Tàu ngầm Nhật Bản đã tới Philippines, chuẩn bị tập trận

Google News

Sáng 3/4, một tàu ngầm và hai tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF) đến thăm thiện chí Philippines.

Đây là lần đầu tiên trong 15 năm qua tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF) đến Philippines, trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng hung hăng trong khu vực.
Được hai tàu khu trục Ariake và Setogiri hộ tống, tàu ngầm huấn luyện Oyashio hôm qua cập vịnh Subic - nơi có một căn cứ hải quân cũ của Mỹ. Chuyến thăm diễn ra trước đợt tập trận chung Mỹ-Philippines khởi động vào hôm nay. Sĩ quan quan hệ công chúng của Hải quân Philippines, đại úy Lued Lincuna, cho biết 3 tàu của MSDF sẽ ở lại vịnh Subic cho đến ngày 6/4, AP đưa tin.
Tau ngam Nhat Ban da toi Philippines, chuan bi tap tran
 Tàu ngầm Nhật Bản JDS Oyashio cập vịnh Subic sáng 3/4. Ảnh: Philstar
Đội tàu Nhật Bản sẽ tham gia nhiều hoạt động xây dựng lòng tin với hải quân Philippines, như tiếp đón lực lượng Philippines lên thăm tàu, tham gia các trận bóng đá, bóng rổ giao hữu…, ông Lincuna thông báo. Quan hệ giữa Tokyo và Manila ngày càng tốt đẹp và chuyến thăm “không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào, không liên quan Trung Quốc”, ông nói.
“Subic là cảng quốc tế và là cảng lý tưởng để các tàu đưa quân nhân và thiết bị từ Mỹ, Nhật Bản và Úc đến. Rất nhiều tàu đến Philippines không liên quan đến vấn đề tranh chấp trên biển Đông”, báo Philstar dẫn lời đại úy Frank Sayson, phát ngôn viên của lực lượng Philippines tham gia cuộc tập trận chung Balikatan.
Philippines là một trong những nước chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ nhất trước những dự án bồi đắp, cải tạo ồ ạt của Bắc Kinh ở khu vực tranh chấp trên biển Đông, nên việc Nhật Bản đưa 3 tàu đến đến Philippines vấp phải sự phản ứng từ Trung Quốc. Lãnh đạo Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản hỗ trợ các nước nhỏ hơn trong khu vực. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng, Bắc Kinh đang theo dõi những bước đi của Tokyo trong khu vực.
Chuyến thăm của 3 tàu Nhật Bản diễn ra trước đợt tập trận chung Balikatan của quân đội Mỹ và Philippines. Các quân nhân của MSDF sẽ tham dự đợt tập trận với tư cách quan sát viên. Bà Amy Searight, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Nam Á và Đông Nam Á, tuần trước nói rằng, Nhật Bản đang bàn bạc với Philippines về việc thường xuyên tham gia đợt tập trận Balikatan. “Nhật Bản đang bàn với Philippines một thỏa thuận về địa vị của lực lượng, để Nhật Bản có thể tham gia thường xuyên vào những cuộc tập trận như vậy”, bà Searight nói trong một sự kiện của giới tư vấn chính sách tại Washington, Kyodo đưa tin. Một thỏa thuận như vậy sẽ quy định các hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tại Philippines.
Cho thuê máy bay
Khi Tokyo đang thắt chặt quan hê với Manila, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani có kế hoạch thăm Philippines từ ngày 23 đến 24/4 để bàn về việc làm sâu sắc hơn quan hệ an ninh, bao gồm khả năng mở rộng tập trận chung giữa MSDF và Hải quân Philippines, báo chí Nhật Bản đưa tin. Cuối tháng 2, Tokyo và Manila ký thỏa thuận chuyển giao thiết bị quốc phòng, đưa Philippines trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ký một thỏa thuận như vậy với Nhật Bản. Thỏa thuận này sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác sản xuất và phát triển thiết bị, công nghệ quốc phòng, và thiết lập khuôn khổ pháp lý cho những hoạt động như vậy.
Theo báo chí Nhật Bản, hoạt động chuyển giao thiết bị quốc phòng đầu tiên theo thỏa thuận này sẽ bao gồm ít nhất 5 máy bay TC-90 đã qua sử dụng của MSDF mà chính phủ Nhật có kế hoạch cho Hải quân Philippines thuê. Những máy bay này sẽ được dùng để giám sát khu vực tranh chấp trên biển Đông. Thỏa luận về việc cho Philippines thuê máy bay Nhật Bản dự kiến diễn ra trong chuyến thăm của Bộ trưởng Nakatani vào cuối tháng này.
Đầu tháng này, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch khẳng định tự do hàng hải tại khu vực tranh chấp trên biển Đông, Reuters hôm 2/4 dẫn lời một quan chức Mỹ.

Sau chuyến thăm Philippines, hai tàu khu trục của Nhật Bản sẽ tiếp tục đến vịnh Cam Ranh để thực hiện chuyến thăm tương tự. Trả lời câu hỏi của phóng viên về chuyến thăm của hai tàu Nhật Bản đến Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói rằng, cảng Cam Ranh thường có tàu quân sự các nước ghé thăm nhằm tăng cường giao lưu, hiểu biết, tạo dựng lòng tin giữa quân đội Việt Nam và các nước. 

Theo Tiền Phong

Bình luận(0)