Máy ozone khử độc: Dùng kết quả thử nghiệm cũ lừa khách

Google News

(Kiến Thức) - Khi làm việc với báo chí hay khách hàng phản ánh về máy, đại diện Nonan đều đưa kết quả thử nghiệm do Quatest 1 cấp chứng minh sản phẩm đạt chuẩn.

Trong khi TS Nguyễn Văn Khải khẳng định máy ozone Nonan không có nhiều tác dụng, thậm chí còn gây nguy hại cho người sử dụng,  thì đại diện Trung tâm Kỹ thuật 1 (Quatest 1) cho hay, việc công ty phân phối máy sục ozone Nonan sử dụng kết quả thử nghiệm từ năm 2006 để quảng cáo  là không đúng. 
Mượn danh lừa khách hàng
Theo quảng cáo của Công ty TNHH đầu tư Thương mại và Dịch vụ Biển Xanh (đơn vị phân phối máy sục ozone Nonan), máy này có nhiều công dụng như làm sạch không khí, diệt sạch vi khuẩn trên rau quả, thịt, tôm... sản xuất nước ngâm ozone, làm sạch nước uống... Nonan là một trong số ít máy chính thức được Quatest 1 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng chứng nhận về công dụng nêu trên (mỗi máy đều kèm theo một tờ chứng nhận của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng - PV). 
Đặc biệt, khi làm việc với báo chí hay khách hàng nào phản ánh về máy, ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH đầu tư Thương mại và Dịch vụ Biển Xanh (sau đây gọi là Công ty Nonan) đều in ra hai bản kết quả thử nghiệm do Quatest 1 cấp như một cách chứng minh sản phẩm đạt tiêu chuẩn... 
Ngày 8/8, phóng viên đã làm việc với lãnh đạo Quatest 1 về kết quả thử nghiệm trên. Theo ông Nguyễn Cảnh Tời, Giám đốc Quatest 1, hai phiếu thử nghiệm trên chỉ là kết quả thí nghiệm có tính chất tham khảo, bố trí thử nghiệm theo thỏa thuận với khách hàng, không theo tiêu chuẩn nào cả. Phía dưới tờ kết quả có ghi: "Phiếu chỉ có giá trị cho mẫu do khách hàng đưa tới. Doanh nghiệp không được trích sao kết quả nếu không được đồng ý của Quatest 1". Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan quản lý, không phải là đơn vị chứng nhận. Việc sử dụng tờ phiếu này để quảng cáo cho giá trị máy là không đúng.
Ngoài ra, các kết quả thử nghiệm trên chỉ là một trong nhiều phép thử, không có ý nghĩa đánh giá về máy. Bản thử nghiệm này cũng không có giá trị pháp lý và cũng không phải giấy chứng nhận cho sản phẩm. 
 
Ông Nguyễn Ngọc Châm, Trưởng phòng Môi trường và Hóa chất cho hay, thử nghiệm dạng bố trí thí nghiệm cho Công ty Nonan là việc làm cuối cùng của Quatest 1 cho đến thời điểm này. Bởi sau khi cấp kết quả thử nghiệm doanh nghiệp lợi dụng phép thử để đánh lừa người dân gây nên nhầm lẫn là giấy chứng nhận. "Sau này Công ty Nonan có quay lại yêu cầu thử nghiệm nhưng chúng tôi không làm. Vì lẽ đó nên họ dùng kết quả thử nghiệm từ năm 2006 để quảng cáo", ông Châm cho hay.  
Ông Châm phân tích về phiếu thử nghiệm với nước máy của Công ty Nonan như sau: Nước máy là nguồn nước đã sạch, bản chất đã đạt tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống nên sau khi thử qua máy chắc chắn sẽ đảm bảo. Đấy là chưa kể, sau khi thử các chỉ tiêu NO3 còn tăng lên, NO2 không thay đổi, NH4 có giảm nhưng không đáng kể và vẫn nằm trong ngưỡng cho phép. Đến nay quyết định tiêu chuẩn cho phép mà tờ phiếu đưa ra cũng đã thay đổi. Vì thế, tờ giấy này không có giá trị ở lĩnh vực nào. 
Thử nghiệm không đúng chuyên môn
Xem bản thử nghiệm của máy sục ozone Nonan, ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội cho rằng, bản thử nghiệm này không có giá trị đối với việc xử lý các chất độc trên rau củ quả hay thực phẩm. Bởi thí nghiệm chỉ thực hiện bằng cách hòa nước cất với thuốc bảo vệ thực vật Dethamethrin, Cypermethirin và 2,4-D, không phải thử nghiệm trên rau củ quả. Trong khi đó, thuốc bảo vệ thực vật khi phun sẽ thấm vào tế bào của rau củ. 
Người dùng bị mất tiền oan khi mua máy ozone. 
"Nói thô thiển, đây chỉ là tờ giấy để đánh lừa người tiêu dùng. Không phải là thí nghiệm đồng ruộng. Phương pháp hòa tan trong nước, không có giải thích cơ chế hoàn toàn khác với thí nghiệm trên thực phẩm. Nếu lấy nước pha hóa chất để thử sau đó áp dụng cho thực phẩm, rau củ là không đúng chuyên môn", ông Anh nhấn mạnh.  
Ông Nguyễn Hồng Anh giải thích thêm, thuốc bảo vệ thực vật thường quy định thời gian cách ly. Với thuốc hóa học thời gian này thường từ 5 - 7 ngày trở lên. Người ta đã tính toán, thời gian cách ly này tùy vào các hoạt chất bảo vệ thực vật để đủ thời gian giảm nồng độ và phân hủy dưới tác động của môi trường, ánh sáng, chuyển hóa trong rau quả. Phân hủy đó không đơn thuần chỉ có trên bề mặt thực vật mà còn thẩm thấu trong rau quả. Ngoài ra, hiện nay có nhiều loại hóa chất được nghiên cứu, cải tiến để thẩm thấu sâu nhằm giữ hiệu lực diệt sâu bệnh tốt và không bị rửa trôi bởi mưa. 
Đối với tờ kết quả thử nghiệm với thuốc bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Ngọc Châm chỉ rõ, đây là phép thử nghiệm hẹp trong rất nhiều thử nghiệm. Giá trị bản thử nghiệm này không đại diện cho các tác dụng của máy. Và không thể đưa thử nghiệm này để chứng minh cho tác dụng khử độc cho thực phẩm.
Thu Hiền

Bình luận(0)