ra kế hoạch thực hiện dự án trong giai đoạn 2024-2026.
|
Quang cảnh buổi họp tổng kết dự án VUSTA - Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AID. |
Dự án đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu cam kết
Phát biểu khai mạc, đồng chí Phạm Quang Thao - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, Giám đốc dự án cho biết, dự án VUSTA có một mục tiêu tổng quát là tăng cường sự tham gia của các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc VUSTA và các tổ chức cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS, góp phần thực hiện thành công chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Ông vui mừng thông báo sau 3 năm triển khai, tất cả các mục tiêu của dự án đều được thực hiện tốt, góp phần thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Với những kết quả đó, dự án VUSTA luôn được nhà tài trợ xếp hạng cao: Năm 2021 dự án xếp hạng A3 (tỷ lệ giải ngân 83,1% do dịch Covid-19), năm 2022 A1 (xuất sắc về hoạt động và giải ngân cao 107,9%), năm 2023 dự kiến đạt A1 (giải ngân đến hết tháng 11 đạt 85,5%). Tỷ lệ giải ngân chung của 3 năm dự kiến đạt 93%.
ThS. Lê Hùng Việt - Phó Giám đốc thường trực dự án VUSTA đã báo cáo kết quả thực hiện dự án giai đoạn 2021-2023; Hướng dẫn đóng dự án và kế hoạch thực hiện dự án giai đoạn 2024-2026.
Dự án VUSTA giai đoạn 2021-2023 có mục tiêu tổng quát tăng cường sự tham gia của các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc VUSTA và các tổ chức cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Dự án có 4 mục tiêu cụ thể là: 1) Cung cấp các dịch vụ dự phòng HIV; 2) Củng cố các hệ thống cộng đồng và 3) Tăng cường sự tiếp cận các dịch vụ y tế của các nhóm đối tượng đích và 4) Giảm thiểu tác động của dịch Covid-19. Dự án có tổng kinh phí 7.492.067 USD trong đó 6.500.000 USD thuộc hợp phần phòng, chống HIV/AIDS, 992.067 USD thuộc hợp phần phòng, chống Covid-19.
Kết quả của dự án từ 1/1/2021-30/11/2023 cho thấy cả 4 mục tiêu đều được thực hiện thành công. Dự án đã cung cấp dịch vụ dự phòng cho 155.218 khách hàng (102,4% kế hoạch), xét nghiệm cho 141.585 người, phát hiện 3.340 người dương tính với HIV (2,5% số người được xét nghiệm) và kết nối điều trị ARV cho 3.289 người (98,5%).
Tính đến 30/1/2023, dự án đã phát hơn 15 triệu bơm kim tiêm ( đạt 103% so với kế hoạch), hơn 16,8 triệu bao cao su (86,4%), hơn 9,1 triệu bao chất bôi trơn (76,1%), thu gom gần 5,3 triệu bơm kim tiêm đã qua sử dụng (đạt 35 % số phát ra).
Ngoài ra, dự án đã mở rộng triển khai mới trên 3 địa bàn, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng (dừng triển khai ở TP HCM).
Với vai trò đại diện đơn vị quản lý về chuyên môn, phát biểu tại cuộc họp, Ths.Bs Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nhấn mạnh, hiện các dữ liệu Quốc gia cho thấy đang có sự gia tăng lây truyền mẹ con. Dịch HIV đang tập trung gia tăng ở nhóm MSM, đặc biệt MSM trẻ. Toàn bộ 6 ca tử vong do M-pox đều là MSM nhiễm HIV, khiến sự kỳ thị và lo lắng trong xã hội gia tăng.
Hàng năm, có khoảng 2 triệu người tại Việt Nam được xét nghiệm HIV, trong đó, có khoảng 600.000 người nguy cơ cao được xét nghiệm, để tiếp cận được nhóm khách hàng này, vai trò rất lớn từ cộng đồng và dự án VUSTA đóng góp phần không nhỏ trong việc này.
Phát biểu tại cuộc họp, ThS.BS Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đánh giá cao vai trò của dự án VUSTA, các đơn vị thực hiện và các tổ chức cộng đồng trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Ông cũng chỉ ra các thách thức hiện nay như số ca lây nhiễm HIV được phát hiện trong năm 2023 khoảng 14.000 người (tăng hơn 4.000 so với năm 2022), số ca đang tăng trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới nữ. Sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn là một trong những hành vi có nguy cơ cao dẫn đến lây nhiễm HIV.
Ths.Bs Võ Hải Sơn cho biết, giai đoạn tới, 2 dự án VUSTA và Y tế sẽ tiếp tục xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ để phát huy các thế mạnh chúng ta đang làm tốt và khắc phục những hạn chế giai đoạn vừa rồi để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động hỗ trợ phòng chống HIV.
