Trước thực trạng Công ty Nonan sử dụng kết quả thử nghiệm không có giá trị để lập lờ đánh lừa người dân. Trung tâm Kỹ thuật 1 (Quatest 1) cho rằng, hiện chưa thể xác định máy có sản sinh ra những chất độc gì, lượng độc bao nhiêu. Còn TS Nguyễn Văn Khải khuyên người dân nên sử dụng phương pháp làm sạch khác cũng hiệu quả cao cho rau củ, thực phẩm.
Chưa xác định được chất sinh ra từ máy
Theo ông Nguyễn Ngọc Châm, Trưởng phòng Phân tích môi trường và hóa chất (Quatest 1), hiện chưa có phương pháp phân tích xác định chất lượng máy sục ozone. Vì thế, chưa thể xác định được lượng ozone sinh ra từ máy hay kèm với đó là các chất độc gì nữa.
Thực tế người dân hiện nay đang sử dụng máy trong tình trạng hoang mang. Bà Nguyễn Thị Toản (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, bà mua máy hơn một năm nay và dùng hàng ngày. Bà sục thịt, cá và rau củ cho các bữa ăn. Khi sục thịt có nhiều bọt tạo thành váng, rau có nước màu vàng.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Giám đốc Công ty Nonan cũng công nhận, khi mua thịt ngoài thị trường về sục qua máy sẽ có màng, lấy đũa khều màng này ra, đốt không cháy. Đây chỉ là cảm quan nhưng để lý giải đó là chất gì, có phải là chất bẩn từ thịt ra hay không thì chưa có kiểm nghiệm.
Tuy nhiên, giải thích về vấn đề này TS Nguyễn Khải khẳng định, màng của thịt ở đây hoàn toàn không phải là chất bẩn, nếu có cũng chỉ phần trăm rất nhỏ. Váng chính là mỡ, biểu bì, thịt bị phân hủy bởi oxy. "Nếu đó là chất bẩn của thịt thì những người không sục khí ozone đã ngộ độc mà chết từ lâu. Tất cả chỉ là chiêu lừa đảo để bán hàng. Thậm chí, họ có thể gắn điện cực vào máy để khi phân hủy nước tạo thành váng", TS Nguyễn Văn Khải nhấn mạnh.
Tương tự, nước sục rau có màu vàng do oxy tác động đến chất diệp lục, dinh dưỡng trên lá phân hủy ra. Đây là một minh chứng cho việc rau sẽ bị giảm chất dinh dưỡng khi sử dụng máy.
TS Nguyễn Văn Khải còn đưa ra dẫn chứng, trước đây có trường hợp cho con cá yếu vào nước sục ozone đã trở nên khoẻ và quẫy mạnh hơn. Tuy nhiên, sau khi làm thí nghiệm cho người dân xem, cất đi thì cá chết. Cá khoẻ vì lượng oxy tăng. Sau một thời gian cá chết vì bị sốc khí ozone.
|
Máy sục có một phần nhỏ ozone nên cũng có tác dụng diệt khuẩn bề mặt giúp bảo quản cà chua lâu hơn. Tuy nhiên, phần đáng lo ngại chính là khí oxit nitơ sản sinh ra từ máy gây ảnh hưởng sức khoẻ người dùng. |
Dùng nước muối ấm rửa rau
Trước lo lắng làm cách nào rửa thực phẩm sạch, TS Nguyễn Văn Khải khuyên người dân có thể dùng nước muối ấm.
"Tôi đã thử nghiệm và ghi nhận, nếu pha muối sạch với nước ở nồng độ bão hòa mức nhiệt độ 40 độ C sẽ có hiệu điện thế là 350 mili vôn. Lúc này, nước muối có khả năng diệt khuẩn tốt, loại bỏ thuốc trừ sâu. Vì nước muối có Na+, CL- và H2O. Các ion dương tác dụng với các ion âm hoạt tính cao. Na+ và CL- đánh đứt các liên kết của các mạch vòng hữu cơ, tức các cấu trúc của thuốc trừ sâu hoặc "nhảy vào" các nút thay thế các ion ở đây khiến các chất độc thay đổi tính chất", TS Nguyễn Văn Khải giải thích.
Cách pha chế nước muối như sau: Lấy bát sành đổ khoảng 200g muối sạch vào chậu, dội nước sôi vào và khuấy đều. Pha nước đến lúc muối không hòa tan được nữa là bão hòa.
Chị Nguyễn Thị Yến (Thọ Giáo, Tân Minh, Thường Tín) một người dùng dung dịch này rửa rau sạch hướng dẫn cách dùng: Đầu tiên nên rửa qua rau bằng nước máy để loại bỏ đất cát. Sau đó, cứ 5 lít nước pha cùng 1/2 lít nước muối bão hòa rửa khoảng 1kg rau. Với cách rửa này, rau sẽ sạch khuẩn, hóa chất.
Trước ý kiến cho rằng khi sục qua ozone cà chua bảo quản được lâu hơn, TS Nguyễn Văn Khải phân tích: Muốn biết phương pháp nào bảo quản tốt hơn cần đảm bảo các yếu tố như cà chua cùng nguồn gốc, thời gian hái, sâu bệnh, dập nát... Máy sục có một phần nhỏ ozone nên cũng có tác dụng diệt khuẩn bề mặt giúp bảo quản cà chua lâu hơn. Tuy nhiên, phần đáng lo ngại chính là khí oxit nitơ sản sinh ra từ máy gây ảnh hưởng sức khoẻ người dùng.