Bệnh nhân đau tim chết sớm hơn vì không khí ô nhiễm

Google News

(Kiến Thức) - Nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân sống sót sau khi bị đau tim nếu hít phải không khí ô nhiễm có nguy cơ chết sớm. 

Không khí ô nhiễm, tỷ lệ tử vong tăng 12%

Các chuyên gia đã theo dõi hơn 154.000 bệnh nhân điều trị bệnh tim và chứng đau thắt ngực trong thời gian trung bình kéo dài 3,7 năm. Kết quả, nồng độ phân tử bụi trong không khí cao làm tăng tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp tới 12%. 

Những nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên kết giữa việc tiếp xúc không khí ô nhiễm với gia tăng nguy cơ bị bệnh tim và tử vong sớm. Tuy nhiên, ở các nghiên cứu trước, bằng chứng về tác động của không khí ô nhiễm đối với bệnh nhân đau tim vẫn chưa hợp lý. 

Nghiên cứu mới được tiến hành ở Anh và xứ Wales cho thấy, London có độ tập trung các phân tử bụi cao nhất - trung bình 14,1 microgram trên một mét khối không khí. Trong khi đó, người dân sống ở phía Đông Bắc nước Anh có mức độ tiếp xúc với không khí ô nhiễm thấp nhất. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở các thành phố bắt nguồn từ các phương tiện giao thông, khí thải nhà máy và nhà máy điện. 

Các nhà nghiên cứu đã liên kết hồ sơ của 154.204 bệnh nhân nhập viện vì hội chứng mạch vành cấp ở Anh và xứ Wales từ năm 2004 tới năm 2007 với độ tập trung ô nhiễm không khí trung bình từ năm 2004 tới năm 2010. Các bệnh nhân được theo dõi cho đến khi kết thúc nghiên cứu vào tháng 4/2010 hoặc đến khi họ qua đời (nếu họ qua đời trước khi kết thúc nghiên cứu). Trong thời gian nghiên cứu có 39.863 trường hợp tử vong. Các nhà nghiên cứu đã xem xét các yếu tố như giới tính, tuổi tác, bệnh sử, dùng loại thuốc gì, đang tuân theo phương pháp điều trị nào, hút thuốc hay không. Thậm chí cả các yếu tố kinh tế - xã hội như thu nhập, giáo dục, việc làm và nơi sinh sống cũng được nghiên cứu.

Ảnh minh họa. 

Bệnh nhân nghèo thường không phục hồi sức khoẻ tốt như các bệnh nhân khác

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí European Heart Journal tập trung vào các hạt bụi PM2.5 có kích cỡ nhỏ hơn 30 lần so với một sợi tóc người. Kết quả cho thấy, các bệnh nhân nghèo thường sống ở khu vực ô nhiễm không khí, do đó họ không phục hồi sức khoẻ tốt như các bệnh nhân khác.

TS Cathryn Tonne thuộc trường London School of Hygiene and Tropical Medicine (Anh) cho biết: "Chúng tôi thấy rằng cứ mỗi 10 microgram bụi PM2.5 tăng lên trong một mét khối không khí là nguy cơ tử vong lại tăng 20%. Cụ thể, sau hơn 1 năm theo dõi các bệnh nhân từng nhập viện vì hội chứng mạch vành cấp, chúng tôi thấy những bệnh nhân tiếp xúc với 20 microgram PM2.5 trên 1 mét khối không khí tăng 20% nguy cơ tử vong so với những bệnh nhân tiếp xúc với 10 microgram PM2.5 trên 1 mét khối không khí. Do đó, việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm có thể giải thích tình hình của các bệnh nhân đau tim có hoàn cảnh khác biệt".

Bà bổ sung: "Phát hiện của chúng tôi xác nhận mối liên quan giữa PM2.5 với việc tăng tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp".

TS Tonne và đồng nghiệp Paul Wilkinson ước tính rằng tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp sẽ giảm 12% nếu họ không tiếp xúc với nồng độ cao PM2.5 trong không khí. Con số này tương đương với 4.783 ca tử vong sớm hơn mức thông thường do tiếp xúc với PM2.5 từ các nguồn nhân tạo.

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Ngọc Anh (Theo Mail)

Bình luận(0)