Đe dọa tính mạng bởi "bỗng dưng rung thất"
Cách đây khoảng 1 tháng, bệnh nhân tên Nam (50 tuổi, ở Hưng Yên) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa phố Nối, Hưng Yên bởi đột ngột đau ngực. Đang khám bệnh thì bệnh nhân đột ngột mất ý thức, trên monitor theo dõi điện tim là hình ảnh rung thất, tức là tim chỉ rung, lắc chứ không đập đều đặn như ở người bình thường. Bệnh nhân được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa phố Nối khẩn trương xử trí đặt nội khí quản, bóp bóng và sốc điện ngoài lồng ngực. Sốc điện đến 27 nhát thì tim mới đập lại, bệnh nhân được chẩn đoán là nhồi máu cơ tim cấp và liên hệ chuyển Bệnh viện Tim Hà Nội.
Trước khi xe cấp cứu chuyển bệnh nhân đi, Bệnh viện Tim Hà Nội đã nhận được tin và sẵn sàng đón bệnh nhân từ cửa, tuy nhiên, cả bác sĩ Bệnh viện Đa khoa phố Nối (đơn vị chuyển đi) và Bệnh viện Tim Hà Nội (đơn vị chuẩn bị tiếp nhận) đều thấy đây là ca nặng, khó tiên lượng vì đã sốc 27 nhát, thêm quãng đường di chuyển dù không quá xa nhưng bệnh nhân có thể tử vong trên đường...
Nhưng xe cấp cứu vẫn hú còi lao nhanh. Tiếp nhận bệnh nhân Nam, các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội thấy ngực bệnh nhân chi chít vết bỏng - dấu tích của những lần sốc điện. Chụp mạch vành thấy tắc hoàn toàn động mạch vành phải, ngay lập tức bệnh nhân được nong mạch vành và đặt stent cấp cứu. Khi được nong phần hẹp, dòng máu chảy ào xuống đi một vòng cơ thể, bệnh nhân coi như được "hồi sinh".
Chưa dừng ở đó, khi chuyển về hồi sức, bệnh nhân lại bị hội chứng "tái tưới máu" gây rối loạn nhịp. Tuy nhiên, điều này đã được "dự báo" trước nên các bác sĩ xử lý không gặp khó khăn gì.
Giải thích về việc xảy ra hội chứng "tái tưới máu", BS Trần Thị Thanh Hà, Phó khoa Hồi sức cấp cứu nội, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, khi quả tim bị thiếu máu, quá trình chuyển hóa yếm khí sẽ sinh ra một số chất không có lợi. Khi mạch vành được nong ra, quả tim được tưới máu đầy đủ, máu chảy ào ra tưới khắp cơ thể, đồng thời với nó, đưa những chất không có lợi của quá trình chuyển hóa yếm khí vào tuần hoàn, gây rối loạn vi tuần hoàn, điều này được gọi là hội chứng "tái tưới máu", là nguyên nhân rối loạn nhịp trong giai đoạn mới được can thiệp nong động mạch.
|
Chăm sóc bệnh nhân ở Khoa Hồi sức cấp cứu nội, Bệnh viện Tim Hà Nội. |
Nguyên do từ đái tháo đường
Chia sẻ về những ca cấp cứu "thập tử nhất sinh", BS Trần Thị Thanh Hà cho hay: Các bác sĩ trong khi cấp cứu cũng đôi lần thót tim, cảm giác như tim mình ngừng đập trong giây lát. Cái khó khi cấp cứu cho bệnh nhân Nam là bệnh nhân đã cận kề cái chết, nếu không nhanh thì không thể cứu. Cả một êkip cấp cứu hồi sức phải hiểu ý nhau; đôi khi không cần nói, chỉ cần đưa mắt ra hiệu là người kia hiểu cần làm gì... Một điều nữa: Trong quá trình cấp cứu, bác sĩ, điều dưỡng cũng phải giải thích rõ ràng cho người nhà bệnh nhân về tình trạng, diễn biến... không để người nhà bệnh nhân sốc dẫn đến có những hành vi tiêu cực.
Bệnh nhân Nam được cứu là người trẻ (50 tuổi được tính là trẻ trong chứng đột quỵ), chưa có tiền sử bệnh tim mạch, nhưng lại có tiền sử bị đái tháo đường đã 5 năm, đã phải tiêm isullin. Theo BS Trần Thị Thanh Hà, đái tháo đường là bệnh nguy hiểm; nó là bệnh nội tiết liên quan đến tất cả các cơ quan khác của cơ thể. Người mắc đái tháo đường nhiều năm thường bị ảnh hưởng đến tim, thận, thần kinh.
Đái tháo đường chính là nguồn cơn của nhiều chứng bệnh nguy hiểm, trong đó có chứng ngừng tim đột ngột. Vì thế, người mắc đái tháo đường cần đặc biệt chú ý điều trị; ăn uống, sinh hoạt theo tư vấn của bác sĩ, khám định kỳ đúng hẹn, không tùy tiện bỏ thuốc...