Bên cạnh đó, Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng đang phối hợp chặt chẽ các cơ quan hữu quan trong việc sửa Nghị định theo hướng tạo điều kiện cho các tổ chức cộng đồng được pháp luật khuyến khích và bảo vệ trong tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhưng đồng thời, các cá nhân tổ chức tham gia hoạt đồng này cũng cần tuân thủ pháp luật và các quy định, như quy định về điều kiện triển khai xét nghiệm tại cộng đồng là phải có chứng nhận hoàn thành khoá học xét nghiệm tại cộng đồng.
Dự án được ủng hộ nhiệt tình
Bà Nông Thị Hồng Hạnh, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu Tư đánh giá cao những kết quả mà dự án VUSTA đã thực hiện được trong 3 năm qua, VUSTA có sự quan tâm đặc biệt đối với dự án này khi phân công trực tiếp 1 đồng chí Phó Chủ tịch làm Giám đốc dự án.
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, dự án đang trong quá trình trình hồ sơ lấy ý kiến thẩm định và phê duyệt dự án 2024-2026, tuy nhiên, khác với trước đây thực hiện theo chương trình dự án, nên các đơn vị thực hiện được mặc định và chỉ định thực hiện. Giai đoạn mới 2024-2026 sẽ phải thực hiện đấu thầu cạnh tranh, để lựa chọn ra nhà thầu có năng lực cạnh tranh nhất triển khai dự án theo nguyên tắc cạnh tranh công bằng.
Bà Hạnh nhấn mạnh, VUSTA chịu trách nhiệm toàn diện về dự án này nên cần tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động triển khai dự án, kể cả đối với kiểm tra giám sát việc thực hiện giải ngân các gói thầu của các nhà thầu tại địa phương; cần liên hệ với ban tổ chức xem đã lập dự toán ngân sách năm 2024 chưa, nếu chưa thì cần lập bổ sung và trình Quốc hội phê duyệt, nếu chưa duyệt thì kể cả được phê duyệt DA cũng chưa được chi ngân sách.
Ngoài ra, dự án cần có kế hoạch dự phòng trong các tháng đầu năm tới khi thủ tục phê duyệt, đấu thầu chậm, ảnh hưởng tới kết quả triển khai và cam kết với nhà tài trợ.
Ông Đặng Anh Tuấn, đại diện Bộ Tài Chính yêu cầu, dự án cần ghi/báo cáo rõ hơn về các nội dung phối hợp với Bộ Y tế và cơ quan y tế địa phương trong ghi nhận kết quả của dự án trong đóng góp chung vào tình hình phòng chống HIV của quốc gia cũng như địa phương; dựa ns cần xem xét, đánh giá lại quá trình thực hiện, rà soát chức năng nghiệm vụ của các đơn vị thực hiện dự án để đánh giá tính phù hợp.
Đối với giai đoạn 2021-2023, hiện đã thực hiện thủ tục quyết toán tới năm 2022, và sắp tới sẽ tiếp tục năm 2023; đối với giai đoạn 2024-20266, cần: Xem xét lại chức năng nhiệm vụ của các đơn vị thực hiện dự án; không thực hiện theo hình thức dự án Ô, mà tổ chức đấu thầu cạnh tranh, công khai; thể hiện được vai trò của dự án, phối hợp với Bộ Y tế và Sở y tế các tỉnh/thành phố: số liệu phải được công nhận bởi cơ quan hữu quan.
Theo ông Tuấn, dự án VUSTA 2024 đã được Quốc hội phê duyệt.
Đại diện CCM cũng đánh giá cao những kết quả mà dự án VUSTA đã thực hiện được trong 3 năm qua. CCM nhiệt tình ủng hộ dự án vì đây là dự án nhân văn, giúp ích cho cộng đồng, phát hiện và chuyển gửi điều trị các người có hành vi nguy cơ cao được xét nghiệm và điều trị HIV.
Đại diện CCM hy vọng, dự án cần tuân thủ các quy định về pháp luật trong tư vấn xét nghiệm đảm bảo người thực hiện phải được tập huấn đầy đủ, bảo mật thông tin cho khách hàng theo quy định của pháp luật. Khi thực hiện dự án về địa phương cần phải có thông tin thông báo tới các cơ quan hữu quan để cùng biết và ghi nhận, phối hợp hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
Phát biểu kết thúc cuộc họp, đồng chí Phạm Ngọc Linh Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, ghi nhận và cảm ơn Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các bộ nghành, các cấp chính quyền, trung tâm kiểm soát bệnh tật, cơ sở y tế ở các địa phương triển khai dự án đã luôn đồng hành, hỗ trợ cho dự án triển khai thành công các mục tiêu đề ra. Phó Chủ tịch VUSTA nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải báo cáo và chia sẻ kịp thời các thông tin về hoạt động của dự án cho chính quyền, các cơ sở y tế, công an tại các địa phương triển khai dự án, nhằm đảm bảo cho các hoạt động được triển khai thông suốt.
Phó Chủ tịch VUSTA cũng yêu cầu dự án thực hiện đầy đủ các yêu cầu về đóng dự án và chuẩn bị tốt cho triển khai dự án giai đoạn mới 2024-2026.