Tại Việt Nam, các ca ghép tạng được thực hiện từ năm 1992 tại Học viện Quân y và Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ năm 2010, việc ghép tạng có bước phát triển khi tiến hành ghép gan và thận từ người cho chết não.
Sau 23 năm, cả nước đã thực hiện ghép thận cho 1.200 trường hợp. Trong đó, ghép gan 30 trường hợp, 10 trường hợp được ghép tim và một trường hợp được ghép thận-tụy. Riêng khu vực phía Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 115 và Bệnh viện Nhi đồng 2, đã ghép được 456 ca thận và 11 ca gan.
|
Bộ trưởng, Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng hoa chúc mừng Nghệ Sĩ ưu tú Minh Dương, một trong những bệnh nhân được nhận quả thận từ năm 2012 |
Ai từng gặp anh Nguyễn Đình Hữu (Quận Bình Thạnh, TP HCM) bây giờ sẽ rất khó để nhận ra cách đây 4 năm, người đàn ông này từng bị suy thận nặng, hàng tuần phải đi chạy thận tới 3 lần.
Cuộc sống gia đình cũng không mấy khá giả, sau mỗi lần chạy thận, sức khỏe anh sa sút, cuộc sống bấp bênh. Đó cũng là thời gian vợ anh đang mang thai đứa con đầu lòng. Không muốn vợ và gia đình lo lắng, anh đã âm thầm chịu đựng và yêu cầu các bác sĩ không được nói chuyện bệnh tật của mình cho người thân. Vì vậy, bản thân anh luôn mong muốn mình được ghép thận và phép màu đó đã xảy ra đối với anh Hữu.
“Khi nhận được thông tin được ghép thận, tôi vui lắm nhưng khi biết được người cho thận đã mất thì cảm thấy rất hụt hẫng. Dù không biết người đó là ai, nhưng trong lòng tôi luôn biết ơn người đó rất nhiều”, anh Hữu chia sẻ.
Ca ghép thận thành công, cuộc sống của anh Hữu bước sang một trang mới. Rất may mắn là thận ghép phù hợp nên sức khỏe của anh khá ổn định, sinh hoạt như bình thường. Ngay sau 2 năm ghép thận, gia đình anh đón thêm một thành viên mới - một bé trai kháu khỉnh, đáng yêu. Giờ đây, anh Hữu đã có thể làm được những công việc mà trước đây cứ nghĩ là không thể được.
Chương trình ghép tạng không thể thành công nếu không có sự hy sinh tự nguyện của những người hiến tạng. Họ đã chia sẻ sự sống của mình cho những người thân và cho cả những người không quen biết trong xã hội.
|
Người hiến tặng phủ tạng được lãnh đạo Bộ Y Tế, Ban Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy vinh danh, tặng thẻ bảo hiểm y tế và kỷ niệm chương tại buổi lễ. |
Trong số những người hiến tạng và đăng kí hiến tạng, về dự lễ vinh danh mới đây, có không ít những gương mặt trẻ. Như trường hợp một cô gái sinh năm 1988 hiện đang là nghiên cứu sinh ở Trung tâm nghiên cứu văn hóa Việt - Nhật không chỉ sẵn sàng hiến tạng mà đã đăng ký hiến toàn bộ cơ thể, phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, sau khi qua đời.
Bản thân là một người kinh doanh, thế nhưng anh V.H.Thắng (50 tuổi, quận Gò Vấp, TP HCM) cũng không ngần ngại khi đăng ký tham gia hiến tạng. Anh Thắng chia sẻ: “Cách đây khoảng 6 tháng, trong khi xem một bản tin về chương trình ghép tạng ở TP HCM tôi thực sự xúc động và cảm thấy đó là một nghĩa cử rất nhân văn. Ngay sau đó, tôi đã liên hệ với số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm ghép tạng ở Bệnh viện Chợ Rẫy để làm các thủ tục đăng ký ghép tạng và đã được cấp thẻ Đăng ký ghép tạng. Bản thân tôi khá may mắn khi có cơ thể đều lành lặn, đầy đủ trong khi đó có rất nhiều người không may mắn như vậy. Tôi chỉ mong muốn chẳng may khi mình mất đi thì có một cơ hội để cho những người khác có thể sống tiếp. Gia đình tôi khi biết chuyện cũng đều ủng hộ việc làm này. Tôi cũng mong rằng có nhiều người thay đổi suy nghĩ của mình để có thể tạo cơ hội cho nhiều người khác được sống tốt hơn”.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo các bệnh viện đã bày tỏ sự biết ơn đối với những người đã hiến tạng và đăng kí hiến tạng khu vực phía Nam trong 23 năm qua. Những người này, hoặc có mối quan hệ với người nhận hoặc không nhưng họ vẫn quyết định dành tặng một phần cơ thể của mình nhằm nối dài sự sống cho người khác. Đây là hành động, nghĩa cử cao đẹp cần được xã hội ghi nhận.
Cũng tại buổi lễ vinh danh , Bộ Y tế đã tặng Kỷ niệm chương và thẻ BHYT cho 403 người hiến tạng phía Nam tại Lễ vinh danh những người hiến tạng nhân đạo và vận động hiến tạng nhân đạo.