Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi KHCN là nguồn lực mạnh mẽ của cách mạng

Google News

Ngày 18/5/1963, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội phổ biến KH&CN Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi…".

 Lời căn dặn của Người đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động khoa học và công nghệ nước nhà trong 60 năm qua và Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đã quy định ngày 18/5 hàng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Chu tich Ho Chi Minh luon coi KHCN la nguon luc manh me cua cach mang
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963. Ảnh tư liệu: most.gov.vn. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhìn nhận khoa học công nghệ ở tầm là một động lực lịch sử, một lực lượng cách mạng và là nguồn lực trí tuệ với khả năng sáng tạo vô hạn.
Thực tế, Bác nói và viết riêng về khoa học công nghệ không nhiều, mà thường gắn với các lĩnh vực khác nhân dịp dự hội nghị tổng kết ngành hay nhân dịp đi thăm địa phương và cơ sở.
Bài nói hay viết của Người rất giản dị, gần gũi, ít khi dùng nguyên thể thuật ngữ chuyên môn nhưng người ta thấy trong đó vẫn ẩn chứa những luận điểm rất cơ bản, quan trọng về vai trò của khoa học công nghệ, về quan hệ giữa khoa học công nghệ với sản xuất, về nhiệm vụ của khoa học công nghệ, về động lực phát triển khoa học công nghệ... nước nhà.
Giai đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ trọng trách Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước cho đến khi Bác mất (1945-1969) là giai đoạn khó khăn, thử thách có tính sống còn của đất nước, dân tộc.
Bác và Đảng phải tập trung trí tuệ để giải quyết nhiều vấn đề lớn và cấp bách của cách mạng (như xây dựng nhà nước non trẻ, xây dựng quân đội, kháng chiến chống thực dân Pháp, xóa giặc đói, diệt giặc dốt, cải cách ruộng đất, cải cách dân chủ, đàm phán và thực hiện hiệp định Giơnevơ về phân chia tạm thời 2 miền đất nước, xây dựng quan hệ sản xuất mới chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ để bảo vệ miền Bắc và xây dựng Mặt trận giải phóng dân tộc ở miền Nam, đấu tranh thống nhất nước nhà...).
Mặc dù vậy, lĩnh vực khoa học và công nghệ (lúc đó gọi là khoa học và kỹ thuật) vẫn sớm được Đảng, Nhà nước và Bác Hồ quan tâm.
Bác sớm nhìn nhận khoa học công nghệ ở tầm là một động lực lịch sử, một lực lượng cách mạng bởi hoàn cảnh lúc bấy giờ, Bác và Đảng ta chưa có điều kiện bàn định sâu, cụ thể và toàn diện về khoa học và công nghệ nhưng qua thực tiễn, công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã đạt được một số thành tựu quan trọng, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo vũ khí phục vụ công tác quốc phòng.
Năm 1958, Bác đã gửi thông điệp cho toàn Đảng, toàn dân "Chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học chắc chắn sẽ đưa loài người đến hạnh phúc vô tận". Năm 1959, Bác đã ký sắc lệnh thành lập Uỷ ban khoa học và kỹ thuật nhà nước.
Đến năm 1960, Đảng ta tổ chức đại hội lần thứ III, Bác tái giữ chức chủ tịch Đảng và đây là đại hội đầu tiên bàn định chủ trương xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Ngay từ lúc đó, trong Văn kiện Nghị quyết đại hội Đảng đã bước đầu chính thức đặt vấn đề tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa về tư tưởng, văn hóa và khoa học kỹ thuật, đồng thời có sự định hướng phát triển khoa học kỹ thuật.
Sinh thời, Bác đã sớm ý thức về nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực trí tuệ với khả năng sáng tạo là vô hạn nên Bác sớm coi trọng trí thức dân tộc. Đồng thời, Bác cũng đánh giá rất cao tri thức dân gian, sáng kiến của quảng đại quần chúng.
Tại đại hội chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 1/5/1952, Bác đã nhấn mạnh "Trí khôn, sáng kiến, học hỏi, tiến bộ và tinh thần hy sinh của người ta không có giới hạn, nó cứ tiến mãi".
Liên quan đến khoa học công nghệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan điểm rất biện chứng và Người nói rõ "Sáng kiến không phải cái gì kỳ lạ hay chung chung, trừu tượng mà chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, những điều kiện bình thường, rất phổ thông, rất thiết thực".
Hiểu rộng ra là sản phẩm khoa học công nghệ nói chung cũng như vậy. Ở tầm sáng tạo lớn, có ảnh hưởng rộng là phát minh, bao hàm cả sáng chế. Ở tầm thấp hơn, nhỏ hơn thì là sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Tất cả đều là sản phẩm được sáng tạo ra khi cuộc sống thúc bách.
"Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung của dân tộc. Không biết quý trọng và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc", vì vậy, Bác sớm có chủ trương kết hợp nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp với phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của quần chúng.
Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xây dựng thành công trên nền tảng của cơ sở vật chất hiện đại, khoa học công nghệ tiên tiến. Mỗi lần đi thăm, nói chuyện với cán bộ xí nghiệp, cán bộ hợp tác xã, Bác đều nhắc nhở phải ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
Theo Bác, xây dựng quan hệ sản xuất mới, cải tiến quản lý phải đi đôi với cải tiến kỹ thuật, xây dựng nền tảng cơ sở vật chất kỹ thuật mới bảo đảm thắng lợi toàn diện, bền vững.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có một luận điểm hết sức quan trọng về động lực sáng tạo. Cũng từ năm 1947, trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Người nói: "Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái và người khác cũng học theo.
Chỉ sau ngày công bố tuyên ngôn độc lập 2 tháng, với cương vị Chủ tịch nước, thông qua báo cứu quốc, Người đã kêu gọi hiến tài. Lúc bấy giờ, đất nước đang rất cần những người có tài trên các lĩnh vực ngoại giao, quân sự, kinh tế, giáo dục, khoa học.
Trong lời kêu gọi thi đua ái quốc, Bác đã động viên trí thức thi đua sáng tác và nghiên cứu phát minh. Theo đó, biết bao nhân sĩ, trí thức đã vượt qua gian khổ, hy sinh, lập nên những kỳ tích khoa học và công nghệ trong kháng chiến chống thực dân Pháp và được lưu danh như: Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Tố, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ…
Sự cống hiến xuất của họ xuất phát từ lòng yêu nước, từ sự trọng dụng nhân tài của Đảng, Nhà nước ta, từ sự chinh phục bằng tầm cao trí tuệ và nhân cách vĩ nhân của Bác. Có thể nói rằng, thời gian đầu, các nhà khoa học Việt kiều chưa hiểu nhiều về đảng, về cách mạng dân tộc và chủ nghĩa xã hội, họ theo Bác về nước chủ yếu là do Bác chinh phục bằng tầm cao trí tuệ và nhân cách vĩ nhân của Bác chứ chính sách đãi ngộ của nhà nước lúc bấy giờ chưa có gì.
Ngay sau khi hòa bình năm 1954 và thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cùng với phát triển giáo dục đào tạo trong nước, hàng vạn cán bộ, sinh viên được Đảng, Nhà nước và Bác cử ra nước ngoài (Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa) học tập, nghiên cứu.
Ngày nay, họ đã trở thành những nhà khoa học đầu đàn và đội ngũ trí thức nòng cốt của đất nước, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, được tôn vinh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Theo TTXVN/Báo Tin tức

>> xem thêm

Bình luận(0)