Bức ảnh tên lửa rời một nhà máy ở Trung Quốc được đăng ngày 31/1/2014 trên một diễn đàn của những người yêu thích quân sự, với chú thích “tên lửa rời nhà máy để bàn giao cho các đơn vị quân đội”.
Bức ảnh cho thấy tên lửa được đặt trong thùng chứa sơn xanh và được xe cảnh sát hộ tống.
Quân đội Trung Quốc thường xuyên tiết lộ những hình ảnh này trên mạng, như một phần của nỗ lực để phô trương các lực lượng hạt nhân của mình, khá trái ngược với việc giữ bí mật lực lượng quân sự của Bắc Kinh.
|
Hình ảnh về loại tên lửa DF-41 được tải lên các trang mạng diễn đàn.
|
Theo thành viên diễn đàn có tên nick là “Witten”, tên lửa được mô tả là loại Đông Phong-41 (DF-41) của Quân đoàn Pháo binh số 2. Các thành viên trên diễn đàn tự hào so sánh DF-41 với tổ hợp tên lửa chiến lược Topol-M của Nga, và gọi nó là SS-27 (định danh của NATO dành cho Topol) của Trung Quốc.
“Witten” cho rằng, tên lửa được vận chuyển bằng xe tải 16 bánh và được đặt trong thùng chứa để ngăn chặn các biện pháp trinh sát hồng ngoại của đối phương.
Các thành viên trên diễn đàn cũng cho biết, tên lửa DF-41 có kích cỡ nhỏ hơn Topol, để thích nghi với điều kiện đường sá và điều kiện vận chuyển ở Trung Quốc. Trung Quốc có đến 3.000 dặm đường hầm hạt nhân và nhiều cơ sở sản xuất vũ khí dưới lòng đất, nên DF-41 được thiết kế để di chuyển dễ dàng dưới các đường hầm này.
Mạng lưới đường hầm hạt nhân dưới lòng đất đã được công bố cách đây hai năm như một phần của một dự án kiểm soát vũ khí của đại học Georgetown về “Vạn lí trường thành dưới lòng đất của Trung Quốc”.
Trước đó hai tuần, Washington Free Beacon cho biết, vào ngày 17/1, Trung Quốc đã thực hiện lần bắn thử nghiệm thứ 2 tên lửa DF-41.
Tên lửa mới được coi là một bước tiến quan trọng trong kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Trung Quốc. Tên lửa được vận chuyển bằng xe tải hạng nặng, nên rất khó để theo dõi, vì nó liên tục di chuyển. Các cơ quan tình báo Mỹ đánh giá, tên lửa có thể mang 10 đầu đạn có xe trở về độc lập (MIRV), và có thể vươn đến lục địa Mỹ.
“Các cuộc thử nghiệm đã được giám sát bởi cơ quan tình báo Mỹ diễn ra tại trung tâm phóng tên lửa Wuzhai ở tỉnh Sơn Tây”, theo các quan chức Mỹ. Một cuộc thử nghiệm trước đó đã diễn ra ngày 24/7/2012. Tầm bắn của loại tên lửa mới được ước tính trong khoảng từ 6.835 đến 7.456 dặm.
Lầu Năm Góc vẫn chưa liệt kê các tên lửa DF-41 như là một phần của kho vũ khí chiến lược của Trung Quốc, hiện có nhiều mẫu tên lửa cố định cũ và một số mẫu di động như DF-31 và DF-31A.
Trung tâm Tình báo Hàng không Vũ trụ và Không quân Mỹ trong một báo cáo được công bố vào tháng 5 đã không nêu rõ tên DF-41 nhưng gọi đây là “sự phát triển của một tên lửa chiến lược tầm xa mới với nhiều đầu đạn”. “Trong 15 năm tới, số đầu đạn hạt nhân có thể phóng tới nước Mỹ sẽ là 100”.
|
DF-41 bí mật thường xuyên được cố tình "khoe" giữa ban ngày ban mặt, trên đường phố.
|
Một biểu ngữ tiếng Trung Quốc trên con đường mà hình ảnh này được chụp đã bị làm mờ, điều này có thể là để tránh lộ vị trí nhà máy sản xuất hay đơn vị được tiếp nhận tên lửa.
Việc làm mờ này cũng cho thấy đây có thể là một biện pháp tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc, chứ không chỉ là sự tình cờ của những người yêu quân sự.
Các nhà phân tích Trung Quốc nói quân đội nước này thường xuyên tiết lộ hệ thống vũ khí mới hoặc đang phát triển, bao gồm cả máy bay tàng hình và các phương tiện bay không người lái, như là một phần chuẩn bị cho ra mắt chính thức sau này.
Cựu quan chức tình báo quân đội Larry Wortzel nói trong một phiên điều trần của Quốc hội gần đây rằng, DF- 41 là một điều kiện để sức mạnh hạt nhân chiến lược của Trung Quốc có thể tăng mạnh.
“Trung Quốc đang tăng cường khả năng ngăn đe hạt nhân của mình bằng cách hiện đại hóa lực lượng hạt nhân”, Wortzel nói. “DF-41 có cả uy lực và sự cơ động, rất khó để theo dõi và ngăn chặn nó”.
Wortzel cũng cho biết không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ trang bị các hệ thống mồi bẫy cho tên lửa để đánh lừa hệ thống phòng thủ của Mỹ.